Mực in này chất lượng có thể so sánh ngang tầm với mực in ngoại nhập. Nếu được đưa vào sản xuất đại trà thì giá thành có thể giảm 50%.

Đây là kết quả của đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KC.02/11-15 về “Nghiên cứu chế tạo mực in nano kim loại bạc và đồng dùng trong công nghệ in phun" đã đánh dấu bước đột phá trong việc tạo ra sản phẩm mới là mực in nano kim loại.

Tự mày mò nghiên cứu

TS Đặng Thị Mỹ Dung (Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano – ĐH Quốc gia Tp.HCM) - Chủ nhiệm đề tài cho biết, việc hình thành được công thức MIP là chìa khóa để chế tạo thành công các mảng dẫn điện bằng phương pháp in phun. Tuy nhiên, đây là việc hết sức khó khăn bởi là nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện trong nước. Vì thế, nhóm nghiên cứu không có tài liệu tham khảo, phần lớn dịch từ nước ngoài nhưng cũng không nhiều. Tự mày mò nghiên cứu, nhưng bù lại, nhóm nghiên cứu lại có thuận lợi là được các chuyên gia người Pháp đã từng nghiên cứu về vấn đề này giúp đỡ rất nhiệt tình. Những khúc mắc trong quá trình thực hiện đều được họ trả lời nhiệt tình và nhanh nhất.

TS Dung cho biết thêm, trước đây, chúng tôi đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Chế tạo mực in nano bạc ứng dụng trong công nghệ in các mạch điện tử” cũng thuộc Chương trình KC.02/11-15. Trong đề tài tài, nhóm đã xây dựng được một công thức mực in nano bạc có thể ứng dụng được trong công nghệ in phun nhưng công thức này vẫn còn một số hạn chế như thời gian ổn định không cao, độ dẫn điện kém. Trong đề tài kế tiếp này, chúng tôi đã giải quyết được 2 vấn đề còn tồn tại nói trên.

Ngoài ra, để giảm giá thành MIP, nhóm cũng đã nghiên cứu để chế tạo mực in nano đồng. Việc tìm ra công thức mực in nano đồng cũng là vấn đề khó khăn vì khả năng oxy hóa nhanh chóng của hạt nano đồng. Đây cũng là lý do tại sao trên thế giới vẫn chưa có mực in hạt nano đồng thương mại.

"Chúng tôi hy vọng có thể chế tạo được mực in nano đồng ứng dụng cho thiết bị in phun diêu mịn trong tương lai" – TS Dung chia sẻ.
Sản phẩm mực in nano bạc của nhóm nghiên cứu
Sản phẩm mực in nano bạc của nhóm nghiên cứu

Sẽ thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Không chỉ thành công trong việc chế tạo mực in nano đồng, bạc, đề tài còn nghiên cứu ứng dụng công nghệ in phun để chế tạo cảm biến không dây dựa trên nền tảng công nghệ RFID có khả năng phát hiện khí NH3. Đối với sản phẩm mực in nano bạc thích hợp cho sử dụng máy in phun Dimatix. Sau khi in bằng loại mực in này, lớp in có độ bám dính tốt, bề mặt đẹp. Mực in này có thể so sánh ngang tầm với mực in ngoại nhập.

TS Dung cho biết, nếu mực in nano bạc được đưa vào sản xuất đại trà thì giá thành có thể giảm 50% so với nhập ngoại. Trước thành công của đề tài, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với hai công ty aNexus (Singapore) và Printing Solution (Hàn Quốc) để có hướng thương mại hóa sản phẩm.

"Sau khi kết thúc đề tài, nhóm nghiên cứu mong muốn được chấp thuận để xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm, để có thể chuyển giao công nghệ và cho ra các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học. Sau bao năm miệt mài, vất vả mới thành công, chúng tôi không thể để kết quả nghiên cứu của mình ở mãi trong phòng thí nghiệm được" – TS. Đặng Thị Mỹ Dung chia sẻ.

PGS. TS Đặng Mậu Chiến – Giám đốc Phòng Thí nghiệm công nghệ Nano cũng khẳng định: "Phải đẩy kết quả nghiên cứu ra thị trường chứ không thể để ngăn kéo. Mặc dù trước mắt sẽ gặp phải khó khăn vì đây là công nghệ mới, trong khi các công ty trong nước vẫn sử dụng công nghệ cũ. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng quyết tâm đưa sản phẩm KHCN của mình ra thị trường".