Bốn năm trước, Trương Mạnh Quân bị cho là xa vời khi nói về mục tiêu tạo ra sản phẩm có doanh thu triệu đô. Nhưng đến nay, Beeketing của Quân đã được gần 300 nghìn khách hàng sử dụng, trong đó 60% ở Mỹ, đem lại doanh thu 2,2 triệu đô trong năm 2017.

Và giờ đây, Quân bắt đầu nghĩ đến mục tiêu đưa nền tảng tiếp thị này trở thành sản phẩm có giá trị lớn của Việt Nam trên thế giới trong vòng 3-5 năm tới.

Chọn công việc khiến mình hạnh phúc

Giống như người Ấn Độ tự hào với Freshdesk hay Zoho, người Thái tự hào với Agoda, Quân muốn Beeketing trở thành một thương hiệu gắn với cái tên Việt Nam. “Đó là giấc mơ của tôi và tôi thấy nó trong tầm với. Chẳng phải những người thành công đều bắt đầu giống nhau, không có tiền, không có kinh nghiệm nhưng họ đã biết cách phát triển bản thân để đưa mình tới các vị trí cao hơn” - Quân quả quyết.

Trước khi bước chân vào lĩnh vực martech (công nghệ trong thương mại điện tử), Quân từng có một một công ty outsourcing trong lĩnh vực IT và hai công ty khởi nghiệp thất bại.

Năm 2012, khi quyết định kết thúc việc học tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, công việc outsourcing đang mang lại cho Quân thu nhập khoảng 10.000 USD/ tháng. Nhưng chàng trai 22 tuổi khi ấy không hạnh phúc và tự hào về những thứ mình làm ra. Sản phẩm sau khi bàn giao, khách hàng dùng hoặc không dùng, cá nhân anh chẳng để lại dấu ấn gì ở đó. “Tôi làm việc điên cuồng nhưng không biết mục tiêu là gì” - Quân nói về những tháng đầu tiên của mình.

Trương Mạnh Quân - sáng lập và CEO của Beeketing. Ảnh: Phương Anh

Bắt tay vào làm Sieuweb - công cụ giúp xây dựng trang web và Brodev - ứng dụng mở rộng cho những mạng xã hội ngách, Trương Mạnh Quân tự nhận mình được nhiều hơn mất, dù 2 dự án này đều “thất bại về mặt doanh thu”. Sieuweb sau 2 năm ra mắt đã cạnh tranh được với các đối thủ lớn như Bizweb của KDT với khoảng 120 nghìn users.

Quân thú thật: “Đầu tư vào 2 dự án này, tôi mất tiền, mất thời gian nhưng cũng được nhiều thứ như danh tiếng và mối quan hệ. Lúc đó tôi thấy bế tắc vô cùng và luôn tự hỏi ‘Không lẽ mình chỉ làm được có vậy?’. Tôi đi hỏi han nhiều người trong giới startup xem mình nên làm cái gì thì được khuyên ‘Muốn làm gì thì cứ làm. Khó là chuyện đương nhiên vì cái dễ người ta đều làm rồi’.”

Thất bại vì có sản phẩm tốt, có người dùng mà không mang lại doanh thu, nhìn ra thế giới vào thời điểm năm 2014, Quân thấy có 14 triệu người đang bán hàng online. Trao đổi với các khách hàng làm web, Quân nhận ra rằng, với người bán hàng, web đẹp mà không bán được hàng cũng vô nghĩa. Vì thế, Quân nghĩ anh cần tạo ra công cụ giúp họ bán hàng tốt hơn. Đó là lúc Trương Mạnh Quân đặt chân vào lĩnh vực mar-tech với Beeketing.

Đáng nói, ngay khi bắt đầu, Beeketing đã được xác định “đánh sang thị trường Mỹ” bởi lúc đó, thương mại điện tử chưa phát triển mạnh ở Việt Nam.

“Ở một thị trường lớn và cạnh tranh như Mỹ, tôi thấy mình có cơ hội chiếm được miếng bánh lớn. Ở đây, những doanh nghiệp lớn thường ưu tiên sử dụng sản phẩm của công ty Mỹ. Vì thế, chúng tôi tập trung vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập khách hàng này không quan tâm sản phẩm của ai, đến từ đâu, thứ họ muốn là giá cả phù hợp, sản phẩm và dịch vụ tốt” – Quân kể.

Đội ngũ nhân sự của Beeketing. Ảnh: Phương Anh

Beeketing tìm đến những công ty lớn đã có tập khách hàng phong phú và hợp tác với họ. “Muốn hợp tác bán hàng, bạn cần có sản phẩm chất lượng cực tốt, hiểu văn hóa, thói quen, hành vi của khách hàng. Cách tốt nhất để làm việc này là xin visa Mỹ và bay qua San Francisco, tham quan Silicon Valley, gặp gỡ những người Việt đang làm việc tại đây, hỏi họ cách các công ty ở Silicon Valley làm việc và phát triển, từ đó bạn sẽ phát triển được cái cảm quan về thị trường Mỹ và nắm được lợi thế của các công ty Việt Nam so với công ty Mỹ” – Quân chia sẻ.

