Đây là năm thứ ba liên tiếp Zalo giữ vị trí này.
Thông tin này được đưa ra trong báo cáo "The Connected Consumer Q4 2022" do Hiệp hội Mobile Marketing (MMA) và công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến và đo lường truyền thông kỹ thuật số Decision Lab thực hiện.
Với tỷ lệ sử dụng là 87% vào năm 2022, Zalo vẫn là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam. Các đối thủ cạnh tranh của nó là Facebook xếp thứ hai với tỷ lệ sử dụng 72%, Messenger theo sau với 58% và Instagram với 15%.
Với câu hỏi “Bạn sử dụng nền tảng nào nhiều nhất để kết nối với gia đình và bạn bè?”, 52% người được hỏi đã chọn Zalo - tăng 6% so với năm ngoái. Phần lớn những người chọn Zalo ở độ tuổi từ 42 đến 62 tuổi và từ 16 đến 25 tuổi. Mức tăng ấn tượng này giúp Zalo củng cố vị trí ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam từ năm 2020 đến nay.
Nhiều người dùng cho biết họ thích dùng Zalo vì giao diện gần gũi với người Việt, đặc biệt là các nhãn dán (sticker) vui nhộn. Ngoài ra, Zalo cho phép người dùng gửi các tệp chất lượng cao, dung lượng lớn lên đến 1GB qua phiên bản Zalo PC và Zalo Web mà vẫn duy trì chất lượng liên lạc ổn định mặc dù cơ sở người dùng của ứng dụng ngày càng tăng.
Zalo thuộc VNG, kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Giống WeChat ở Trung Quốc, Kakao ở Hàn Quốc và Line ở Nhật Bản, thành công của Zalo phần lớn là nhờ họ hiểu rõ văn hóa địa phương nên có thể phát triển các tính năng phù hợp với người Việt. Ứng dụng chat này hiện xử lý 2 tỷ tin nhắn mỗi ngày, tháng 5/2022 họ đã ra mắt End-to-End Encryption (E2EE) - phương thức mã hóa mà chỉ người nhận và gửi có thể hiểu được thông điệp mã hóa này để cạnh tranh với WhatApp và Telegram. Báo cáo cũng lưu ý rằng Zalo đang trở nên phổ biến hơn đối với Gen Z, những người dùng từ 16 đến 25 tuổi.
Zalo còn lọt vào Top 20 ứng dụng phổ biến nhất trên Apple Store hai năm liên tiếp (2021 và 2022) do đội ngũ biên tập App Store toàn cầu bình chọn dựa trên nhiều tiêu chí như lượt tải, chất lượng, công nghệ, thiết kế và tác động cộng đồng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia vào tháng 7/2022, COO Nguyễn Công Chính của Zalo cho biết công ty ưu tiên phát triển chức năng nhắn tin hơn là bổ sung thêm nhiều tính năng như các siêu ứng dụng khác. Ông đã bổ sung rằng Zalo hiện "đã có lãi" và doanh thu quảng cáo của họ "đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể" trong vài năm qua.
Báo cáo cũng tiết lộ một số thông tin như: Tiktok là ứng dụng được dùng thường xuyên nhất khi người dùng muốn xem các video ngắn dưới 3 phút (theo sau là Youtube và Facebook). 55% người được hỏi cho biết họ ưu tiên dùng Shopee để mua sắm trực tuyến, 22% người chọn Lazada và 8% chọn Facebook. Để cập nhật tin tức, 39% người được hỏi sẽ "lướt" Facebook.
Thị trường giao thức ăn là cuộc đua gay gắt giữa GrabFood và ShopeeFood, khi GrabFood là lựa chọn ưu tiên của 35% người được hỏi, Shopee theo sau với 30%. Ngược lại, thị trường ví điện tử lại chứng kiến sự "lên ngôi" của MoMo - lựa chọn của 46% người được hỏi, ZaloPay và ShopeePay xếp tiếp theo với lần lượt là 19% và 10%. |
Đinh Cửu