Thị trường công nghệ giáo dục tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Trước khi Marathon xuất hiện, đã có sáu công ty công nghệ giáo dục hoạt động với tổng số vốn kêu gọi được lên tới 22 triệu USD trong năm nay. Startup này sẽ làm gì để khiến mình trở nên khác biệt?
Bức tranh công nghệ giáo dục Việt Nam đang diễn ra hết sức sôi động khi các startup giáo dục cung cấp sản phẩm cho đủ mọi lứa tuổi, đáp ứng đủ mọi nhu cầu từ tiểu học đến trung học phổ thông. “Nhu cầu về giáo dục tư thục đang tăng nhanh trong khu vực, và sự tham gia của công nghệ vào giáo dục đã đạt đến điểm có thể dẫn đến thay đổi thực sự trong tiến trình phát triển của một ngành, lĩnh vực, giống như Ấn Độ và Trung Quốc trong bốn năm qua”, Phạm Đức chia sẻ về lý do mà anh quyết định trở về Việt Nam để lập Marathon Education - một startup về công nghệ giáo dục.
Với kinh nghiệm là một chuyên gia đánh giá các khoản đầu tư về công nghệ ở khu vực Đông Nam của Quỹ TPG Capital – quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Mỹ, anh nhận thấy các mô hình kinh doanh khác trong giáo dục đang đi theo hướng “marketplace” (thị trường giao dịch trực tuyến) với mức độ phân hóa giáo viên tương đối thấp. “Tôi tin rằng người học muốn học với những phương pháp chất lượng nhất, cùng người giáo viên dày dạn kinh nghiệm và gắn bó với lớp học đó trong suốt quá trình học, vì vậy chúng tôi muốn mọi thứ chúng tôi cung cấp cho học sinh đều là những thứ tốt nhất”. Phạm Đức nhận thức được rằng cách tiếp cận này đi ngược với cách vận hành của một số trung tâm học thêm - những nơi có rất nhiều giáo viên để học sinh có thể lựa chọn, nhưng “tôi không tin rằng một học sinh lớp 8 lại muốn xem hết danh sách toàn bộ 200 giáo viên Toán lớp 8 để lựa chọn, điều em ấy cần là một giáo viên giỏi nhất, và tôi muốn Marathon hiện thực hóa điều đó”.
Phạm Đức (trái) và Trần Việt Tùng - hai đồng sáng lập của Marathon Education.
Ảnh: Marathon
Điểm khác biệt thứ hai ở Marathon, đó là Marathon chỉ tập trung vào việc dạy trực tiếp trên nền tảng trực tuyến, không thu trước bất cứ nội dung nào. Theo anh Đức, điều này có thể mang lại trải nghiệm học tập tốt hơn và gia tăng mức độ tương tác giữa người dùng nhiều hơn so với các phương pháp khác.
Thêm vào đó, Marathon hướng đến đưa ra các thông tin chính xác và minh bạch về sự tiến bộ của học viên. Các công cụ phân tích và dữ liệu của họ cho phép phụ huynh nắm bắt được tiến độ học tập của con cái và hiểu rõ các em đang ở trình độ nào. “Marathon cũng sẽ đề xuất các bài tập giúp khắc phục những lỗ hổng kiến thức. Mục tiêu của chúng tôi là học sinh sẽ không cần phải học nhiều lớp cho một môn học cụ thể, mà chỉ cần theo một lớp để khắc phục tất cả những lỗ hổng kiến thức mà các em mắc phải”, anh Đức chia sẻ.
Tập trung vào chất lượng
Trong cuộc trò chuyện với báo Khoa học và Phát triển, anh Phạm Đức liên tục nhấn mạnh từ “chất lượng”, đó là điều mà anh luôn mong muốn Marathon Education hướng đến. Tuy nhiên, làm thế nào để anh có thể tìm được những người giáo viên tốt nhất - như lời hứa mà anh đã cam kết với người dùng? Đặc biệt, trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đang triển khai gối đầu Chương trình GDPT mới 2018 lần lượt từng khối, làm thế nào để chắc chắn được rằng giáo viên đã cập nhật được nội dung lẫn phương pháp giảng dạy phù hợp với Chương trình này?
