Bỏ ngang việc học tiến sĩ tại Pháp, Lê Công Thành về nước và sau vài lần khởi nghiệp thất bại, anh tập trung vào phát triển công nghệ.

Bỏ học để khởi nghiệp

Giới công nghệ biết đến nhiều đến Lê Công Thành khi anh đoạt giải nhất Công nghệ thông tin triển vọng Nhân tài Đất Việt 2016, với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC) do anh và các cộng sự phát triển từ năm 2010. Trước khi được trao giải, SMCC đã được nhiều doanh nghiệp, cơ quan lớn sử dụng như ngân hàng BIDV, tổng cục Du lịch...

“Trong sáu tháng tới, chúng tôi sẽ biến SMCC thành sản phẩm được cung cấp rộng rãi cho các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ... hoạt động trong các lĩnh vực như báo chí, sản xuất nội dung, marketing… SMCC hữu ích với những người cần phân tích và nắm được xu hướng thông tin, tiêu dùng trên mạng xã hội, để có cách ứng xử kịp thời”, Lê Công Thành nói về dự định phát triển của SMCC trong thời gian tới.

Điều gì đã khiến cho Lê Công Thành đặt chân vào lĩnh vực này, mà không phải lĩnh vực khác?

“Những ngày mùa đông ở Pháp, tôi ngồi trong phòng nghiên cứu của công ty France Telecom Orange, nhìn ra ngoài thấy bầu trời tối mịt mù, tuyết rơi trắng xoá. Hướng nghiên cứu của tôi về khai phá dữ liệu nếu muốn tiếp tục phát triển, tôi phải ở lại nước ngoài. Nhìn cuộc sống ở Việt Nam thay đổi từng ngày, tôi luôn tự hỏi mình ở đây để làm gì, và tại sao mình lại phải đóng góp cho xã hội này, trong khi ở Việt Nam có nhiều thứ cần mình?”. Và sau nhiều trăn trở, năm 2009, Lê Công Thành quyết định dừng việc học tiến sĩ, về nước bắt tay vào nghiên cứu xử lý ngôn ngữ, trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Lê Công Thành. Ảnh: Loan Lê

Khi Lê Công Thành và những người bạn xây dựng SMCC (Social Media Command Center), họ đã xử lý ngôn ngữ tiếng Việt từ hàng chục triệu thông tin được quét từ internet mỗi ngày, từ đài phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử, cho đến mạng xã hội. Những file âm thanh, hình ảnh được xử lý thành văn bản, báo giấy được scan tự động và nhận dạng nội dung… Từ thông tin có được, hệ thống phân tích các nội dung đang được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội và đưa ra gợi ý sớm nhất cho người sử dụng hệ thống.

Cha đẻ của SMCC hồ hởi: “Cách đây khoảng hơn một năm, khi hệ thống đưa ra gợi ý, thông tin về việc mặc áo có in hình lá cần sa có thể bị phạt, đang được quan tâm, chúng tôi làm một phép thử. Thông tin được lên một fanpage nhỏ, sau một ngày đã gần 10.000 lượt chia sẻ bài viết này. Điều này cho thấy, nếu nắm bắt được xu hướng công chúng đang quan tâm, người sản xuất nội dung cũng như doanh nghiệp, cơ sở bán hàng có thể đáp ứng được đúng điều họ muốn”.

Nhắc đến mô hình hoạt động của công ty, anh không quên nhấn mạnh tiêu chí chỉ phát triển công nghệ. Những sản phẩm tiềm năng sẽ được đẩy ra thành startup riêng, để đi gọi vốn và đưa nó đúng vào quỹ đạo phát triển, đúng kiểu phóng tên lửa với các hacker bussiness để tăng trưởng đột phá. Bởi “vào năm 2015, trong khi SMCC đã có khách hàng lớn thì tôi và các nhà sáng lập khác phải chia tay nhau, do chúng tôi thiếu kinh nghiệm, không có định hướng rõ ràng trong kinh doanh, dẫn đến sự thiếu đồng thuận, nên mọi thứ đã ‘nổ tung’. Tôi không thể nào quên cái cảm giác một mình ngồi trong văn phòng và tất cả mọi người đều bỏ mình đi”, Lê Công Thành kể lại.

Dành 10% giá trị cho dự án xã hội

Ngồi nói chuyện với tôi, Lê Công Thành nhận được cuộc điện thoại từ một người lạ cần tư vấn thêm, sau khi tìm được mộ của người thân qua website lietsi.com, mà anh và các cộng sự phát triển.

“Trên cả nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, nhưng thân nhân các liệt sĩ có người biết, có người không biết người thân nằm ở đâu. Chúng tôi nhận thấy, nếu số hoá được thông tin ở toàn bộ các nghĩa trang và đưa lên website, thì việc tìm kiếm sẽ trở nên dễ dàng, chỉ bằng một vài thao tác tìm kiếm”, Thành nói về lý do khiến anh khởi động dự án phi lợi nhuận này.

Thế nhưng nếu tự làm, nếu mỗi nghĩa trang có chi phí khoảng 1 triệu đồng, thì 3.000 nghĩa trang sẽ cần khoảng 3 tỉ đồng. Một con số quá lớn với những người đang khởi nghiệp như Thành. Và phương án của anh là dùng sức mạnh cộng đồng, kêu gọi mọi người đến các nghĩa trang gần nhất chụp ảnh các bia mộ, gửi kèm thông tin. Hệ thống sẽ có chương trình tự động nhận dạng nội dung trên bia mộ: họ tên, quê quán, thời gian địa điểm hy sinh… Với những bức ảnh bị mờ, tối, Thành tiếp tục nhờ mọi người truy cập vào website và nhập liệu thông tin trên bức ảnh. Mỗi ảnh được đưa cho nhiều người khác nhau, để gia tăng độ chính xác.

“Thời kỳ cao điểm, mỗi ngày có khoảng 2.000 người tham gia. Từ năm 2010 – 2011, đã có 700.000 thông tin về các liệt sĩ được số hoá, chiếm khoảng 95% số liệt sĩ nằm trong các nghĩa trang. Chúng tôi đang vận động tình nguyện viên ở xa số hoá tiếp những nghĩa trang còn thiếu”, Thành nói.

Tham vọng của Lê Công Thành chưa dừng lại ở đó. Mong muốn của anh là tiếp tục giúp cho hàng trăm nghìn liệt sĩ vô danh tìm về với gia đình bằng công nghệ gien. Kế hoạch được anh vạch ra là tạo ra một thư viện gien của gia đình thân nhân, khi nhà nước tìm được hài cốt liệt sĩ cũng sẽ xét nghiệm AND và đối chiếu ở đó. Nhưng “chí phí vẫn còn rất đắt đỏ, nên chúng tôi cần tiến hành từng bước”.

* * *
Tự nhận mình vẫn còn non trẻ trong kinh doanh nên Thành quả quyết, anh vẫn đang theo đuổi thứ là thế mạnh và niềm yêu thích của mình: nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo. “Chúng tôi thường tổ chức các buổi đọc tài liệu nghiên cứu để biết hướng đi mới hiện nay, và xem mình có thể làm gì. Những ý tưởng mới có ngay nhân sự đáp ứng, chúng tôi sẵn sàng đẩy thành dự án riêng và khi chín sẽ ‘hoá’ thành startup”. Thành nói về hướng đi mà anh và cộng sự đang nghiên cứu.