Vươn ươm khởi nghiệp ThinkZone vừa giới thiệu trò chơi mô phỏng quá trình xây dựng một startup kỳ lân vào quá trình huấn luyện startup.

Hình ảnh bộ trò chơi Scale Up! Simulation. Ảnh: ThinkZone
Hình ảnh bộ trò chơi Scale Up! Simulation. Ảnh: ThinkZone

Trò chơi có tên Scale Up! Simulation gói gọn hành trình 10 - 15 năm xây dựng một startup kỳ lân vào trong 10 giờ mô phỏng.

Ông Đoàn Hải Nam, Giám đốc chương trình tăng tốc khởi nghiệp của ThinkZone Ventures, viết: “Chúng ta vẫn luôn nhắc đến các startup kỳ lân, về tầm nhìn tạo nên những startup giá trị hàng tỷ, thậm chí chục tỷ đô-la như vậy, tuy nhiên không nhiều founder Việt Nam thực sự hình dung được kỳ lân là như thế nào và hành trình tới đó thực sự ra sao.”

Thông thường trên thế giới, khi một startup đạt đến ngưỡng định giá 1 tỷ USD thì họ đã phải huy động được rất nhiều vốn qua các vòng (tổng cộng khoảng 200 - 400 triệu USD) và gặp gỡ rất nhiều nhà đầu tư.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có tham vọng xây dựng một startup kỳ lân, những người sáng lập cần hình dung trước về cái ngày mình cần gọi hàng trăm triệu USD đầu tư, sở hữu một sản phẩm với hàng chục triệu người dùng (nếu là B2C) hoặc hàng trăm ngàn khách hàng (nếu là B2B), và có những cấu trúc gọi vốn qua các vòng một cách hợp lý để đảm bảo dòng tiền đều đặn.

Thông qua hợp tác với tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Swiss EP, các nhà quản lý của ThinkZone, đã mang Scale Up! Simulation về Việt Nam nhằm giúp các founder trong nước trải nghiệm hành trình xây dựng doanh nghiệp từ khi thành lập tới khi thoái vốn (qua IPO hoặc M&A). Trò chơi này đã được áp dụng vào chương trình đào tạo Global Minds Accelerator triển khai từ tháng 12/2022.

Scale Up! Simulation do strategytools.io sáng tạo dựa trên kinh nghiệm làm việc với hàng ngàn startup và nhà đầu tư trên thế giới. Trò chơi này tương tự như Cờ tỷ phủ (Monopoly). Một lượt chơi sẽ gồm 3-5 đội (đại diện cho 3-5 startups), mỗi đội gồm 2-3 người (đại diện cho co-founder của công ty) và bắt đầu với 500.000 USD vốn hoạt động.

Các đội lần lượt tung xúc xắc để bước tới một ô bất kỳ trên bàn chơi, đại diện cho tiến độ mới mà startup đạt được, và phải trả một lượng tiền nhất định (burn rate, đại diện cho chi phí vận hành công ty). Lượng tiền này tăng lên sau mỗi vòng gọi vốn (thể hiện burn rate lớn hơn khi công ty tăng trưởng). Với mỗi bước nhảy, startup có thể gặp tiến độ tích cực (nhận được đề nghị đầu tư, có doanh thu,...) hoặc tiêu cực (mất tiền, tiến độ bị chậm,...).

Các phiên chơi Scale Up! có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần, tùy vào độ khó và yêu cầu đặt ra của Điều phối viên. Tiêu chí chiến thắng cũng tùy vào Điều phối viên đặt ra ban đầu, có thể là “đội đầu tiên thành công tại vòng gọi vốn 100 triệu USD”, hoặc “đội đầu tiên đạt ngưỡng kỳ lân 1 tỷ USD”,...

Với mỗi bước nhảy, các startup phải tính toán nhiều việc, chẳng hạn như kế hoạch gọi vốn trước áp lực burn rate hằng tháng để giữ công ty hoạt động; xây dựng các mốc tăng trưởng kỳ vọng về số lượng user, giao dịch, thị trường; định giá công ty cho mỗi vòng gọi vốn; lựa chọn nhà đầu tư phù hợp dựa vào mức độ phù hợp về chiến lược phát triển và năng lực tài chính của nhà đầu tư; thiết kế các điều khoản đầu tư; lựa chọn chiến lược thoái vốn; tính toán giá trị thoái vốn, ROI cho các cổ đông,...

Nắm bắt các khía cạnh của startup và nhà đầu tư

Trò chơi mô phỏng tạo cho các startup góc nhìn về việc dám mạo hiểm gọi đầu tư lớn. Hầu hết các startup ngại gọi vốn lớn do họ đã hòa vốn, không bị áp lực dòng tiền, hoặc những người sáng lập cũng không rõ cần làm gì nếu có nhiều vốn.

