Sản phẩm do nhóm tác giả của Đại học Y Dược TPHCM nghiên cứu bào chế nhằm tăng cơ hội hấp thụ hoạt chất từ bào tử nấm linh chi.

Nấm linh chi là vị thuốc quý được sử dụng phổ biến trong dân gian và được công bố trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước. Các sản phẩm từ nấm linh chi thường được sử dụng với tác dụng bồi bổ cơ thể, hỗ trợ điều trị ung thư, tăng cường hệ miễn dịch,…

Trước đây, bộ phận sử dụng chủ yếu của nấm Linh chi là thể quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, bào tử nấm linh chi lại là đối tượng tiềm năng của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về loại nấm này. Một số nhóm hợp chất có tác dụng sinh học được tìm thấy ở quả thể và bào tử nấm Linh chi như triterpenoid, steroid, polyphenol, nucleotid, polysacccharid,… Theo y học hiện đại, bào tử và thể quả nấm Linh chi có tác dụng kháng viêm, kháng ung thư, kháng virus, bảo vệ gan, phục hồi hệ thần kinh, kháng khuẩn, ngăn ngừa béo phì và đái tháo đường,… Về thành phần hóa học, đã có một số công trình công bố, hàm lượng hoạt chất trong bào tử cao hơn so với thể quả.

Tuy nhiên, bào tử có kích thước nhỏ, chỉ khoảng 10μm, và có lớp vách bảo vệ rất vững chắc, nên việc chiết xuất hoạt chất từ bào tử nấm linh chi gặp nhiều khó khăn. Lớp vách này được cấu tạo từ hai lớp vỏ cơ bảnz: lớp vỏ sơ cấp hermi-celulose, và lớp vỏ thứ cấp cấu tạo từ chitin và các dẫn xuất từ chitin. Đặc biệt, lớp vỏ này có tính đàn hồi khi chịu lực, nên rất khó phá vỡ. Nếu sử dụng bào tử nấm linh chi đã phá vách thì cơ hội hấp thụ hoạt chất tăng lên. Đồng thời, hoạt chất bên trong cũng giải phóng tối đa cung cấp các khoáng chất giúp cơ thể khỏe hơn.

n
Từ trái sang: nấm Linh chi, bào tử nấm linh chi và bào tử nấm linh chi phá vách. Ảnh: NNC

Thị trường Việt Nam hiện nay chưa có sản phẩm từ bào tử nấm linh chi phá vách, đặc biệt là dạng bào chế như viên nang. Ngoài ra, trong nước cũng chưa có công trình nghiên cứu nào hoàn chỉnh, đủ cơ sở khoa học về thử nghiệm phá vách bào tử nấm linh chi. Vì vậy, nhóm nghiên cứu ở Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khoẻ từ bào tử nấm linh chi đã được phá vách”.

Đối tượng nghiên cứu là bào tử thu hoạch từ quả thế nấm linh chi do Công ty Cổ phần Linh chi VINA (TPHCM) cung cấp. Qua quá trình thử nghiệm một số phương pháp phá vách như nghiên cơ học, sóng siêu âm, bức xạ gamma, hấp, vi sinh, cho thấy đều đạt tỷ lệ phá vách bào tử trên 50%. Trong đó, nhóm tác giả xây dựng được 2 quy trình phá vách bào tử nấm linh chi - nghiền cơ học và siêu âm lạnh - đạt yêu cầu tỷ lệ phá vách bào tử trên 85%.

Ở quy trình phá vách bào tử nấm linh chi bằng phương pháp nghiền cơ học, nguyên liệu bào tử được làm lạnh từ 2 – 10oC trong 3 giờ, sau đó đem nghiền thật nhỏ. Ở quy trình này, tỷ lệ phá vách bào tử nấm linh chi đạt trên 85%. Kỹ thuật này đơn giản, không cần thiết bị chuyên dụng.

Đối với quy trình phá vách bào tử nấm linh chi bằng phương pháp siêu âm lạnh, nguyên liệu bào tử nấm linh chi được ngâm cùng ethanol, đặt vào bể ổn nhiệt có sẵn cồn được làm lạnh ở nhiệt độ -70oC. Đặt đầu dò siêu âm vào cốc chứa nguyên liệu bào tử nấm linh chi, siêu âm trong 60 phút ở tần số 20kHz. Sau đó cô quay và sấy được bào tử nấm linh chi phá vách. Ở quy trình này, tỷ lệ phá vách bào tử nấm linh chi đạt trên 95%, tuy nhiên cần các thiết bị chuyên dụng.

v
Viên nang từ bào tử nấm linh chiphá vách. Ảnh: NNC

Sau khi thu được bào tử nấm linh chi phá vách, nhóm tiến hành bào chế viên nang quy mô 5.000 viên/mẻ. Các tiêu chuẩn cơ sở cho nguyên liệu bào tử nấm linh chi, bào tử nấm linh chi phá vách và viên nang bào tử nấm linh chi phá vách do nhóm xây dựng, được Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM thẩm định đạt yêu cầu.

Đánh giá độc tính cấp đường uống của viên nang bào tử nấm linh chi phá vách trên chuột thí nghiệm cho thấy, ở liều 6.670mg/kg, uống trong 14 ngày, không gây chết, không gây thay đổi bất thường nào, chuột khỏe mạnh, tăng cân đều trong suốt quá trình thử nghiệm.

Ngoài ra, viên nang còn có tác dụng phòng ngừa và bảo vệ tổn thương gan trên mô hình chuột bị gây tổn thương gan cấp, thông qua hiệu quả làm giảm các enzyme gan (AST, ALT). Chế phẩm này cũng thể hiện tác dụng chống oxy hóa, thông qua hiệu quả giảm lượng MDA và tăng GSH trong gan. Thử nghiệm còn cho thấy, viên nang có tác động ức chế tế bào ung thư gan HepG.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.