Vụ kiện liên quan đến ca khúc “Happy Birthday” nổi tiếng do một nhóm các nhà làm phim tài liệu đệ đơn từ năm 2013, vì nghi ngờ hãng Warner/ Chappell không có đầy đủ bằng chứng pháp lý trong việc sở hữu bản quyền bài hát này. Hai năm sau, thẩm phán George H. King tại Tòa án liên bang Los Angeles mới đưa ra được phán quyết rằng mọi tuyên bố về bản quyền đối với ca khúc mừng sinh nhật nổi tiếng thế giới đều vô hiệu. Từ đây, bài hát được coi là thuộc về cộng đồng và bất cứ ai cũng có thể sử dụng một cách miễn phí trong tất cả các hoạt động.
Trường hợp trên chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm sáng tạo được coi là “tác phẩm mồ côi’, thường gây ra các rắc rối pháp lý. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tác phẩm được coi là “mồ côi” có thể là một cuốn sách, đoạn nhạc, bức tranh hay tấm ảnh được bảo vệ bản quyền nhưng không xác định hay liên lạc được với tác giả. Chúng rơi vào cảnh “không nơi nương tựa” về chủ sở hữu vì nhiều nguyên nhân như tác giả đó chưa bao giờ được công chúng biết tới, tác phẩm không được phát hành chính thức hoặc do các thông tin về tác giả bị mai một do thời gian.
Hàng chục triệu tác phẩm có giá trị thuộc nhiều thể loại được xếp vào hoàn cảnh "mồ côi" còn đang nằm trong các thư viện. Ảnh: Lilit Marcu - Conde Nast Traveler
Bên cạnh đó còn có các tác phẩm cũng được gọi là “mồ côi” vì mang tính chất sở hữu tập thể, thường xuất hiện trên thế giới số như các blog, mạng xã hội vốn được tạo ra không chính thống và khó xác định được đích danh tác giả. Năm 2009, một thống kê ở Anh cho thấy có khoảng 25 triệu “tác phẩm mồ côi” ở nước này, trong khi thống kê ở Đức cho biết có tới 50% các video game tại nước này thuộc loại “không có cha mẹ”.
Hàng chục triệu tác phẩm có giá trị thuộc nhiều thể loại được xếp vào hoàn cảnh “mồ côi” còn đang nằm trong các thư viện, bảo tàng hay các hội lịch sử. Luật bản quyền chung ở các nước yêu cầu bất kỳ ai muốn xuất bản các tác phẩm đã có bản quyền đều phải có sự cho phép của người giữ bản quyền. Tuy nhiên, với trường hợp “tác phẩm mồ côi” thì điều này dường như trở thành bất khả thi. Độ vênh giữa quy định bản quyền và việc sử dụng các “tác phẩm mồ côi” khiến các tác phẩm có giá trị bị phủ bụi vì việc đi tìm tác giả của chúng dễ lâm vào ngõ cụt.
"Tác phẩm mồ côi" khiến người dùng còn chưa yên tâm. Ảnh: Taringa
Để giải quyết vấn đề trên, một đạo luật về “tác phẩm mồ côi” (The Orphan Works Act) được đề xuất tại Mỹ năm 2008, nhằm hạn chế người giữ bản quyền có thể chống lại người sử dụng các “tác phẩm mồ côi” trong trường hợp người sử dụng đã cố gắng tìm kiếm tác giả.
Thay vì được sự đồng ý của tác giả, người dùng vẫn có thể sử dụng tác phẩm và có trách nhiệm bồi thường một khoản hợp lý khi tác giả xuất hiện yêu cầu. Với chế tài này, đạo luật không giải phóng hoàn toàn trách nhiệm pháp lý cho người dùng các “tác phẩm mồ côi”, nhưng đã làm giảm đi các nguy cơ cho họ. Đồng thời, nếu người sở hữu bản quyền không xuất hiện trở lại thì rõ ràng các tác phẩm này sẽ tiếp tục được sử dụng miễn phí như một dạng tài sản thuộc về cộng đồng.
