Trong vòng sáu năm, CodeGym đã áp dụng thành công mô hình bootcamp để trở thành một trong những công ty nổi bật trong lĩnh vực giáo dục lập trình. Họ đang góp phần ‘cách mạng hóa’ quá trình chuyển đổi nghề nghiệp cho ngành IT của Việt Nam.

Bắt đầu từ con số 0

Thành lập năm 2017, CodeGym là một trong những trung tâm đào tạo lập trình dạng bootcamp đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Những người sáng lập của CodeGym nói rằng mô hình của họ thiên về đào tạo nghề và mang tính ứng dụng tuyệt đối. Nó yêu cầu người học phải tập trung cao độ “tám tiếng một ngày, liên tục trong sáu tháng” trong môi trường đặc biệt do CodeGym tạo ra.

Nếu bước chân vào khóa học này, các học viên không được phép xao nhãng hay thoái lui. Hằng ngày, họ phải check in, check out, nhận khối lượng công việc cho ngày hôm đó và báo cáo trên hệ thống cho giảng viên. Người học được hỗ trợ 1-1 toàn thời gian với các giảng viên đóng nhiều ‘vai’ khác nhau, bao gồm các huấn luyện viên (coach) giúp xác định lĩnh vực phát triển theo nhu cầu cá nhân hoặc nghề nghiệp, giảng viên hướng dẫn (instructor) hỗ trợ kiến thức theo từng nội dung chuyên môn và trợ lý đi kèm (tutor) theo dõi, đưa ra các phản hồi liên tục để người học có thể sửa đổi.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, mỗi lớp học tiêu chuẩn của CodeGym sẽ không quá 25 người, với tỷ lệ giảng viên trên học viên là 1:20.

Giảng viên và các học viên trong một lớp học bootcamp của CodeGym. Ảnh: CodeGym
Giảng viên và các học viên trong một lớp học bootcamp. Ảnh: CodeGym

Bắt đầu một ngày làm việc, học viên có thể dành 90 phút đến một tiếng để trao đổi với người hướng dẫn. Sau đó, họ có gần sáu tiếng để thực hành, tự học, làm bài tập dưới sự hướng dẫn của mentor hoặc làm việc với những người liên quan.

Xuyên suốt khóa học, học viên của CodeGym được tham gia vào một số dự án của doanh nghiệp và nhận phản hồi từ giảng viên theo những tiêu chí đầu vào thực tế của doanh nghiệp tuyển dụng. Kết thúc sáu tháng, doanh nghiệp sẽ trực tiếp đến phỏng vấn và đánh giá năng lực của các học viên. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi doanh nghiệp chính là những ‘giám khảo’ công tâm nhất trong việc xác định liệu người học có đủ năng lực làm việc trên thị trường hay không.

Nhờ áp dụng mô hình học tập như thế nên thay vì phải mất 2-5 năm như mô hình đào tạo truyền thống, các học viên của CodeGym có thể vững tay nghề chỉ trong vòng nửa năm. Trải nghiệm của người học được thiết kế cẩn thận từ dễ đến khó để ngay cả người không biết gì về công nghệ thông tin và lập trình cũng có thể bắt nhịp.

Trên thực tế, chương trình của tháng bootcamp đầu tiên đã được cải tiến qua sáu phiên bản để đáp ứng những học viên đa dạng của CodeGym, bao gồm cả công nhân, kỹ sư xây dựng, nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh, sinh viên báo chí, bộ đội xuất ngũ…

Bí quyết giáo dục

Khác với nhiều doanh nghiệp công nghệ giáo dục (Edtech) hiện nay, CodeGym được thành lập bởi một nhóm các nhà giáo dục, những người hiểu rõ tính khoa học phức tạp của việc giảng dạy và nắm trong tay những hiểu biết sâu sắc về phương pháp sư phạm cũng như tâm lý học.

Theo hiểu biết của họ, Edtech trước tiên phải là “giáo dục” rồi mới đến “công nghệ”. Nghĩa là các nền tảng công nghệ thông tin – bao gồm các IT platform để mọi người có thể vào học hoặc thực hành, các hệ thống tự động hóa quy trình học tập và các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp theo dõi, cá nhân hóa, đề xuất các nhiệm vụ trực quan cho người học – dù được triển khai và đóng vai trò nhất định nhưng sẽ không phải là phần quan trọng nhất trong mô hình đào tạo của CodeGym.

Các nhà sáng lập CodeGym hiểu được nhược điểm mà mô hình học tập truyền thống đem lại, khi người thầy (teacher) tập trung vào giảng bài và học trò ở dưới lắng nghe. Giáo viên có thể truyền đạt kiến thức, cho người học biết một cách tốt nhất để làm việc và yêu cầu học viên làm theo để trở nên hoàn hảo, nhưng họ sẽ không thể chuyên tâm cho mỗi học viên và đảm bảo những kiến thức được truyền thụ sẽ chuyển hóa thành kỹ năng thực tế.

