Khởi đầu từ một lớp học lập trình miễn phí, MindX đã mở rộng với gần 40 cơ sở trên toàn quốc, đào tạo gần 40.000 học viên ở mọi lứa tuổi - trong số đó rất nhiều người đã trở thành chuyên gia công nghệ và có khả năng hiện thực hóa những ý tưởng của mình.

.
.
Mùa thu năm 2015, sâu bên trong con ngõ ở phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội, MindX (lúc bấy giờ là Techkids) được thành lập trong căn phòng nhỏ với diện tích vỏn vẹn 20 m2. Không có cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị đắt tiền, học sinh ngồi trong căn phòng lắng nghe những kiến thức lập trình đầu tiên.

Mọi thứ bắt đầu khởi sắc khi MindX nhận khoản tài trợ 500.000 USD đầu tiên vào cuối năm 2019 trong vòng đầu tư hạt giống. Lúc này, MindX đã trở thành một doanh nghiệp cung cấp chương trình tiếp cận lập trình máy tính toàn diện cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 với lộ trình kéo dài 5 - 10 năm. Họ đồng thời cũng xây dựng lộ trình phát triển cho sinh viên và người đi làm, giúp toàn bộ học viên đảm bảo có việc làm tại các công ty công nghệ ngay sau khi tốt nghiệp. Khi đại dịch COVID-19 xảy đến, MindX đã lập tức chuyển sang mô hình kết hợp (hybrid), giúp học viên có thể tham gia các lớp học tại trung tâm (offline) hoặc trực tuyến ở nhà (online). Để đảm bảo rằng cả hai phương thức học trực tuyến lẫn trực tiếp đều liền mạch và có khả năng truyền tải lượng kiến thức giống nhau, MindX đã phải cải tiến tài liệu khóa học của mình.

Nỗ lực trên là một trong những lý do giúp MindX tiếp tục hoàn tất hơn 3 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A vào cuối năm 2021. Kể từ đó đến nay, công ty đã mở rộng quy mô gấp ba lần với 32 cơ sở khắp Việt Nam. Hiện đã có 35.000 học viên tốt nghiệp từ các chương trình của MindX, startup này cũng giúp kết nối học viên với các nhà tuyển dụng ở Úc, Thái Lan, Vương quốc Anh và sắp tới là Hoa Kỳ.

Đối với hai nhà đồng sáng lập, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thị Thu Hà, việc thành lập MindX như một sứ mệnh cá nhân. “Từ nhỏ, chúng tôi không có cơ hội tiếp xúc với công nghệ”, anh Tùng chia sẻ với Techcrunch. “Tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, ở một tỉnh vùng sâu vùng xa. Máy vi tính rất, rất đắt. Đối với hầu hết các gia đình Việt Nam thời bấy giờ, chúng là cả một gia tài, vì vậy tất nhiên gia đình tôi không thể mua cho tôi một chiếc.”

Nguyễn Thanh Tùng là người đầu tiên trong đại gia đình vào đại học nhưng anh đã bỏ học sau một năm “vì tôi không tìm thấy niềm đam mê trong chương trình học của trường đại học và không nhìn thấy tương lai của mình trong đó”. Anh quyết định dành hai năm rưỡi để tự học lập trình. “Tôi nghĩ trải nghiệm học kỹ thuật phần mềm và lập trình đã thay đổi cuộc đời tôi, bởi vì nó mở ra rất nhiều cơ hội cho tôi,” bao gồm cả vị trí kỹ sư phần mềm tại một công ty công nghệ ở Hamburg, Đức.

Ở đó, anh đã gặp nhiều đồng nghiệp châu Âu, những người bằng tuổi anh nhưng đã bắt đầu lập trình sớm hơn nhiều - khi họ còn học tiểu học. “Tôi thực sự nhận ra rằng đối với bản thân tôi và các sinh viên trẻ khác ở Việt Nam, nếu chúng tôi cũng có cơ hội học các kiến thức về công nghệ, phần mềm, chúng tôi có thể có tương lai tốt hơn và nhiều cơ hội hơn để cạnh tranh và tham gia vào thị trường việc làm toàn cầu”.

Sau tám năm, MindX giờ đây đã trở thành hệ sinh thái giáo dục công nghệ - khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á, nơi duy nhất có lộ trình đào tạo kỹ năng công nghệ cho mọi lứa tuổi và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp. Từ một lớp học lập trình miễn phí, MindX đã mở rộng với gần 40 cơ sở trên toàn quốc, đào tạo gần 40.000 học viên ở mọi lứa tuổi.

“Silicon Valley thu nhỏ”

Mỗi một cơ sở được xây lên, đối với những người sáng lập nên MindX là mỗi một hệ sinh thái đang dần thành hình. Sứ mệnh của MindX là “tạo ra những ‘Silicon Valley thu nhỏ’ khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam” - như những gì họ nhấn mạnh trên trang chủ của mình - với các trung tâm giáo dục giúp chuẩn bị cho sinh viên ở mọi lứa tuổi sẵn sàng cho sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Một lớp học lập trình cho trẻ em tại MindX.

Một lớp học lập trình cho trẻ em tại MindX.

