Góp phần phát triển nền kinh tế số“Nếu các lĩnh vực kỹ thuật số [của Việt Nam] mở rộng thêm khoảng 10% mỗi năm, thì lợi ích tiền tệ tích lũy cho nền kinh tế sẽ vượt quá 200 tỷ USD Mỹ trong giai đoạn 2021-2045, tương đương với quy mô GDP hiện tại của đất nước”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
Dự đoán của Ngân hàng Thế giới có lẽ không quá xa rời thực tế, bởi đến hiện tại, theo một báo cáo mang tên “Nền kinh tế số Đông Nam Á - Thập niên 2020 bùng nổ” do Google, Temasek, Bain & Company công bố, Việt Nam là một trong những nền kinh tế Internet hấp dẫn nhất trong khu vực. Nền kinh tế số của nước ta dự kiến sẽ tăng trưởng 175% vào năm 2025 để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực với tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) là 57 triệu USD, chỉ xếp sau Indonesia.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc thúc đẩy nền kinh tế số, năm 2020, chính phủ đã công bố chiến lược quốc gia về chuyển đổi kỹ thuật số, nhằm mục đích tăng tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong tổng sản phẩm quốc nội từ 14% hiện nay lên 20% vào năm 2025. Để biến tham vọng này thành hiện thực, chính phủ đã xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số.
Các startup là những thành tố quan trọng để quá trình chuyển đổi số thực sự diễn ra. Do đó, năm 2021, chính phủ đã thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mới tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Với những nỗ lực thúc đẩy, theo một báo cáo gần đây của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư vào năm 2022.
Cụ thể, Việt Nam đứng thứ ba về số lượng giao dịch và thứ tư về giá trị giao dịch ở Đông Nam Á. Đáng chú ý, các quỹ trong nước là những nhà đầu tư hàng đầu vào các công ty khởi nghiệp, chiếm 45% tổng giá trị thương vụ.
Tất nhiên cũng như xu thế chung trên toàn thế giới, sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% dưới ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số lượng thương vụ của các startup Việt tăng lên vào nửa cuối năm, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm. Fintech, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe và thanh toán điện tử - những lĩnh vực quan trọng góp phần xây dựng nên nền kinh tế số - là những lĩnh vực có nhu cầu tài trợ cao nhất.
Bên cạnh những kỳ lân công nghệ hiện tại như nhà cung cấp giải pháp thanh toán điện tử VNPay, tập đoàn VNG, ví điện tử Momo và công ty blockchain Sky Mavis; những cái tên khác đang tạo nên làn sóng mới có thể kể đến nền tảng tạo sơ yếu lý lịch trực tuyến cho người tìm việc TopCV. Đáng chú ý, mới đây BuyMed - startup sở hữu trang thương mại điện tử Thuocsi.vn ở Việt Nam và buymed.com.kh ở Campuchia, phân phối dược phẩm trực tiếp theo mô hình B2B - đã gọi vốn thành công 51,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do UOB Ventures Management dẫn đầu.
Nhờ những nỗ lực của các nhà quản lý, các startup; năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng 28% so với năm 2021 từ 18 tỷ USD lên 23 tỷ USD, mức tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hơn thế nữa, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh gấp hai lần GDP vào năm 2030 (19% so với 9%). “Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ khi hệ sinh thái của chúng ta chuyển từ chế độ hồi phục sang chế độ tăng trưởng”, báo cáo của Do Ventures nhấn mạnh.
Thúc đẩy các lĩnh vực quan trọngQuá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra trên khắp các lĩnh vực như hành chính công, y tế, nông nghiệp, bán lẻ v.v. Trong đó, số hóa đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp, một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất của đất nước.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố kế hoạch xây dựng nông thôn mới thông minh đến năm 2025, đặc biệt tập trung vào nâng cao hiệu quả sản xuất và giới thiệu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chuyên biệt cho nông dân.
“Nếu không chuyển đổi số, quá trình chuyển đổi hoạt động canh tác nông nghiệp và việc hợp tác giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị sẽ là một vòng luẩn quẩn đi xuống đối với nông nghiệp Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân mà còn tất cả những người khác”, Ông Nguyễn Trần Thi, người sáng lập Koina, một công ty công nghệ nông nghiệp, cho biết.
Được thành lập vào năm 2021, Koina Investment Group quy tụ một đội ngũ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp. Koina hướng đến xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ quy mô và hiệu quả bằng cách kết nối nông dân Việt Nam với các tổ chức tài chính, nhà cung cấp đầu vào và nhà bán lẻ thương mại.
“Nền tảng nông dân” (Farmer Platform) của Koina hỗ trợ nông dân vay vốn, cung cấp giá cả minh bạch và công bằng, đồng thời hướng dẫn nông dân thực hành nông nghiệp bền vững. Nhìn chung, Koina mong muốn trái cây và rau quả tươi sẽ được trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển từ các trang trại đến các nhà bán lẻ với chất lượng cao nhất với giá cả hợp lý.
Chuyển đổi số không chỉ giúp nông dân quy mô nhỏ tăng thu nhập, chuyển đổi trang trại truyền thống, mà còn giúp cải thiện đa dạng sinh học và tiếp cận nguồn tài chính mà không phải trả lãi suất cao.
