TS Phạm Huy Hoàng, Giám đốc EdTech Centre, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ với báo Khoa học & Phát triển về daotao.ai, một nền tảng học tập cộng đồng có dáng dấp của đại học số, do trung tâm của anh phát triển.
Anh có thể cho biết daotao.ai ra đời trong bối cảnh nào?
daotao.ai nằm trong xu hướng đào tạo trực tuyến quy mô lớn (MOOC), xuất hiện lần đầu từ hơn chục năm trước và ngày càng được quan tâm kể từ sau đại dịch Covid. Cộng với việc chúng tôi nhận thấy Coursera - một công ty spin-off [khởi nguồn] từ Đại học Standford, chuyên cung cấp các khoá học trực tuyến đại chúng mở - đã đổ bộ vào Việt Nam, từng bước xâm nhập thị trường, offer các trường đại học sử dụng hệ thống và các khóa học của họ. Các trường không dễ từ chối offer của Coursera vì học liệu của họ quá tốt mà lại phần nào miễn phí cho người học. Tôi biết có trường ngoài công lập đã outsource phần lớn nội dung đào tạo cho Coursera. Lúc đầu, sinh viên trường đó có thể lựa chọn dùng học liệu của trường mình hoặc Coursera nhưng về sau, hầu hết sinh viên chuyển sang dùng học liệu của Coursera nên kho học liệu của trường dần thoái hóa và biến mất. Có trường khác thì quyết định sử dụng một phần học liệu của Coursera, tức là sinh viên học một số môn với Coursera, và một số môn theo phương pháp truyền thống. Giống như cách Facebook đã biết bạn bè của ta rõ hơn ta, Google đã biết ta muốn gì rõ hơn ta, tới đây Coursera sẽ biết ta học gì rõ hơn ta.
Ngay ở Đại học Bách khoa Hà Nội, từng có phụ huynh đặt câu hỏi, nếu con tôi đăng ký học Coursera và lấy được tín chỉ trên đó – các chứng chỉ này thường được một loạt trường ở Mỹ công nhận, thì [Đại học] Bách khoa Hà Nội có công nhận không? Có thể thấy, thị trường đào tạo online đã phát triển đến mức đó, đã lấn sâu vào sân của đào tạo offline rồi.
Nói rộng thêm về MOOC, mô hình này xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào khoảng năm 2010, với Coursera của Standford và edX của MIT và Harvard. Các nền tảng MOOC này đều thiết lập hai mạng lưới, một mạng lưới các trường đại học chất lượng của Mỹ để xây dựng các học liệu tốt và một mạng lưới các trường trên thế giới để tiêu thụ các học liệu đó. Điều đặc biệt là ai cũng có thể tham gia học miễn phí gần như tất cả nội dung môn học, chỉ phải trả tiền nếu muốn tham gia các bài kiểm tra và lấy chứng chỉ.
Nhiều nước như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Thailand đều đã xây dựng nền tảng MOOC quốc gia. Trong đó nền tảng MOOC quốc gia của Trung Quốc [https://www.xuetangx.com] ra đời năm 2013, chậm hơn Mỹ chỉ 2 năm, do Đại học Thanh Hoa xây dựng, hiện cung cấp khoảng 7.700 khóa học. Trung Quốc còn đang nỗ lực kêu gọi các nước xây dựng một nền tảng MOOC toàn cầu. Đại học số Pháp [
https://www.fun-mooc.fr] cũng ra đời năm 2013 nhưng được xây dựng và vận hành theo kênh quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục. Gần với Việt Nam chúng ta thì Thailand cũng có nền tảng MOOC quốc gia [
https://thaimooc.org] đi vào vận hành từ năm 2016. Như vậy, so với một số quốc gia khác, Việt Nam mình đang đi chậm trong xu hướng này. Phải nói thêm rằng yêu tố ngôn ngữ riêng của quốc gia có vai trò lớn trong việc hình thành MOOC của quốc gia đó. Nếu tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ hay được sử dụng đại trà trong xã hội như một số nước thì Việt Nam chúng ta gần như không có cơ hội để xây dựng cổng MOOC của riêng mình. Coursera hay edX ngày càng mở rộng và sẽ cung cấp không thiếu môn học nào, nhưng học bằng tiếng Anh hiện vẫn là một rào cản lớn với nhiều sinh viên Việt Nam.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hành động cần thiết, tuy có hơi muộn, là xúc tiến triển khai xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC. Với vai trò là cơ sở đào tạo kỹ thuật hàng đầu của đất nước, đặc biệt là công nghệ thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, mà rộng hơn là Đại học Bách khoa Hà Nội, không thể đứng ngoài cuộc. Nhìn ra các ví dụ đang thành công ở các quốc gia xung quanh, có thể thấy việc hình thành và phát triển bền vững của một nền tảng MOOC có vai trò rõ rệt của sự tham gia và dẫn dắt từ các cơ sở đại học top đầu. Đây là lý do EdTech Centre được thành lập, với nhiệm vụ đầu tiên là tạo ra nền tảng MOOC phù hợp với tính chất đào tạo của Việt Nam, đón đầu ý tưởng sẽ phải có đại học số ở Việt Nam. Và kết quả là daotao.ai đã ra đời.
