Bên cạnh việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang là chính yếu, một số nền tảng còn tích cực tìm đầu ra cho các cửa hàng nhỏ, nông dân, thương lái chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Những cái tên mới như Tiki, Grab đã nhảy vào hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Trong khi đó, Chợ Tốt và be cũng tham gia giúp đỡ nhà vườn và cửa hàng trái cây vượt qua khó khăn mùa dịch.

Thành đoàn TP.HCM hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho nông dân Đồng Tháp trên Chợ Tốt.

Grab vừa tung ra hai kênh để tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, trong đó có dự án đặt mục tiêu bán được 300 tấn vải Lục Ngạn.

Cụ thể, Grab và chuỗi siêu thị Big C vừa kết hợp mở bán vải thiều Bắc Giang trên nền tảng này. Khách có thể chọn mua vải ở các cửa hàng Big C trên GrabMart với giá 29.000 đồng/kg. Người dùng được giảm phí giao hàng hoặc giảm giá nếu mua số lượng nhiều. Hiện nay, người dân ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đều có thể mua qua kênh này.

Ngoài ra, nền tảng gọi xe này triển khai chương trình GrabConnect, cho khách đặt trước vải Lục Ngạn trên GrabMart. Người mua điền thông tin mua hàng, chờ gọi xác nhận và thanh toán, nhận hàng. Chương trình này dự kiến tiêu thụ 300 tấn vải. GrabConnect đặt mục tiêu kết nối nông sản và đặc sản địa phương từ nông dân đến người tiêu dùng khắp cả nước thông qua ứng dụng công nghệ. Trong đó, dự án đầu tiên là tiêu thụ vài thiều Bắc Giang.

Tiki cũng lần đầu hợp tác với BigC để bán vải Bắc Giang. Theo đó, vải thiều được bán với giá từ 29.900 đồng/kg, miễn phí vận chuyển với đơn hàng nhất định và tặng mã giảm giá trực tiếp. Hiện gian hàng của BigC trên Tiki có thể tiếp cận người mua ở 26 tỉnh thành. Dự kiến, lượng vải thiều tiêu thụ trong chiến dịch đạt 16 tấn. Mỗi đơn hàng thành công Tiki sẽ trích 5% để góp vào Quỹ phòng chống Covid-19.

Bắc Giang là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tính đến trưa 11/6, toàn tỉnh có 3.700 ca nhiễm Covid-19. Do các biện pháp phòng dịch, giao thông gián đoạn, nhiều mặt hàng nông sản khó tìm đầu ra. Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, sản lượng vụ vải thiều năm nay ước khoảng 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2020. Rất nhiều sàn thường mại điện tử lẫn các kênh offline đã chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ địa phương này.

Những kênh tham gia giải cứu vải Bắc Giang nhiều nhất là các sàn thương mại điện tử, gồm có Vỏ Sò (voso.vn), Post Mart (postmart.vn), Sen Đỏ (sendo.vn), Shopee, Lazada, Tiki. Theo thống kê, tính đến ngày 6/6, các sàn đã tiêu thụ hơn 800 tấn vải thiều Bắc Giang, đưa 739 hộ nông dân lên gian hàng trực tuyến. Dự kiến kênh thương mại điện tử sẽ tiêu thụ khoảng 5% lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang.

Ngoài Bắc Giang, một số địa phương khác cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Rất nhiều loại nông sản đang vào vụ như khoai lang, bơ, vải, xoài, sầu riêng... gặp khó khăn trong việc giải quyết đầu ra.

Do đó, Chợ Tốt và ứng dụng gọi xe be đã mở chiến dịch hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Với hợp tác này, nhà vườn hay sạp bán trái cây có thể đăng bán trên Chợ Tốt mà không mất phí hay chiết khấu trên đơn hàng.

Các đơn hàng mua trái cây và nông sản sẽ được be hỗ trợ giao hàng tận nhà miễn phí trong vòng bán kính 4km (tối đa 20.000 đồng/chuyến), áp dụng khi mua tại TP.HCM và Hà Nội.

Phía Chợ Tốt cho biết hiện có hơn 1.400 tin đăng bán trái cây các loại từ sầu riêng, bưởi, bơ, vải, mận, khoai lang… do nông dân, thương lái, cũng như các tổ chức hỗ trợ giải cứu nông sản đăng lên.

Trước đó, trên nền tảng này, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ TP.HCM phối hợp cùng Sở Công Thương Đồng Tháp triển khai chương trình bán khoai lang tím cho các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn TP.HCM. Mức giá 6.000 đồng/kg, miễn phí giao hàng tại TP.HCM cho đơn hàng từ 50kg. Giá thu mua hỗ trợ nông dân là 5.000 đồng/kg.

Chuyển đổi số để tránh việc "giải cứu" trong tương lai

Mặc dù việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản hiện nay rất cấp bách song có ý kiến cho rằng cần có bài toán lâu dài cho nông nghiệp để tránh tình trạng "giải cứu" trong tương lai. Và giải pháp chuyển đổi số được xem là quan trọng nhất.

Hồi đầu tuần này, Grab và các cục thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã ký bản ghi nhớ chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Trước mắt, chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội, trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết từ tháng 01/2021, Bộ đã ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên vì đây là ngành then chốt của nền kinh tế, có rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang sản xuất kinh doanh.

“Hợp tác này sẽ góp phần giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và tiêu thụ để không còn tình trạng giải cứu trong tương lai”, ông Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), một trong những giải pháp đột phá cho nông nghiệp là liên kết thúc đẩy tiêu thụ nông sản của bà con bằng các nền tảng số, tạo tiền đề để chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ông Vũ Quang Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhấn mạnh dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, do đó giải pháp hiện nay là phải chuyển đổi số.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chủ động thực hiện một số biện pháp hỗ trợ các hợp tác xã, triển khai đề án ứng dụng CNTT trong điều hành quản lý bao gồm xây dựng nền tảng ứng dụng về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiến hành đồng loạt cho 63 liên minh tỉnh, thành”, ông Phong nói.