Với sự tham gia của nhiều công ty khởi nghiệp và tập đoàn lớn, cạnh tranh cho xe máy điện ở Đông Nam Á đang nóng lên.

Xe máy luôn gợi lên hình ảnh của những vệt khói dài, ồn ào, bụi bặm và nồng nặc mùi xăng dầu trên đường phố. Nhưng hiện các nền kinh tế Đông Nam Á đang phụ thuộc chủ yếu vào xe máy. Mỗi ngày có hàng chục triệu người len lỏi qua những cung đường sầm uất ở Jakarta, Bangkok và TP. Hồ Chí Minh để đưa đón con em đi học, đến nơi làm việc, vận chuyên hàng hóa và mọi hoạt động thường nhật khác.

Ngày càng nhiều dòng xe máy điện xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Ảnh: meovathay.vn

Nhưng một số công ty khởi nghiệp trong khu vực tin rằng xe máy sẽ là phương tiện giao thông xanh sạch của tương lai. Ông James Chan, giám đốc điều hành Ion Mobility ở Singapore cho rằng “Không có lý do gì mà những chiếc xe máy của chúng ta lại không thể gia nhập hàng ngũ thiết bị kiến tạo nên dòng chảy kỹ thuật số của kỷ nguyên Internet”. Theo ông, điều quan trọng là phải biến những chiếc xe máy trở thành phương tiện chạy hoàn toàn bằng điện và loại bỏ các động cơ bẩn.

TẠO RA MỘT LOẠI “XE MÁY” MỚI

Mặc dù châu Á có thị trường xe máy lớn nhất thế giới nhưng ngành công nghiệp sản xuất truyền thống này dường như có dấu hiệu vượt quá đỉnh chín muồi. Động lực và tốc độ đổi mới sáng tạo trong ngành đều đang dần suy giảm. Trong bối cảnh đó, phát triển xe điện có thể mở ra cơ hội mới để chiếm lĩnh thị trường và góp phần giải quyết nhiều bài toán phức tạp mà xe máy sử dụng động cơ đốt trong đã tạo ra trước đây.

Ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, ô nhiễm không khí đang là câu chuyện khủng hoảng sức khỏe cộng đồng còn nghiêm trọng hơn cả đại dịch COVID-19, theo lời bình luận của Phó tổng biên tập Dominic Faulder trên tờ Nikkei Asia. Một nghiên cứu của Khoa Y tế Công cộng Đại học Indonesia cho thấy 58% tất cả các bệnh ở những người sống trong thành phố đều có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Vì hầu hết các xe máy hiện nay chạy bằng xăng hoặc dầu diesel, chúng góp phần đáng kể vào tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng tồi tệ hơn ở các thành phố Đông Nam Á. Ngược lại, xe máy điện lại không phát thải trong suốt quá trình chạy hoặc dừng đỗ trên đường.

Số tiền phải trả cho quảng đường đi bằng xe máy điện cũng thấp hơn so với xe máy sử dụng động cơ vì chúng sử dụng ít năng lượng hơn. Phần lớn các startup sản xuất xe điện cho biết những dòng xe của họ tiêu thụ lượng điện không đáng kể, tương đương 2-3 số điện (tức 6.000-8.000 VND) cho mỗi lần sạc chạy tối đa 100km.

Bằng cách tiết kiệm nhiên liệu, xe điện cũng có thể giúp cải thiện cán cân thương mại của một quốc gia. Chẳng hạn như Indonesia hằng năm phải nhập khẩu vài tỷ USD dầu khí và vẫn đang trợ cấp nhiên liệu cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, xe điện cũng có nhược điểm của nó. “Thật không may, pin của chúng vẫn sử dụng lithium, niken, coban, mangan”, Chan nói. Những kim loại này có thể gây độc hại với môi trường khi pin bị thải bỏ mà không được xử lý đúng cách. Các nhà sản xuất xe điện đang cố gắng nghiên cứu nhiều công nghệ tiềm năng mới để sản xuất và tái chế pin, đồng thời thiết lập những chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn để giảm tổng phát thải khí nhà kính ròng.

Giống như xe tự lái của Tesla, những chiếc xe máy điện có thể mang đến cơ hội đột phá. Công ty của Chan đang tạo ra một giao diện tương tác mới giữa con người và máy móc, bằng cách sử dụng một nền tảng cho phép điều hướng, nhập dữ liệu, phân tích dữ liệu hỗ trợ người dùng, thậm chí còn cho phép họ thanh toán tại chỗ.

Người dùng sẽ kết nối những thiết bị cầm tay thông minh của họ với chiếc xe. Chan nói, “Một trong những cải tiến về tính an toàn và giao diện của chúng tôi là cho phép con người điều khiển xe bằng tín hiệu âm thanh hoặc cử chỉ. Chúng tôi thiết kế lại các bảng điều khiển để tính đến những bất tiện hàng ngày khi đi xe”.