Các môn học MindX đang giảng dạy hiện bao gồm lập trình website, lập trình blockchain, nghệ thuật số, các môn về khoa học dữ liệu, thiết kế UI/UX và trí tuệ nhân tạo v.v. Chương trình học được thiết kế riêng cho từng độ tuổi. Người học được lựa chọn các khóa học ngắn hạn để nhập môn, hoặc lựa chọn các lộ trình dài được đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Lý do MindX tự xem các cơ sở của mình là những “Silicon Valley thu nhỏ” đó là vì đây không chỉ là nơi giảng dạy, mà còn là nơi để các học viên phát triển những ý tưởng sáng tạo của mình và bắt tay vào việc hiện thực hoá nó - dù ý tưởng đó thoạt đầu nghe có viển vông đến đâu. Đó cũng là điểm khác biệt giữa MindX và các edtech khác. Startup này hiện có hơn 300 đối tác tuyển dụng, đồng thời có sẵn các dự án thực tế, các cuộc trò chuyện về nghề nghiệp và các cuộc phỏng vấn giả định cho học viên. Họ cũng tổ chức Ngày hội giới thiệu, tại đây doanh nghiệp sẽ đánh giá các dự án của sinh viên và quyết định có nên đầu tư vào dự án đó không.

Không chỉ những người làm chuyên sâu về công nghệ, các học viên khác của MindX còn có những người làm về truyền thông, giáo dục, văn hóa. “Mình là Marketer (người làm trong lĩnh vực marketing), không phải Developer (lập trình viên). Nhưng học cách làm việc như 1 developer cho mình nhiều bài học áp dụng trong công việc và cả cuộc sống”, Mai Nguyễn, quản lý bộ phận marketing của Cốc Cốc chia sẻ. “Là một trong những học viên đầu tiên của khóa C4E, bọn mình được các thầy lôi ra làm ‘chuột bạch’ bao nhiêu thứ: được dạy về game, về web, Github, mô hình Scrum,… cuối khóa còn ‘chơi’ cả một dự án website tin tức du lịch trong hai tuần. Giờ đây mình có chút tự hào đã có thể chiến được html, css hay javascript, làm việc qua github,…”

Hiện tại, MindX đang bắt đầu mở thêm các cơ sở tại Hạ Long, Đà Nẵng và Biên Hòa, với mục tiêu bao phủ 45 thành phố vào tháng sáu. Anh Nguyễn Thanh Tùng nhận định việc điều chỉnh khóa học sao cho phù hợp với nhu cầu của từng khu vực là việc quan trọng. Khi đến một tỉnh thành mới, đội ngũ của MindX sẽ dành nhiều tháng để đến thăm và trò chuyện với học sinh lẫn phụ huynh. Sau đó, họ tùy chỉnh các dịch vụ, sản phẩm của mình dựa trên những nhu cầu và góp ý. Hầu hết các cơ sở của MindX đều vận hành độc lập, điều này giúp họ kiểm soát chương trình giảng dạy và chất lượng giảng dạy hiệu quả hơn.

Các lớp học trực tuyến trong đại dịch COVID-19 đã giúp MindX có được những khách hàng ở Cà Mau hay Hà Giang, những nơi mà đội ngũ MindX lúc bấy giờ chưa nghĩ đến việc mình có thể tiếp cận được. Do đó, sau khi đại dịch kết thúc, họ vẫn tiếp tục duy trì và phát triển thêm các lớp trực tuyến. Đối với các học viên ở vùng sâu vùng xa và miền núi, những người có thể không được tiếp cận với giáo dục công nghệ từ sớm, đây sẽ là cơ hội để họ đi những bước xa hơn.

Đối với những học viên đăng ký MindX với mục tiêu trở thành chuyên gia công nghệ, học viên có thể chi trả học phí sau khi đã được đảm bảo việc làm. “Một trong những lo lắng của các bậc cha mẹ có thu nhập thấp là họ muốn con mình có một công việc đảm bảo nhưng lại chưa có đủ điều kiện đóng toàn bộ học phí cho con,” anh Tùng lý giải. Khóa học sẽ hỗ trợ học viên tìm một công việc được trả lương cao ở Singapore và học viên có thể hoàn trả học phí sau khi bắt đầu làm việc. Rất nhiều học viên tốt nghiệp MindX hiện đang làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu trong khu vực như Google, Shopee, Amazon với mức lương 6.000 – 15.000USD/tháng

Trên đà phát triển đó, mới đây (ngày 12/4), MindX thông báo rằng họ đã huy động được 15 triệu USD trong vòng tài trợ Series B do Kaizenvest, một công ty cổ phần tư nhân tập trung vào lĩnh vực giáo dục, dẫn đầu. Bên cạnh đó vòng tài trợ còn có sự tham gia của các nhà đầu tư khác như tập đoàn giáo dục Aksorn, tập đoàn nhân sự Nhật Bản Mynavi và Wavemaker Partners - quỹ đầu tư mạo hiểm từng dẫn dắt vòng series A của MindX.

MindX cũng tiếp tục nhận được khoản vay từ quỹ Beacon, công ty đầu tư tác động tập trung vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á. Công ty cho biết sẽ dùng khoản tài trợ vào việc phát triển các sản phẩm, mô hình kết hợp, chương trình được chứng nhận và thúc đẩy bình đẳng giới trong các khóa học thông qua việc cung cấp học bổng cho học viên nữ.

Đây không phải lần đầu MindX gọi vốn thành công, nhưng đội ngũ MindX cho biết “có lẽ đây là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất!” Bởi lẽ, trong bối cảnh mùa đông gọi vốn, vốn đầu tư vào startup Việt Nam giảm 56% so với năm trước đó do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu, MindX vẫn thuyết phục được các nhà đầu tư tin tưởng về khả năng phát triển của mình.

“Ước mơ của chúng tôi là tạo ra một ‘Thung lũng Silicon nhỏ’ ở khắp Việt Nam, nơi mọi người có thể tạo ra các sản phẩm kỹ thuật số tuyệt vời giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, anh Nguyễn Thanh Tùng nói.