Vậy làm thế nào để giải quyết câu chuyện này? Bằng cách định nghĩa ra những hoạt động (task) khác nhau và tổ chức lớp học với nhiều vai trò đa dạng (coach, instructor, tutor, mentor….), CodeGym đã đẩy tất cả sự tập trung vào người học. Họ tạo ra giao tiếp hai chiều liên tục giữa giáo viên với học viên. Các câu hỏi được đưa ra từ cả hai phía và phản hồi được thu thập bởi cả hai bên. Trong suốt quá trình, học viên sẽ tự xây dựng được kiến thức của riêng mình thông qua việc thực hành và nhận ý kiến phản hồi mang tính xây dựng.

Hơn thế nữa, chương trình đào tạo của CodeGym không phải là một cách tiếp cận chung cho tất cả mà là sự kết hợp tinh xảo giữa thiết kế giảng dạy và chiến lược học tập cá nhân hóa. Chúng được củng cố bởi một hệ thống kiểm soát chất lượng người học. Ở CodeGym, năng lực cuối buổi chiều phải tăng so với buổi sáng, năng lực cuối tuần phải tốt hơn đầu tuần. Hệ thống IT của họ được thiết kế để đo lường điều đó.

Về mặt cảm xúc và trí tuệ, người học sẽ liên tục bị thách thức để đạt đến trình độ cao hơn thông qua việc thúc đẩy bản thân và học từ những sai lầm. Họ được khuyến khích không sợ thất bại mà hãy đón nhận nó như một bước đệm để hướng tới sự thành thạo. Điều này rèn luyện khả năng thích ứng và tính chuyên nghiệp. Trong khi vật lộn với những dự án phức tạp, học viên của CodeGym không chỉ phát triển trình độ lập trình mà còn trau dồi các kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phê phán và trí tuệ cảm xúc, những phẩm chất quan trọng trong bối cảnh nghề nghiệp luôn thay đổi hiện nay.

Một tiết tự học tại bootcamp. Ảnh: CodeGym
Một tiết tự học trong khóa học bootcamp. Ảnh: CodeGym

Bên cạnh đó, CodeGym mong muốn những học viên của mình không chỉ có chuyên môn mà còn phải sở hữu những nền tảng để phát triển trong 5-10 năm tiếp theo. Những người sáng lập CodeGym là những nhà giáo dục ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận học tập suốt đời. Do vậy, họ tìm cách dạy cho học viên nhiều kỹ năng mềm cần thiết như cách học (learn how to learn), cách quản lý thời gian, cách đọc một cuốn sách, cách đặt câu hỏi v.v. Tất cả những kỹ năng tập thể này tạo thành xương sống cho việc phát triển năng lực lâu dài của mọi người.

Dĩ nhiên, với mô hình bootcamp, không phải ai cũng theo được tới cùng. Anh Nguyễn Khắc Nhật, đồng sáng lập của CodeGym, thừa nhận nhược điểm của mô hình đào tạo loại này là người học phải rất chịu khó và quyết tâm cao. Slogan ban đầu của CodeGym “Luyện code như luyện cơ” (mà tôi thường nhớ nhầm là “Luyện code như luyện gym”) là một minh chứng rõ rệt cho chặng đường học tập vất vả này.

Việc dành cả ngày cho lớp học cũng là một thách thức, nhất là với những người đang đi học, đi làm. Họ có xu hướng lựa chọn học online vài tiếng buổi tối để tranh thủ thời gian. Thực tế, CodeGym cũng có mô hình đào tạo trực tuyến như thế, nhưng anh Nhật cảnh báo rằng: “Điều này sẽ cắt giảm ít nhất 50% trải nghiệm của người học”.

Hơn nữa, so với giáo dục khai phóng (liberal education) - một triết lý giáo dục mà những người sáng lập CodeGym cũng rất quan tâm - thì việc đào tạo nghề mang tính ‘thực dụng’ sẽ khiến người học không có nhiều thời gian để khám phá những cách tiếp cận đột phá mới. Với bootcamp, mọi hoạt động đều là những nhiệm vụ cần hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, là những kế hoạch và lộ trình đã được thiết kế chặt chẽ. Có rất ít không gian cho sự lang thang.

Tuy nhiên, có lẽ vì thế mà bootcamp của CodeGym rất phù hợp với những ai đã có trải nghiệm sống và định hướng mục tiêu cao. CodeGym ban đầu được xây dựng để hướng đến những người đang thất nghiệp hoặc muốn chuyển đổi nghề nghiệp.