Cũng như nhiều startup xe điện khác, công ty của Chan mong muốn mở rộng ra nhiều nước tại Đông Nam Á. Năm ngoái, họ mới nhận được khoản đầu tư vòng hạt giống trị giá 3,3 triệu USD từ các quỹ mạo hiểm để ra mắt sản phẩm tại thị trường khu vực, bắt đầu từ Indonesia.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG CHO STARTUP

Doanh số bán lẻ của xe máy điện ở thị trường Đông Nam Á có thể tăng 8 lần, từ mức 0.3 tỷ USD năm 2013 lên mức dự kiến 2.5 tỷ USD năm 2022, tương đương với 23% thị trường xe hai bánh, theo đánh giá của China Insights Consultancy.

Thực tế, Đông Nam Á đã chú ý đến xe điện từ cách đây vài năm nhưng thị trường thời gian qua vẫn chưa thực sự sôi nổi do chi phí đầu tư phát triển xe còn cao, thiếu hạ tầng sạc điện và niềm tin của người dân với phương tiện này vẫn còn thấp.

Tuy nhiên gần đây, các chính phủ tiên phong như Singapore, Thái Lan và Indonesia đều đưa ra các kế hoạch làm “xanh hóa” hệ thống giao thông và trở thành những trung tâm xe điện của ASEAN. Các chuyên gia của Bain & Company ước tính rằng khu vực sẽ đầu tư thêm 6.5 tỷ USD cho xe điện và hạ tầng sạc. Mức đầu tư sẽ tăng mạnh nhất sau năm 2025.

Họ tin rằng thị trường ASEAN còn mang lại cơ hội cho các công ty khởi nghiệp bởi những hãng sản xuất ô tô kỳ cựu của thế giới sẽ tập trung vào các thị trường trọng yếu như Trung Quốc, châu Âu để phát triển xe điện và chưa dành nhiều quan tâm tới Đông Nam Á. Theo đánh giá, đa phần thị trường trong khu vực Đông Nam Á sẽ không bắt đầu như cách phương Tây đã đi trong đó lấy xe hơi cá nhân làm mục tiêu chuyển đổi đầu tiên mà sẽ bắt đầu từ xe máy – phương tiện phổ biến với thói quen sinh hoạt của đại đa số dân cư.

Điều thú vị là cánh cửa vẫn đang rộng mở. Tính đến nay, chưa có một kỳ lân hay tay chơi nào thiết lập được vị trí thống trị trong lĩnh vực xe máy điện tại khu vực.

Ngay cả Trung Quốc, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, vẫn chưa tạo được chỗ đứng lớn và sản xuất ra được những chiếc xe máy điện thiết kế phù hợp với những yêu cầu cụ thể của người dân nơi đây. (So với Trung Quốc, người tiêu dùng Đông Nam Á cần tốc độ và phạm vi di chuyển cao hơn. Những chiếc xe điện cũng phải chịu được khí hậu nhiệt đới nóng ẩm).

Ngoài các công ty của Trung Quốc, những công ty lớn trong khu vực như Vinfast tại Việt Nam, Viar ở Indonesia, Energy Absolute tại Thái Lan và Scorpio Electric ở Singapore đều đang dốc hết tốc lực để nắm bắt cơ hội thị trường.

Các startup nhỏ hơn như Ion Mobility của Singapore, Dat Bike của Việt Nam hay Treeletrik của Malaysia – mặc dù mới chỉ đạt được những vòng gọi vốn nhỏ vài triệu USD nhưng tỏ ra ưu thế về mặt thiết kế sản phẩm phù hợp với thị hiếu giới trẻ - cũng đang không kém phần quyết liệt trong việc chiếm lĩnh miếng bánh thị phần. Đổi mới sáng tạo sẽ là một trong những đòn bẩy quan trọng cho các startup khi phát triển những sản phẩm mới mà thị trường chưa hề xuất hiện.

Nhưng khi nói đến thị trường, không phải tất cả các quốc gia đều như nhau. Một trong những thách thức lớn mà các startup xe điện như Chan phải đối mặt là vấn đề cơ sở hạ tầng sạc điện và các quy định đi kèm. Ở Indonesia, xe điện có thể sạc trực tiếp tại nhà và sử dụng phích cắm thông thường. Tuy nhiên, xe điện ở Singapore lại phải dùng phích cắm lớn hơn nhiều và cần các trạm sạc riêng.

Điều này thể hiện phần nào nhu cầu sử dụng xe điện cũng như những cân nhắc xung quanh việc đưa một lượng lớn thiết bị tiêu thụ điện vào làm căng thẳng lưới điện.

Chan đánh giá rằng Indonesia đang là cơ hội thị trường tốt nhất trong ASEAN cho xe điện vì quy mô nhu cầu ở đây tương đối lớn và “họ liên tục tạo không gian để chúng tôi tham gia thị trường, vận động hành lang và cùng nhau tạo ra các tiêu chuẩn”.

Khi cả thế giới đang có xu hướng giảm các động cơ đốt trong ngốn nhiên liệu và đặt ra tầm nhìn dài hạn giảm thiểu khí nhà kính, các phương tiện chạy bằng điện đang có tương lai đầy hứa hẹn.

Đối với nhiều người ở Đông Nam Á, xe máy là một lối sống. Từ những ngôi làng nông thôn ở Bali đến các đô thị sầm uất ở Hà Nội, những chiếc xe máy điện có thể sẽ dần dần trở nên quen thuộc và xóa nhòa hình ảnh của những chiếc xe hai bánh ồn ào, bụi bặm.