Bên cạnh nông nghiệp, y tế cũng là lĩnh vực đã “thay da đổi thịt” nhờ chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh, các phòng khám và bệnh viện đóng cửa, không chỉ nhu cầu thăm khám sức khỏe mà cả nhu cầu xét nghiệm COVID-19 của người dân đều tăng. Và đó là một trong những lý do chính thúc đẩy sự phát triển của các startup Việt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ xa.
Trong đó, startup Docosan có trụ sở tại TP.HCM cung cấp dịch vụ cho phép bệnh nhân tìm kiếm bác sĩ và đặt lịch hẹn trên nền tảng trực tuyến. Đây là một trong những startup telehealth của Việt Nam đã cùng tham gia giảm bớt áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Theo đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Beth Ann Lopez, startup này cung cấp dịch vụ tham vấn từ xa miễn phí.
Hiện Việt Nam đang có một số startup y tế tiềm năng như ViCare – Nền tảng tra cứu thông tin y tế, kết nối người dùng với các dịch vụ y tế; MediThank – Ứng dụng lưu trữ dữ liệu y khoa, tối ưu hóa công nghệ chăm sóc sức khỏe; hay Doctor Anywhere – ứng dụng chuyên cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu, cho phép người dùng kết nối trực tuyến với đội ngũ bác sĩ uy tín trên khắp đất nước để tư vấn sức khỏe qua hội thoại video, sau đó thuốc sẽ được giao tận tay người dùng trong vòng 3 giờ đồng hồ.
Ngoài ra, thương mại điện tử cũng là một lĩnh vực đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Giám đốc điều hành quỹ VIC Partners, Trần Anh Hùng, tiết lộ rằng VIC đặc biệt tin tưởng vào thương mại điện tử. Họ đã đầu tư vào khoảng 15 công ty kể từ năm 2017. “Chúng tôi đầu tư vào các công ty B2B SaaS chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử tuyển dụng, bán hàng, tiếp thị, thanh toán, chăm sóc khách hàng, hậu cần và vận hành,” ông nói, đề cập đến các chương trình phần mềm dựa trên đám mây phục vụ doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đầu tư vào các công ty thương mại điện tử sáng tạo chuyên bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua mạng xã hội, và triển khai công nghệ liền mạch trong các hoạt động kinh doanh”, ông chia sẻ.
Các thách thức phía trướcDù các startup Việt đang tạo ra những dấu ấn quan trọng, nhiều nhà đầu tư vẫn tiết lộ rằng họ nhận thấy tương lai phía trước đầy bất định.
Bất chấp dòng vốn ào ạt đổ vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, các nhà đầu tư đã cảnh báo về một số trở ngại có thể hạn chế tăng trưởng trong tương lai. Đứng đầu danh sách là nhu cầu hoàn thiện khung pháp lý cho các vấn đề như thuế, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ dữ liệu để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các công nghệ mới.
“Việc thiếu nguồn nhân lực đẳng cấp toàn cầu cũng là một vấn đề phổ biến”, đại diện công ty đầu tư mạo hiểm ThinkZone Ventures chia sẻ với tờ CNBC. “Mặc dù Việt Nam sở hữu các chuyên gia lành nghề và dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực lập trình, phát triển, thiết kế và nhiều vai trò khác, nhưng họ vẫn chưa đạt đến đỉnh cao của sự xuất sắc”.
Với kinh nghiệm đầu tư vào 17 công ty khởi nghiệp với tổng định giá gần 200 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2018, các chuyên gia tại ThinkZone hiểu rõ các vấn đề mà startup Việt đang gặp phải. Một số startup tiêu biểu đã được ThinkZone Ventures tài trợ có thể kể đến GIMO - Nền tảng chi và nhận lương linh hoạt, EMDDI - Nền tảng điều vận taxi lớn nhất Việt Nam với 30.000 xe trên hơn 50 tỉnh thành, eJOY – Edtech startup cung cấp giải pháp học tiếng Anh đa nền tảng với 1 triệu người dùng trên toàn cầu, hay Educa – Edtech startup có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với hơn 5 triệu người dùng...
VinaCapital, một trong những nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên tại Việt Nam, đã đầu tư vào 18 công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu thông qua Quỹ VinaCapital Ventures, cũng bày tỏ sự băn khoăn về sự thờ ơ của các tập đoàn lớn đối với startup. “Việc các tập đoàn lớn hạn chế đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là một trở ngại đáng kể cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam”, theo VinaCapital. “Nó hạn chế tiềm năng hợp tác và đổi mới, khiến các công ty mới thành lập gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm những người mua hoặc đối tác tiềm năng quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.”
Trong khi đó, đại diện VIC Partners bày tỏ nỗi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Trần Anh Hùng cho rằng một khi dòng vốn được bơm trở lại vào thị trường phát triển, sẽ mất một thời gian để chúng chảy xuống các nước mới nổi như Việt Nam, sau đó từ thị trường niêm yết đến các công ty đầu tư vốn tư nhân và đầu tư mạo hiểm.
Công ty cho rằng “các vấn đề về dòng tiền sẽ khiến nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ điêu đứng vào năm 2023 và 2024, đồng thời khiến người trẻ tuổi e ngại và trở về với các mô hình kinh doanh truyền thống, điều này sẽ tước đi những ý tưởng mới của thị trường khởi nghiệp.”