Anh có thể chia sẻ thêm về thiết kế và năng lực của daotao.ai? So với các hệ thống e-learing hiện tại, daotao.ai có gì khác biệt?
daotao.ai được chúng tôi bắt tay vào phát triển cách đây hơn 2 năm và khoảng nửa năm sau đó, các học liệu đầu tiên đã được đưa lên nền tảng này.
Giống như rất nhiều nền tảng MOOC tại các quốc gia khác, chúng tôi tận dụng mã nguồn mở của edX do MIT và Harvard phát triển. Đây là nền tảng đã được kiểm chứng về kiến trúc xử lý dữ liệu lớn và độ chịu tải truy nhập đồng thời từ rất nhiều người dùng. Tuy nhiên, dựng hệ thống mã nguồn mở edX lên sẽ được một hệ thống để “trình diễn, làm cảnh” chứ hoàn toàn không sử dụng được ở Việt Nam. Có hai lý do ở đây. Thứ nhất, phần mã nguồn mà MIT và Harvard cung cấp miễn phí đã được bỏ đi nhiều các chức năng phát triển riêng cho các trường đại học Mỹ. Thứ hai, môt số triết lý quản trị giảng dạy được cài đặt trong edX phù hợp với mô hình Mỹ nhưng không áp dụng được tốt ở Việt Nam. Đơn cử một ví dụ như việc tách rời giáo viên khỏi công tác thi cử. Nền tảng edX cho phép giáo viên soạn câu hỏi trong ngân hàng đề thi nhưng không để giáo viên tham gia vào khâu tạo đề thi cũng như có thể tác động đến điểm số bài thi của sinh viên. Điều này rõ ràng là rất tốt, và Việt Nam chúng ra cũng đang từng bước chuyển dịch theo xu hướng này, nhưng chưa thể ngay lập tức thực hiện nó một cách triệt để. Sau hơn hai năm vừa phát triển, vừa vận hành, vừa lấy chính các bài toán thực tế để xây dựng thành yêu cầu mới cho hệ thống, daotao.ai đã được bổ sung thêm rất nhiều tính năng phù hợp cho môi trường Việt Nam. Ví dụ như các tính năng cho giáo viên tham gia nhiều hơn vào công tác đề thi và chấm thi, hay các tính năng quản lý ngân hàng câu hỏi kiểu mới, tính năng tự động thực thi và chấm điểm các câu hỏi về lập trình, tính năng chống gian lận và quay cóp trong khi làm bài thi, tính năng giám sát hành vi người học và giám sát thi bằng công nghệ AI, v.v…
Một điểm ưu việt nữa của nền tảng daotao.ai là mỗi cơ sở đào tạo có thể ngay lập tức được cung cấp vùng không gian mạng riêng để vận hành các khóa học của họ, gọi là các hệ thống LMS. Ví dụ, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông đang cung cấp hơn 100 khóa học thuộc 7 chương trình đào tạo trên không gian LMS tại địa chỉ
https://soict.daotao.ai.
Về mặt thiết kế, hệ thống không hạn chế số lượng tổ chức, đơn vị tham gia cung cấp khóa học. Với kiến trúc đã được thiết kế có tính toán trước, khi cần tăng khả năng chịu tải của hệ thống, chỉ cần ghép thêm server vào, mà thậm chí không làm gián đoạn hệ thống đang chạy.
Những hệ thống e-learning lâu đời kiểu Moodle mà các trường vẫn sử dụng, chỉ tập trung vào một cơ sở đào tạo, thì không cần tính toán khả năng hỗ trợ quá nhiều người dùng đồng thời. Các hệ thống này cũng không có khả năng liên kết các trường đại học với nhau. Trong khi đó, daotao.ai được thiết kế để kết nối các cơ sở đào tạo thành một network, và có khả năng mở rộng để đáp ứng số người dùng lớn. Nói theo cách chuyên môn công nghệ thông tin, daotao.ai là mô hình điện toán đám mây [cloud computing] trong việc cung cấp các không gian dạy học là các hệ thống LMS. Các cơ sở đào tạo không cần đầu tư các hệ thống server đắt tiền cũng như các phần mền quản lý phức tạp, và trong tương lai gần, hy vọng là thậm chí không cần đầu tư xây dựng học liệu, chỉ cần đăng ký một không gian trên daotao.ai và mọi thứ đã sẵn sàng để sử dụng.
Xin anh cho biết, hiện những đơn vị nào đang cung cấp các khóa học trên daotao.ai?
Hiện nay, ngoài Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, còn có một số doanh nghiệp đã tham gia cung cấp các khóa đào tạo chuyên ngành hoặc ngoại ngữ trên daotao.ai như Sun*, MISA, BASE, FSS… để cho sinh viên tiếp cận; ngược lại, họ tiếp cận được các sinh viên giỏi, phục vụ việc tuyển dụng sau này.