WIPO cho biết, cách thức như đạo luật trên quy định sẽ rất linh hoạt và đem lại lợi ích cho cả đôi bên liên quan đến “tác phẩm mồ côi”. Nó được áp dụng rộng rãi từ xuất bản sách, âm nhạc và cả công nghệ. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn đặt ra những nguy cơ không lường trước cho người sử dụng vì khoản bồi thường được cho là “hợp lý” sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người sở hữu và người sử dụng hoặc phán quyết của tòa án.
Một số quốc gia khác như Canada thì vận dụng cơ chế cấp phép cho việc sử dụng các “tác phẩm mồ côi”. Nước này quy định nếu một tác phẩm có bản quyền mà không xác định được tác giả sau khi đã tìm kiếm thì một người sử dụng có thể nộp đơn lên Ủy ban quản lý bản quyền để xin cấp phép sử dụng. Ủy ban này sẽ quyết định xem xét mức phí cấp phép và cách thức sử dụng tác phẩm. Cơ chế như vậy gần đây cũng được áp dụng tại Hungary, cho phép Cơ quan sở hữu trí tuệ nước này cấp phép cho người dùng các “tác phẩm mồ côi” nếu không tìm được tác giả.
"Tác phẩm mồ côi" khó đến được với công chúng. Ảnh: Universitybusiness.com
Nhật Bản cũng cho phép người dùng nộp đơn lên Ủy ban Văn hóa để được sử dụng một số “tác phẩm mồ côi”. Đơn này sẽ được chấp nhận sau khi không tìm thấy tác giả, nhưng người sử dụng phải nộp một khoản tiền và phải công khai việc sử dụng tác phẩm đó trước
công chúng. Tại Hàn Quốc, người dùng cũng phải nộp đơn xin cấp phép từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sử dụng và phải nộp khoản tiền nhất định.
Cách cấp phép cho người sử dụng các “tác phẩm mồ côi” sẽ đảm bảo chắc chắn hơn về trách nhiệm pháp lý cho người dùng. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thực sự tạo ra được động lực cho những người khai thác dạng tác phẩm này.
Tại Canada, tới năm 2015 mới chỉ có khoảng 300 giấy phép được cấp, con số này tại Nhật Bản đến năm 2010 là 82 giấy phép, trong khi ở Hàn Quốc chỉ có vỏn vẹn 10 giấy phép tính đến năm 2015.
Một số nước khác như Australia lại áp dụng cách thức cho phép các thư viện có quyền tái sản xuất lại các “tác phẩm mồ côi” với mục đích bảo tồn. Ở Israel thì cho phép tòa án có thể chuyển quyền quản lý các tác phẩm không xác định được chủ sở hữu cho một cơ quan chính phủ liên quan để khai thác. Tuy nhiên, tất cả các mô hình giải quyết trên đều chưa thể dẫn đến việc giải quyết dứt điểm vấn đề và nguy cơ sinh ra các “tác phẩm mồ côi” trong tương lai sẽ vẫn tiếp tục.
"Tác phẩm mồ côi" là gì?
Một tác phẩm được xếp vào dạng “mồ côi” (orphan work) khi tác phẩm đó được bảo vệ về mặt tác quyền nhưng lại không rõ danh tính người nắm giữ tác quyền hoặc không thể liên lạc với người đó. Trong một số trường hợp, tên của người nắm giữ tác quyền hoặc tác giả của tác phẩm được ghi rõ ràng, nhưng lại thiếu các thông tin chi tiết dẫn đến việc không thể kết nối với họ. Tác phẩm cũng có thể trở thành “mồ côi” do tác giả đã qua đời, hoặc còn sống nhưng không nhận thức được rằng mình đang có tác quyền về tác phẩm đó. |