“Marathon có một hệ thống để tuyển chọn và phỏng vấn các giáo viên có kinh nghiệm. Các giáo viên của chúng tôi hiện tại đều là những giáo viên với bề dày kinh nghiệm dạy thêm và dạy chính thức tại các cơ sở giáo dục công lập. Sau đó, chúng tôi phỏng vấn nhiều vòng để hiểu về kết quả học tập của những học sinh đã từng theo học họ trước đây, chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm”, anh Đức phân tích về quá trình tuyển chọn của Marathon. Khi một giáo viên quyết định hợp tác với công ty, họ sẽ cùng nhau thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh, giáo án tích hợp phù hợp với trình độ của giáo viên và các công cụ để đánh giá tiến trình học tập.
Nền tảng công nghệ hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Công ty sẽ tiến hành các giai đoạn thử nghiệm trước cuối năm nay và dự kiến tung ra sản phẩm trên quy mô rộng hơn vào đầu năm sau. Để phù hợp với tiến trình hiện tại, họ sẽ bắt đầu bằng cách mở các khóa học toán và khoa học tự nhiên từ lớp 6 đến lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, rồi dần dần bổ sung thêm các bài học ở nhiều môn học hơn theo thời gian.
Để thuyết phục giáo viên tham gia cùng, “chúng tôi đưa ra mức thu nhập ổn định, đồng thời trao cho giáo viên cơ hội mài dũa kỹ năng sư phạm, giúp họ tiếp cận với học sinh trên khắp cả nước, thay vì chỉ dạy cho những em trong cùng thành phố”, anh Phạm Đức chia sẻ. Bên cạnh đó, giáo viên cũng không cần phải lo nghĩ đến những việc như tuyển sinh, tiếp thị, thu chi hay liên lạc với phụ huynh, “công ty sẽ hỗ trợ tất cả những việc đó”.
Có lẽ chính sự khác biệt cũng như những tham vọng mà Marathon Education luôn hướng đến đã khiến họ lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư. Với việc startup non trẻ này vừa gọi được 1,5 triệu USD vốn đầu tư cho vòng tiền hạt giống (pre-seed) do Forge Ventures dẫn dắt, Phạm Đức cho biết anh sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng, thuê một đội kỹ sư và xây dựng cơ sở hạ tầng. “Việc tuyển dụng đội kỹ sư sẽ là một thách thức với chúng tôi do nhân tài công nghệ ở Việt Nam còn ít. Trước tiên, chúng tôi sẽ sử dụng SDK (bộ phát triển phần mềm) của bên thứ ba cho giải pháp phát trực tuyến, nhưng sau rốt, chúng tôi vẫn muốn tự mình xây dựng một sản phẩm nội bộ”, anh chia sẻ.
Dù đại dịch COVID-19 rồi sẽ đến lúc kết thúc và học sinh sẽ quay trở lại trường học, tuy nhiên anh Đức khá lạc quan khi nghĩ về tương lai của lĩnh vực công nghệ giáo dục nói chung và của Marathon nói riêng trong thời gian tới, nhất là khi đồng hành với anh là Trần Việt Tùng, từng là giám đốc khu vực Việt Nam của Klook – một startup du lịch trực tuyến, và đã có kinh nghiệm thành lập một số startup trước đó như Triiip.me và Christina’s. “Anh Tùng biết cách tìm kiếm để hiểu rõ thị trường sẽ cần gì, nhờ đó anh đã mở rộng đội ngũ của Christina’s lên 500 nhân viên tại tám quốc gia khác nhau. Là một nhà điều hành có kinh nghiệm, anh ấy sẽ giám sát các hoạt động của Marathon và đưa ra chiến lược tiếp cận thị trường với tư cách là giám đốc điều hành của chúng tôi”.
Và sau rốt, điều khiến Phạm Đức tin rằng Marathon Education sẽ thành công, đó là bởi “chúng tôi cực kỳ kiên nhẫn, và chúng tôi sẽ đi đường dài bằng cách tập trung vào chất lượng”, đó là thứ “phân biệt chúng tôi với những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục chỉ hướng đến lợi nhuận”, anh kết luận.