Ngoài ra, thời gian gần đây, rất nhiều tổ chức đã tiếp cận chúng tôi để đăng ký tạo ra các không gian riêng cho việc đào tạo của họ. Ví dụ như Trường THPT Tạ Quang Bửu, cơ sở đào tạo ngoại ngữ tiếng Nhật và tiếng Ý, hay Đề án Chuyển đổi số của Chính phủ, còn gọi là Đề án 06, cũng đang cung cấp các khóa học của mình trên nền tảng daotao.ai.
Trong đó, đến nay, Đề án 06 đã cung cấp khóa học cho khoảng 10 nghìn công chức của 4 tỉnh - gồm Thái Nguyên, Hà Nam, Nghệ An và Vũng Tàu - và đặc biệt là với chi phí 0 đồng. Thử tính nhanh, nếu áp dụng cách thức tổ chức lớp học truyền thống cho 10 nghìn công chức này thì chi phí sẽ là bao nhiêu? Tuy thoạt đầu người học có chút lo lắng nhưng khi kết thúc, họ đều đánh giá rất tốt về khóa học, cho rằng hiệu quả hơn học trên lớp vì có thể học đi học lại và được trả lời câu hỏi, nhờ đó vượt qua bài thi cuối kỳ một cách nhẹ nhàng. Người học đều bày tỏ mong muốn được tham gia học tập trong các lớp tiếp theo với phương pháp này. Với các kết quả triển khai nêu trên, tháng 4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết khai thác daotao.ai vào việc đào tạo trên toàn quốc cho các cán bộ, công chức, viên chức tham gia Đề án 06.
daotao.ai đang trong giai đoạn đầu phát triển. Theo anh, đường đến một đại học số thật sự của nền tảng MOOC này có còn xa không?
Đại học số là một mô hình với các chương trình đào tạo trực tuyến được cung cấp trên một nền tảng quốc gia có kết nối tốc độ cao và dữ liệu người học cũng như học liệu được quản lý tập trung.
Áp dụng mô hình MOOC cho giáo dục đại học số tại Việt Nam sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực từ các trường trong xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn hóa kiến thức, giảm học phí cho người học và tăng quy mô tuyển sinh.
Về nền tảng, có thể nói daotao.ai đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, để trở thành một đại học số thật sự còn cần các chính sách đi kèm, như quy định đảm bảo chất lượng, quy định về công nhận tín chỉ giữa các cơ sở tham gia hệ thống cũng như từ các khóa học trực tuyến mở của các trường nổi tiếng, v.v.
Hiện nay, daotao.ai mới chỉ là một kênh hỗ trợ đào tạo, chứ không thay thế việc học trên lớp. Theo quy định hiện hành, thời lượng học online không được chiếm quá 30% tổng số giờ lên lớp của một chương trình đào tạo, vượt con số đó chỉ có hình thức đào tạo từ xa. Bởi vậy, muốn có đại học số, nơi mọi hoạt động học tập, giảng dạy, quản lý giáo dục đều được thực hiện trên môi trường số và được chia sẻ, công nhận lẫn nhau thì cần Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định mới.
Câu hỏi cuối cùng, anh dự đoán như thế nào về triển vọng của đại học số ở Việt Nam?
MOOC chắc chắn là tương lai, đặc biệt là ở phân khúc đào tạo các kiến thức nền tảng, vốn không phải là sở hữu của riêng ai, hay là “đặc sản” của riêng cơ sở đào tạo nào. Coursera vẫn đang lỗ vì đầu tư hàng năm cho xây dựng học liệu nhưng giá trị công ty lại tăng liên tục lên nhiều lần kể từ khi bắt đầu mở cửa. MIT và Harvard sau 10 năm bao cấp vận hành edX thì gần đây đã chuyển sang mô hình công ty độc lập như Coursera. Các nước đều đã tham gia hoặc đang có những bước chuẩn bị tham gia vào xu hướng này. Việt Nam không thể khác.
Thời gian dịch bệnh Covid đã đẩy xu hướng diễn ra nhanh hơn. Các trường đại học lớn trên thế giới sau thời Covid đã nhận thấy nhiều điểm tích cực của học tập online và vì vậy vẫn tiếp tục cho sinh viên học từ nhà với các môn học lý thuyết cơ sở, thay vì đến trường. Công nghệ và môi trường Internet đã phát triển đến mức độ có thể cung cấp khóa học và kiểm soát học tập tốt như môi trường trực tiếp. Với lớp học đông sinh viên, chúng tôi nhận thấy học online có kiểm soát học tập bảo đảm người học ngấm kiếm thức sâu hơn học trực tiếp.
Các ưu điểm của mô hình giáo dục đại học số đã được nhiều bài báo phân tích. Xã hội đang háo hức đón nhận. Thách thức còn lại, có lẽ ở chính khả năng tự chuyển mình của các cơ sở đào tạo. Tôi hy vọng với sự góp sức của daotao.ai, chúng ta sẽ sớm có một nền tảng MOOC của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn anh.