Năm 2017, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố hoàn tất việc thử nghiệm và triển khai thành công Hệ thống tính cước theo thời gian thực 3.0 cho hạ tầng mạng tại Việt Nam, với dung lượng lớn nhất hiện nay trên thị trường thế giới.

Thành công này cho phép Viettel triển khai những gói cước đến từng nhóm khách hàng nhỏ, biến những điều không tưởng thành hiện thực.

Chẳng có giấc mơ nào là không tưởng

Hệ thống tính cước theo thời gian thực (Online Charging System - OCS) được coi là “trái tim của hệ thống viễn thông” bởi nó chứa tất cả các thông tin về khách hàng mà dựa vào đó mới có thể hình thành các chính sách kinh doanh và sản phẩm. Nhà mạng nào có OCS mạnh thì nhà mạng đó mạnh.

Nói về khát vọng của Viettel khi muốn có một hệ thống tính cước của riêng mình, không phải mua của nước ngoài, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - minh họa bằng câu chuyện một người mẹ sống ở ngôi làng biên giới thuộc tỉnh Điện Biên, nhà rất nghèo và chi tiêu tằn tiện. Người mẹ ấy có con trai đi học, rồi lập nghiệp ở Hà Nội, mỗi năm về thăm mẹ được một lần. Bà chỉ có niềm an ủi duy nhất là gọi điện để trò chuyện với con, cháu nhưng lại không thể chi quá nhiều tiền cho cước điện thoại.

“Nếu vì những bà mẹ nghèo đó mà sinh ra gói cước 10.000 đồng/tháng, gọi bao nhiêu phút cũng được và ai cũng được dùng thì sau một đêm thức dậy Viettel có thể “sập tiệm”. Còn không có gói cước này thì người mẹ nghèo kia không dám dùng điện thoại để gọi cho con. OCS đã làm được cái việc là cho phép phục vụ mỗi người Việt Nam một gói cước riêng biệt” - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

“Đây chính là ước mơ của những người lãnh đạo Viettel suốt 17 năm qua. Những người khác nhìn vào ước mơ này đều thấy không tưởng, vì làm sao có thể phục vụ từng khách hàng theo kiểu may cho mỗi người một chiếc áo riêng. Sức đâu, tiền đâu? Nhưng các bạn trẻ đã làm được điều đó” - ông Hùng ghi nhận.

Các cán bộ của Trung tâm OCS thảo luận nhóm sôi nổi trong quá trình làm việc.
Ảnh: Lê Phượng

Với OCS 3.0, Viettel có khả năng phân nhóm khách hàng rất mạnh, dẫn đến nắm được rất nhiều lợi thế cạnh tranh - anh Phạm Tuấn Anh - Phó giám đốc Trung tâm OCS của Viettel - quả quyết. Viettel từ trước đến nay vẫn được đánh giá là nhà mạng có nhiều chính sách kinh doanh nhất trên thế giới với khoảng 1.000 chính sách (giờ thu gọn lại còn 400).

Mặt khác, theo anh Tuấn Anh, khách hàng cũng được hưởng lợi lớn từ hệ thống này: “Ví dụ, một gia đình có nhiều người sử dụng điện thoại, laptop, iPad…, từng người phải nạp tiền điện thoại của mình thì giờ đây, người chồng có thể nạp tiền cùng một lúc cho vợ con mình. Đấy là cách chúng tôi triển khai các gói cước chia sẻ.”

Cũng tương tự như thế, trong một doanh nghiệp, giám đốc có thể sử dụng dịch vụ gói cước chia sẻ cho tất cả các số thuê bao cần thiết trong đơn vị mình. “Sản phẩm OCS của Ericsson cũng có thể chia nhóm như thế nhưng tối đa là 200 người. Trong khi đó, nhóm có dung lượng site lớn của chúng tôi có thể lên đến 1.000 người.

Với hệ thống OCS 3.0, chúng tôi còn có thể tính cước theo khoảnh khắc – điều bị coi là không tưởng trước đây. Ví dụ khi rảnh 2 giờ ở sân bay, bạn có thể mua gói cước khoảnh khắc là 2 tiếng để xem phim, điều bạn không thể thực hiện với hệ thống cũ” – Tuấn Anh phân tích về khả năng linh hoạt, nhiều lợi ích của hệ thống có khả năng cá thể hóa chính sách phục vụ đến từng khách hàng. Hệ thống OCS mới cũng giúp tương tác với khách hàng chính xác, đúng thời điểm hơn.


Việc gì khó cứ giao cho người trẻ

Tại “đại bản doanh” của Trung tâm nghiên cứu OCS ở Hòa Lạc (Hà Nội), anh Phạm Tuấn Anh trải lòng về hành trình chinh phục công nghệ của nhóm.

Từ năm 2011, nhóm đã mày mò nghiên cứu vì không muốn dùng “trái tim đi mượn”. Bên cạnh những thành phần gạo cội đã theo đuổi dự án ngay từ đầu như Phạm Tuấn Anh, sau thời gian phát triển OCS 1.0 và OCS 2.0, sản phẩm thế hệ thứ 3 quy tụ hàng loạt gương mặt trẻ thuộc thế hệ 9X, chiếm 70- 80% số lượng nhân sự. Nhiều bạn trong tổng số 30 người của team OCS 3.0 vừa mới tốt nghiệp đại học.

