Theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” của Liên Hợp Quốc, lượng rác thải điện tử được tạo ra bởi nền kinh tế toàn cầu đang tăng lên một cách nhanh chóng – ước tính tăng 21% trong 5 năm qua.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp thế giới đã thải ra môi trường 53,6 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2019. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn). Châu Phi và châu Đại Dương có tương đối ít rác thải điện tử.
Báo cáo cho biết, rác thải điện tử bao gồm hầu hết các sản phẩm bị vứt bỏ chứa pin và phích cắm. Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm vào năm 2030.
Hiện tại, chỉ có khoảng 17,4% rác thải điện tử được tái chế theo cách bền vững, thân thiện với môi trường. Tỷ lệ tái chế này quá nhỏ so với lượng rác do con người tạo ra.
“Hậu quả là rác thải điện tử sẽ giải phóng các chất độc hại, cũng như khí nhà kính vào môi trường”, Kees Baldé, cán bộ cấp cao của Chương trình Chu trình Bền vững tại Đại học Liên Hợp Quốc, nhận định.
Quốc Hùng (Theo UPI)