Trong một cuộc chia sẻ với CafeF năm ngoái, anh Nguyễn Khắc Nhật bày tỏ điều ý nghĩa nhất là phần lớn mọi người khi đến CodeGym đều như tìm thấy được cơ hội thứ hai. “Họ đã bị lỡ cơ hội thứ nhất, có thể do sai lầm của bản thân hoặc do điều kiện khách quan nào đó khiến công việc đầu tiên không thuận lợi. Nhưng khi vào CodeGym, họ đều rất nỗ lực và những nỗ lực đó tạo thành kết quả mà sau này dù vào doanh nghiệp nào thì cũng được đánh giá rất cao”, anh nói.

Mở rộng quy mô

Dưới góc kinh doanh, mô hình bootcamp của CodeGym đã chứng minh được giá trị của mình. Trong buổi giới thiệu Morning Pitch Asia hôm 16/8, anh Nguyễn Khắc Nhật tiết lộ, doanh thu hoạt động của công ty trong năm tài chính vừa qua là vài triệu USD, trong đó các bootcamp đem lại tỷ trọng lớn nhất. Bằng cách tập trung cho một mô hình đào tạo được thiết kế bài bản và đem lại giá trị cho người học, CodeGym vẫn duy trì được quy mô bất chấp thời kì COVID-19 khó khăn và suy thoái kinh tế.

Điều làm cho câu chuyện của CodeGym với tư cách là một Edtech trở nên thú vị là khi ta đối chiếu báo cáo của họ với những đối thủ lớn trong giới Edtech, những người đã có một khởi đầu lớn về gọi vốn và đang mở rộng nhanh chóng. CodeGym có dòng doanh thu ổn định và chưa từng gọi vốn từ bên ngoài, ít nhất là theo những gì Cruchbase ghi nhận.

Mặc dù có lĩnh vực kinh doanh tương đối phổ biến, nhưng CodeGym không lao mình vào cuộc đua đốt tiền mặt để mở rộng quy mô như cách mà một số bên đang triển khai. Họ tập trung vào giảng dạy, xây dựng kỹ lưỡng từng trung tâm đào tạo bootcamp và kỳ vọng “dần dần học viên sẽ nhận ra giá trị và CodeGym sẽ tiếp tục phát triển”.

Về cơ bản, tính đặc thù của mô hình CodeGym cản trở tốc độ gia tăng của họ. “Điểm khó nhất với CodeGym khi mở rộng quy mô là tuyển sinh. Việc tìm được những học viên cam kết dành 8 tiếng/ngày để theo đuổi việc học trong suốt nửa năm là không dễ dàng. Thời điểm này cũng là thời điểm rất là khó khăn của ngành kinh tế nói chung và ngành công nghệ nói riêng, nên điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến quyết định học tập của mọi người trên thị trường”, anh Nguyễn Khắc Nhật chia sẻ.

96 học viên tốt nghiệp khóa đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp quý I.2023 của CodeGym Hà Nội. Ảnh: CodeGym
98 học viên tốt nghiệp khóa đào tạo lập trình viên chuyên nghiệp quý I.2023 của CodeGym Hà Nội. Ảnh: CodeGym

Tuy nhiên về phía mình, CodeGym đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Họ đã có hệ thống, quy trình và nhân lực được chuẩn hóa. Mọi việc chỉ cần chờ thời điểm để bung ra. “CodeGym đang có kế hoạch tăng gấp bốn lần quy mô đào tạo hiện nay, lên khoảng 2.000 người học cùng lúc trong năm 2024. Chiến lược bước đầu là tập trung mở thêm bootcamp ở các thành phố lớn. Chúng tôi đang đàm phán với một vài nhà đầu tư và hy vọng sẽ chốt được thỏa thuận trong vòng 2-3 tháng tới”, đồng sáng lập công ty tiết lộ.

Nếu thành công, CodeGym sẽ trở thành một trong những tay chơi có khả năng giải quyết bài toán “khát” nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam. Hiện nay CodeGym đang có bảy trung tâm đào tạo đặt tại Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị và Phú Thọ, cho phép 500 người học cùng lúc và mỗi năm cho ra đời khoảng 800 lập trình viên.

Con số này thoạt nghe không nhiều so với nhu cầu 150.000 đến 200.000 nhân sự công nghệ thông tin của cả nước mỗi năm. Tuy nhiên, nó thể hiện một bước đột phá rất lớn về tính hiệu quả của mô hình. Ở các mô hình đào tạo truyền thống, học viên cần 3-4 năm học. Với bootcamp, thời gian đào tạo rút xuống còn 1/8. Hơn thế nữa, những người được đào tạo từ các bootcamp có khả năng đi làm ngay lập tức mà không phải đào tạo lại.

Trên thực tế, số lượng lập trình viên đào tạo của CodeGym đã tương đương hoặc lớn hơn so với nhiều trường đại học truyền thống. Tính theo số lượng đầu ra, CodeGym có lẽ đang là nhà cung cấp nhân sự công nghệ thông tin lớn thứ hai thị trường, sau các cơ sở giáo dục của Tập đoàn FPT.