“Dự án do tôi phụ trách mới và khó nên cần các bạn trẻ. Bởi người trẻ sẽ rất hứng thú khi được giao những việc khó” – anh Tuấn Anh lý giải việc tuyển những sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm vào. Một ưu điểm khác ở người trẻ, theo anh Tuấn Anh, là họ có sự sáng tạo và không suy nghĩ theo lối mòn.

“Cách tôi làm việc với các bạn trẻ là thử giao thật nhiều việc cho họ. Người nhiệt huyết, ham thích công việc có thể nhìn thấy ngay. Người hứng thú, say sưa khi làm xong việc rồi vẫn muốn làm cho tốt hơn. Khi mình có những người trẻ, luôn suy nghĩ khác biệt và không ngại thử nghiệm liên tục cái mới thì sản phẩm mới có cơ hội đột phá. Nếu không nó cũng chỉ tốt hơn cái trước hoặc ở mức nhàng nhàng chứ không vượt lên được” – anh Tuấn Anh nhận xét.

Anh Phạm Tuấn Anh - Phó giám đốc Trung tâm OCS. Ảnh: Lê Phượng

Với cá nhân anh, OCS phiên bản thứ 3 không còn quá mới, vấn đề là làm thế nào để tạo sự khác biệt mang tính đột phá.“Tôi quyết định ‘nhóm nhỏ làm việc lớn’ bởi giải quyết vấn đề khó thì một vài anh em suy nghĩ cùng nhau là được rồi. Làm giải pháp hay cái mới thì không cần quá đông” – anh Tuấn Anh nêu quan điểm.

Anh em Viettel, như mô tả của anh, thì “rất trẻ, rất máu”, làm việc bất kể thời gian để tìm cho được cái gì mới mang tính đột phá. Họ có thể làm việc 4-5 hôm liên tiếp mà gần như không ngủ, hoặc 2-3h sáng mới ngủ, nhưng sáng hôm sau 7h lại đi làm.

“Mọi người đều nghĩ sản phẩm của mình đang triển khai rồi, mình mà nghỉ sẽ ảnh hưởng đến cố gắng của anh em. Suy nghĩ như vậy nên mọi thứ luôn được đẩy cực nhanh và những giải pháp nho nhỏ cứ liên tiếp xuất hiện trong quá trình nghiên cứu và cuối cùng tạo nên một kết quả lớn” – anh Tuấn Anh nhớ lại thời gian “điên cuồng” khi phát triển sản phẩm OCS 3.0 với dung lượng lúc thành công lên tới 20 triệu đầu số/site – lớn hơn bất cứ sản phẩm OCS nào trên thế giới vào thời điểm hiện tại. Đối tác lớn nhất trên thế giới như Huawei mới đạt đến con số 15 triệu, trong khi Ericsson đạt 12 triệu, còn ZTE đạt 8 triệu.

Niềm vinh dự tại Mỹ

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh trong sự xúc động rằng không thể tin nổi các bạn trẻ chỉ trong 5 năm, qua bao thăng trầm với nhiều lần tưởng như thất bại, cuối cùng đã cho ra đời sản phẩm với thành công lớn mà ngay cả những người sinh ra nó cũng không cảm nhận được hết.

Cuối tháng 3/2017, sản phẩm OCS của Viettel với dung lượng lên đến24 triệu đầu số/ site đã được chuyển đổi cho hệ thống tại Việt Nam. Trước đó, hệ thống tính cước mà đối tác nước ngoài bán cho các nhà mạng Việt Nam trị giá hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ có dung lượng tối đa 15 triệu đầu số/site. Kể từ nay, với sản phẩm OCS 3.0, Viettel đã làm chủ hoàn toàn “trái tim của nhà mạng”.

Hệ thống OCS được đặt tại Phòng kỹ thuật công nghệ thông tin của Viettel. Ảnh: Lê Phượng

Đây cũng là vũ khí quan trọng để Viettel có thể triển khai nhanh hơn các chiến lược kinh doanh, thiết kế sản phẩm mới, tạo ra nhiều tính năng hữu ích hơn cho người dùng mà không phải phụ thuộc vào đối tác nữa.

Vào đêm chuyển đổi hệ thống, những người lãnh đạo Viettel và nhóm nghiên cứu OCS đều thức trắng vì hồi hộp. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng thành thật: “Sản phẩm OCS với mấy triệu thuê bao giá chỉ vài triệu đô nhưng nếu không thành công rất có thể việc kinh doanh của Viettel sụp đổ bởi liên quan đến khách hàng, đến năng lực cạnh tranh. Nếu sự sụp đổ của Viettel ở Peru trị giá 100 triệu đô, thì ở Việt Nam là 20 tỉ đô. Thành công này là sự dũng cảm của cả những người lãnh đạo Viettel, những người dùng dám làm ‘chuột bạch’ và cả sự tự tin của nhóm nghiên cứu quyết đi đến cùng để có được sản phẩm của riêng mình.”

Vào tháng 6/2017, hệ thống này đã được vinh danh tại Mỹ, đưa Viettel trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đón nhận chuỗi giải thưởng của IT World Awards 2017. Tuy nhiên, việc tạo ra một sản phẩm đột phá và áp dụng được cho hệ thống mạng của Viettel ở trong nước mới chỉ là bước đi đầu tiên.

Phạm Tuấn Anh và các kỹ sư 9X chia sẻ “còn rất nhiều việc phải làm” và “ngừng thay đổi là khó tồn tại”. Người phụ trách dự án OCS 3.0 cho biết: mục tiêu tiếp theo là đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.