Tuy nhiên, khi đã xác định rõ tầm nhìn lớn, đi kèm với các mục tiêu cụ thể về định giá (số user, giá trị thị trường, doanh thu,...) và mô hình tài chính, các startup sẽ dự phóng được nhu cầu về vốn trong tương lai. Ví dụ, để đạt 250 triệu USD giá trị thị trường, startup cần chi bao nhiêu cho marketing, tuyển bao nhiêu nhân sự, mở chi nhánh ở bao nhiêu nước, xây dựng bao nhiêu nhà máy,... Từ đó họ xác định được nhu cầu vốn cần gọi, và trả lời được câu hỏi quan trọng: “gọi vốn để làm gì?”

Chính vì vậy, nhiều startup trên thế giới dù ở vòng hạt giống, thậm chí tiền hạt giống cũng đã gọi vốn hàng chục triệu USD bởi họ biết rõ mình cần đi theo lộ trình nào và thuyết phục được nhà đầu tư tin vào năng lực và lợi nhuận kỳ vọng.

Luật chơi Scale Up! Simulation cũng giúp cho startup hình dung được cấu trúc gọi vốn qua các vòng một cách hợp lý. Có một số benchmark trong quá trình gọi vốn mà startup nên lưu ý, mặc dù nó không phải là những quy tắc bất di bất dịch. Đó là định giá vòng tiếp theo thường ở ngưỡng 3x - 5x so với định giá vòng trước đó; và cổ phần bị pha loãng ở mỗi vòng thường ở trong ngưỡng 15 - 20%.

Nếu không lưu ý những điểm này, startup rất dễ rơi vào tình trạng co-founder còn quá ít cổ phần ngay từ các vòng gọi vốn quá sớm, khiến nhà đầu tư ngại tham gia vì rủi ro các founder mất quyền kiểm soát và động lực làm startup. Có những quỹ đầu tư chỉ rót tiền nếu tổng cổ phần của các co-founder còn hơn 50%.

Một lí do khác có thể khiến nhà đầu tư ngại rót tiền, đó là tốc độ tăng trưởng của công ty. Một quỹ đầu tư có thể đầu tư vào nhiều startup khác nhau, nên dù đội ngũ sáng lập có tốt nhưng nếu startup tăng trưởng chậm thì quỹ hoàn toàn có thể lựa chọn đầu tư vào các startup khác có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Do vậy, founder cũng cần hiểu rõ nhu cầu về lợi suất đầu tư (ROI) của các nhà đầu tư.

Trong Scale Up! Simulation, các founder phải giải bài toán giả lập về ROI của một quỹ đầu tư khi đầu tư 2 triệu USD ở định giá 10 triệu USD, rằng với các viễn cảnh tăng trưởng khác nhau (phá sản, đi ngang, tăng trưởng chậm, tăng trưởng mạnh) thì lợi nhuận kỳ vọng của quỹ là bao nhiêu, và dự phóng tăng trưởng của startup đó cần ở ngưỡng nào để kỳ vọng lợi nhuận đạt tối thiểu 3x sau 4 năm. Bài tập này giúp founder hiểu thêm về góc nhìn của nhà đầu tư.

Một bài toán thú vị khác mà các startup có thể gặp phải là tình huống “nhà đầu tư Linda”. Tại thời điểm startup còn nhỏ, chưa gọi được vốn, và lượng tiền mặt chỉ còn đủ dùng cho 3 tháng, họ gặp một nhà cố vấn kỳ cựu trong giới tên Linda. Linda có thể giúp công ty tiếp cận 6 đề xuất đầu tư, đổi lại Linda sẽ có 8% cổ phần công ty, và sẽ nhận thêm 2% cổ phần sau mỗi vòng trong 3 vòng gọi vốn tiếp theo. Đây là một lượng cổ phần không hề nhỏ và startup phải quyết định có nhận đề xuất của Linda hay không, cũng như tính toán ảnh hưởng của đề xuất này tới các vòng gọi vốn tiếp theo của công ty.

Tất cả những bài toán trên đều đã xuất hiện trong thực tế, và giờ đây các founder có thể trải nghiệm qua Scale Up! Simulation. Kết quả ban đầu rất khả quan. Đã có 4 startup “xây dựng” được cho mình các startup kỳ lân thông qua việc vận dụng khéo léo các bài toán mô phỏng và giả lập đầu tư.

ThinkZone cho biết, họ sẽ tiếp tục áp dụng trò chơi mô phỏng này vào trong những khóa đào tạo tiếp theo trong năm 2023.