Để vượt qua các đối thủ ở Mỹ, Quân xác định cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7. “Nếu các công ty Mỹ thường chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng vừa và nhỏ qua email, trong thời gian 8 tiếng/ngày thì chúng tôi phục vụ tận tình hơn thế.”

Sau ba năm rưỡi, Beeketing đã đạt doanh thu 2,2 triệu USD vào năm 2017, cao gấp 3 lần so với năm trước đó; số khách hàng cũng đạt 270 nghìn, trong đó 60% ở Mỹ. Thế nhưng, founder của Beeketing cho rằng, điều khiến anh vui nhất không đến từ các con số.

“Cuối năm 2017, tôi có tham gia một hội thảo về thương mại điện tử ở Mỹ. Nếu như ngày đầu, tôi mặc đồ bình thường không ai đến bắt chuyện thì ngày thứ 2 khi tôi mặc áo đồng phục của Beeketing, nhiều người bắt chuyện với tôi. Một số investor đề nghị đầu tư nhưng tôi từ chối”.

Từ 1 đến 10

Điều gì khiến cho anh chàng founder từng phải nhiều lần đi thuyết trình gọi vốn giờ đây lại từ chối nhà đầu tư? Quân lý giải: “Beeketing không cần vốn, cũng chẳng cần tôi mà vẫn phát triển đều đặn. Hồi tháng 6 và tháng 11 vừa qua, dù vắng tôi, Beeketing vẫn tăng trưởng từ 20-30%. Có bạn trong công ty còn đùa rằng ‘Ở Beeketing, người có thể cắt giảm chính là tôi’.”

Những tưởng, công ty tăng trưởng mạnh, founder như Quân phải thấy mừng, thì Quân lại lo. Lo vì công ty đã tăng trưởng tới ngưỡng mà anh chưa biết phải làm gì tiếp theo với sản phẩm. Để vượt qua nỗi lo lắng, Quân bắt đầu nghiên cứu báo cáo tài chính, dòng tiền, các chỉ số phát triển của công ty và lại đi tìm các sư phụ để xin lời khuyên.

Trương Mạnh Quân và các cộng sự ở Beeketing tham quan văn phòng mới của Google tại Mỹ hồi tháng 4/2017. Ảnh: Phương Anh

“Mỗi người đã cho tôi một lời khuyên và kinh nghiệm. Nhờ vậy, tôi đã biết đường đi nước bước để xây dựng Beeketing trở thành sản phẩm phần mềm hàng đầu thế giới, có vị thế cao như Freshdesk, Zoho của Ấn Độ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy giấc mơ nâng cao vị thế sản phẩm phần mềm Việt Nam trên thế giới nằm trong tầm với. Nó đã giúp tôi thoát khỏi cảm giác sống không rõ mục đích trong mấy tháng đầu năm khi Beeketing tới giai đoạn có thể tiếp tục phát triển như cũ mà không cần tôi trực tiếp quản lý nhiều” – Quân nói về niềm vui của mình.

Tự nhận mình đã có chút ít thành công, giống như đã đi được từ 0 đến 1, từ chưa có gì tới có chút doanh thu và tiếng tăm trong làng thương mại điện tử, Quân kỳ vọng, trong 3-5 năm tới, Beeketing sẽ bước được từ 1- 10, tức là đạt doanh thu từ 15-20 triệu USD/năm và trở thành sản phẩm Việt Nam được công nhận có ảnh hưởng trên thế giới.

Để làm được điều này, founder của Beeketing biết rằng, anh có nhiều việc phải làm mà trước hết là việc xây dựng đội ngũ lập trình viên, thiết kế, marketer hay data analyst... có chất lượng cao, một bài toán không dễ.

Nói vậy nhưng founder của Beeketing cho rằng, với startup những khó khăn sẽ đến liên tiếp, điều quan trọng là phải luôn bình tĩnh đối mặt. Trải qua nhiều biến cố với các startup, Trương Mạnh Quân tin rằng, cách hành xử, thái độ của một leader sẽ ảnh hưởng tới cả nhóm.

“Founder sẽ ảnh hưởng lớn đến văn hóa và tinh thần của công ty. Tôi đã từng tự trách mình về 4 năm làm outsourcing vô nghĩa. Vì thế, tôi luôn nhấn mạnh với đội ngũ của mình nhân viên phải làm công việc mình thấy vui và tự hào về nó. Có như vậy, dù làm nhiều đến đâu mới không thấy mệt. Mỗi người phải thấy tự hào về giá trị mình mang lại như người lập trình viên có sản phẩm hàng triệu người dùng, người thiết kế phục vụ hàng trăm nghìn người xem…” - Quân kể về những điều anh tâm niệm.

Beeketing là nền tảng giúp các chủ shop bán hàng online dễ dàng cài đặt hệ thống marketing để bán hàng như trang thương mại điện tử. Các chức năng chính của Beeketing gồm: theo dõi hành vi của người vào website để hiểu về hành vi mua hàng của họ; giới thiệu đúng sản phẩm mà người mua hàng muốn mua, gợi ý các sản phẩm đang được ưa chuộng để người tiêu dùng có thêm lựa chọn, tự động gửi email marketing cá nhân để người mua hàng quay trở lại website…