Mặc dù chỉ sở hữu rất ít đất nông nghiệp, nhưng Singapore lại là quốc gia xuất khẩu cá cảnh hàng đầu thế giới.
Nhìn vào định hướng và đầu tư bài bản của đất của nước này, ta không ngạc nhiên khi thấy Singapore đã nắm giữ danh hiệu “cường quốc cá cảnh” suốt hơn 10 năm. Năm 2007, “quốc đảo sư tử” thu về hơn 69 triệu SGD (khoảng 48 triệu USD) nhờ xuất khẩu cá koi, cá bảy màu và cá vàng, chiếm gần 20% thị phần thế giới. Những năm sau, tỷ lệ này sụt giảm đôi chút do cạnh tranh từ các đối thủ (như Đài Loan). Năm 2016, Singapore vẫn đạt gần 43 triệu SGD (30 triệu USD), chiếm 14,1% thị trường toàn cầu và bỏ xa các láng giềng Đông Nam Á.
Cựu bộ trưởng Bộ Biển & Nghề cá Indonesia, bà Susi Pudjiastuti từng phát biểu trên trang Jarkata Post: “Tại sao chúng ta, quốc gia có diện tích lớn hơn Singapore cả trăm lần lại thua kém họ trong lĩnh vực xuất khẩu cá cảnh. Indonesia nhất định phải đẩy mạnh sự phát triển của ngành này.”
Vì sao lại là cá cảnh?
Với đặc điểm của một đảo quốc được biển bao phủ bốn hướng, Singapore cũng là nhà của nhiều cộng đồng ngư dân và người nuôi cá trong hàng thập kỷ. Vào những năm 1960, các mô hình nuôi cá dạng bè (kelong) và bẫy (trap) đã từng rất phổ biến, trước khi người dân chuyển sang lồng lưới.
Bước sang thế kỷ 21, những trại nuôi cá truyền thống dần biến mất, nhường chỗ cho các mô hình mới ứng dụng công nghệ cao và quy trình tự động hóa để cắt giảm nhu cầu về nhân lực, đồng thời giúp tối ưu hóa chi phí và hiệu suất. Phần lớn trại nuôi cá cảnh ngày nay tại Singapore đều sử dụng máy cho ăn tự động, thay vì thực hiện bằng tay.
Bất chấp sự giới hạn về diện tích, Singapore vẫn là nơi lý tưởng để nuôi các loài cá cảnh nhiệt đới nhờ sở hữu khí hậu, nhiệt độ và lượng mưa phù hợp. Đó là kết luận của báo cáo “Thực trạng ngành công nghiệp cá cảnh tại Singapore” xuất bản năm 2005.
Theo thời gian, Singapore đã thiết lập thành công chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối cá cảnh rất phát triển, với đầy đủ người nuôi, nhà bán buôn và công ty xuất khẩu,…
Cá cảnh Singapore hiện đang được bán trên toàn thế giới. Một số tìm đường đến với những cửa tiệm bán đồ theo sở hữu (hobby shop), nơi chúng được săn lùng bởi các nhà sưu tầm và người đam mê, đặc biệt là tại châu Á – người dân ở đây thường có truyền thống coi một số loài như cá koi là “bùa may mắn.” Trong khi số khác lại xuất hiện tại bể của những chuỗi nhà hàng khách sạn và tập đoàn lớn cho mục đích trang trí.
Bên cạnh các loài phổ biến, người nuôi còn được giới thiệu hoặc tự tìm cách phát triển những loài mới trên quy mô thương mại. Cá sau khi thu hoạch được bán trực tiếp cho các nhà bán buôn và xuất khẩu. Dưới đây là năm loài cá cảnh xuất khẩu chủ lực của Singapore:
Năm 2017, toàn Singapore đang có hơn 125 trại nuôi cá cảnh. Ngày càng nhiều người nuôi tìm cách học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tự động hóa quy trình và nâng cao hiệu suất. Chính phủ Singapore luôn coi trọng vai trò của ngành công nghiệp cá cảnh, cho nên đã áp dụng nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ, nhằm duy trì vị thế nổi bật của đất nước trong lĩnh vực này. Chẳng hạn năm 2016, học viện bách khoa Temasek Polytechnic đã khai trương một Trung tâm Khoa học Nuôi trồng Thủy sản và Thú y (Centre for Aquaculture and Veterinary Science) để hướng dẫn người trẻ Singapore tham gia vào lĩnh vực kinh doanh nuôi trồng thủy sản, thay vì quá phụ thuộc vào nguồn đánh bắt tự nhiên. Tháng 3/2017, chính phủ cũng giới thiệu một bản đồ chuyển đổi cho các trang trại, giúp người trồng rau, thu hoạch trứng và nuôi cá ứng dụng những công nghệ mới.
Có lẽ người dân Singapore sẽ có quyền tự hào thêm nhiều năm nữa về cá cảnh - một thứ mà họ giỏi nhất thế giới.
Phương Hiền (theo Mothership)