Lê Tần và Nguyễn Thế Trung đang cùng nhau nỗ lực đặt những bước đầu tiên cho một hướng đi mà theo họ hết sức tiềm năng đối với Việt Nam trong tiếp cận CMCN 4.0 - đó là nghiên cứu về dữ liệu sóng não thông qua một hệ thống các phòng thí nghiệm neurolab.

Mới và tiềm năng

Theo chị Lê Tần, CEO của EMOTIV sinh học là một trong ba trụ cột của Cách mạng Công nghiệp 4.0, bên cạnh vật lý và số hóa, mà ở đó có mảng dữ liệu sóng não còn khá mới mẻ và tiềm năng nhưng nhiều nước chưa tiệm cận được.

Hiện nay, một số công ty, trong đó có EMOTIV,đã phát triển công nghệ đo sóng não. “Nếu như có thể theo dõi sóng não một cách chính xác và tiện cho người sử dụng thì tiềm năng ứng dụng rất lớn bởi các hoạt động chính của con người đều bị chi phối bởi não. Theo dõi hoạt động của não, ta không chỉ theo dõi được sức khỏe mà còn có thể sử dụng [các dữ liệu về] nó để điều khiển thiết bị hay xây dựng những giao diện giữa não và hệ thống máy móc khác” - GS Vũ Ngọc Tâm - giám đốc Phòng thí nghiệm các hệ thống di động và kết nối tại Đại học Colorado Denver, Mỹ - nói.

Tổng giám đốc DTT Nguyễn Thế Trung và CEO của EMOTIV Lê Thị Thái Tần tại lễ ký kết hợp tác nghiên cứu ứng dụng dữ liệu sóng não giữa hai bên chiều 1/8/2017. Ảnh: Cao Nhật

Bộ đo sóng não mà EMOTIV phát triển gồm một phần mềm tinh xảo và một thiết bị thu nhận sóng não với điện cực áp nhẹ vào da đầu, trông như một tai nghe, giúp chuyển tín hiệu của suy nghĩ và cảm xúc - sóng điện từ phát ra từ não - cho phần mềm máy tính xử lý.

Nhờ vậy, có thể dễ dàng lưu trữ, và “xử lý cảm xúc” thông qua xử lý dữ liệu thu thập được từ não, tức dữ liệu sóng não, để từ đó giúp các công ty, nhãn hàng thăm dò thái độ của khách hàng, giúp người khuyết tật điều khiển vật dụng bằng ý nghĩ, hoặc giúp các trò chơi trở nên hấp dẫn hơn...

Đạo diễn James Cameron từng sử dụng thiết bị đọc sóng não của EMOTIV để ghi nhận cảm xúc người xem về bộ phim Avatar, rồi chỉnh sửa hoàn hảo trước khi công chiếu toàn thế giới.

Gần như 100% các trung tâm nghiên cứu về não bộ trên thế giới, từ các trường đại học như Harvard, Lomonosov cho đến các viện nghiên cứu hàng đầu của các hãng chế tạo máy bay Boeing, Lockheed Martin, đều đang sử dụng EMOTIV EPOC để thu thập dữ liệu sóng não.

Việt Nam nên bắt đầu như thế nào?

Các thống kê cho thấy ngành nghiên cứu về thần kinh học của con người hiện đang bị chi phối bởi một số ít quốc gia. 80% các ấn phẩm nghiên cứu về điện não đồ (EEG) vào năm 2015 đều đến từ Mỹ và Tây Âu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của phương Tây chưa chắc đã ứng dụng được cho các vùng địa lý khác vì bộ não có sự đa dạng và phụ thuộc vào bối cảnh. Vì vậy lĩnh vực dữ liệu sóng não cần sự tham gia phát triển của cộng đồng khoa học trên toàn cầu.

Để đón bắt xu hướng nhiều tiềm năng này, Việt Nam cần những bước đi cụ thể mà EMOTIV và DTT đang nỗ lực thực hiện một trong những bước đi đầu tiên. Lãnh đạo hai công ty cho biết trong thời gian tới, họ sẽ phối hợp với một số bên liên quan để mở các phòng neurolab, ban đầu ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Học viện STEM, sau đó sẽ mở rộng ra tại các cơ sở đào tạo trung học và đại học trong cả nước.

Một thành viên của nhóm nghiên cứu robot thuộc Đại học DIEI, Ý, điều khiển cánh tay robot thông qua giao diện não - máy tính với sự tham gia của thiết bị đọc sóng não Emotiv Epoc+. Ảnh: Youtube

“Công nghệ sóng não vẫn còn khá mới và mới được các nước châu Âu, Mỹ áp dụng vài năm nay. Nghiên cứu, xử lý dữ liệu sóng não là mảng chúng ta có thể đi được trước và nên có chương trình quốc gia để đi cho sâu, làm chủ nó từ đầu đến cuối, bởi quan trọng nhất là chúng ta đã có nguồn nhân lực nền tảng, chính là đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin được đánh giá có chất lượng cao, giúp xử lý dữ liệu sóng não” - theo anh Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ DTT.

“Về lâu dài, thay vì chỉ nói về CMCN 4.0 một cách chung chung, chúng ta nên xác định những lĩnh vực khác biệt nhưng phù hợp với năng lực nghiên cứu và phát triển của mình.”

Anh Trung cũng cho biết muốn giới thiệu các thiết bị đo sóng não của EMOTIV trước hết tới các trường trung học phổ thông và đại học để các bạn trẻ hình thành thói quen và kỹ năng làm việc với dữ liệu não. “Khi những phòng neurolab mở cửa, mọi người có thể tới đó để làm việc theo chương trình mẫu (framework) do bên công ty EMOTIV cung cấp. Công ty DTT cũng sẽ hỗ trợ đào tào giáo viên, giảng viên cho các trường để từ đó họ có
thể triển khai công tác nghiên cứu, giảng dạy về dữ liệu sóng não trong các neurolab được mở ở trường mình.”

Nguồn dữ liệu sóng não thu thập được sẽ được công khai thông qua chuỗi phòng neurolab mà DTT phối hợp với EMOTIV xây dựng để ai cũng có thể tiếp cận, từ đó mở ra những hướng nghiên cứu, ứng dụng trong y tế, giáo dục, tiếp thị và các công nghệ tương tác não-máy tính.

Chia sẻ quan điểm với đối tác, chị Lê Tần cho rằng, “Nếu mình đầu tư vào neurolab, và khuyến khích giới trẻ tham gia học và nghiên cứu dữ liệu sóng não, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam có thể có tới 1.000 bài nghiên cứu được công bố về dữ liệu sóng não của những người làm thạc sĩ, tiến sĩ. Khi đó, vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ rất khác. Chúng ta phải có tầm nhìn đón đầu tương lai, nếu không sẽ luôn phải chạy theo các nước
khác.”