Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu thành công quy trình thuần dưỡng các loài cá tỳ bà bướm, giúp tăng tỷ lệ cá sống thêm 20 – 30 % so với nuôi ở điều kiện bình thường, góp phần bảo tồn nguồn cá tự nhiên bản địa quý hiếm.

Tỳ bà bướm là giống cá nước ngọt bản địa quý hiếm của Việt Nam. Loài cá này chỉ phân bố ở các sông suối nước ngọt, có dòng chảy mạnh tại các tỉnh miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng,... Đây là một trong những đối tượng cá cảnh tự nhiên đang được khai thác rất nhiều để phục vụ cho xuất khẩu, dẫn đến sản lượng cá ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Hiện nay, các cơ sở sản xuất và kinh doanh gặp khó khăn trong công tác nuôi dưỡng cá tỳ bà bướm do tỷ lệ sống của cá còn thấp sau khi vận chuyển từ môi trường tự nhiên về TPHCM.

Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã thực hiện đề tài "Điều tra, thu thập và thuần dưỡng các loài cá tỳ bà bướm (Sewellia spp.) để bảo tồn chuyển vị tại TPHCM". Kết quả nghiên cứu đã định danh được 3 loài cá tỳ bà bướm trong các mẫu cá thu tại 6 tỉnh miền Trung. Đó là cá tỳ bà bướm beo, tỳ bà bướm hổ và tỳ bà bướm đốm.

b
Từ trái qua: Cá tỳ bà bướm beo, đốm và hổ. Ảnh: NNC

Sau khi được thu thập ở ngoài tự nhiên về, cá được nghiên cứu thuần dưỡng ở các điều kiện khác nhau. Kết quả, cá hoàn toàn thích nghi trong môi trường nhân tạo với điều kiện nhiệt độ nước từ 26-28°C, pH nước 6,0-7,0, sử dụng thức ăn viên, ánh sáng 1.000 lux. Có thể nuôi cá trong bể có trồng cây thủy sinh hoặc đặt đá, gốc lũa. Cá nuôi có màu sắc đẹp, các hoa văn rõ nét giống màu sắc cá ngoài tự nhiên. Tỉ lệ sống cá sau thuần dưỡng từ 75-87%. Trong khi nuôi ở điều kiện bình thường sau khi khai thác, tỷ lệ sống chỉ từ 50 – 70%.

Thuần dưỡng cá tỳ bà bướm
Thuần dưỡng cá tỳ bà bướm trong bể. Ảnh: NNC

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, chủ nhiệm đề tài, cho biết, quy trình kỹ thuật thuần dưỡng cá tỳ bà bướm được chuyển giao cho một đơn vị sản xuất kinh doanh cá cảnh và ông Phạm Hữu Duẩn (TPHCM). Nhờ áp dụng đúng quy trình do Trung tâm chuyển giao, tỷ lệ sống của cá đã tăng thêm 20-30% so với trước đây. Ngoài ra, cá sử dụng hoàn toàn thức ăn viên nên thuận lợi cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao và hướng dẫn trực tiếp quy trình kỹ thuật thuần dưỡng cá tỳ bà bướm cho các hộ dân kinh doanh cá cảnh để tăng tỷ lệ sống của cá, giảm bớt lượng cá khai thác ngoài tự nhiên, góp phần bảo tồn nguồn cá tự nhiên bản địa. Đồng thời, nhóm tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh các yếu tố sinh thái để sinh sản nhân tạo cá tỳ bà bướm.