Yêu cầu về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có những chuẩn mực rất cao và Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều tác động nhất của yêu cầu này, bởi trình độ phát triển về kinh tế - xã hội còn thấp.

Đây thực sự là một “ngọn núi” thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước cần phải thích ứng để vượt qua khi hội nhập.

“Các vòng đàm phán về sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung được bàn thảo căng thẳng nhất giữa các nước thành viên TPP trước khi đi đến ký kết hiệp định. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ - người trực tiếp tham gia đoàn đàm phán Việt Nam về sở hữu trí tuệ trong TPP chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này và đưa ra những gợi ý cho doanh nghiệp trong nước khi bước vào “sân chơi” mới”.

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị hình sự hóa

Khi Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định TPP, những cơ hội hưởng lợi được nhắc đến nhiều, nhưng để tận dụng được cơ hội đó thì phải giải quyết các thách thức không nhỏ. Vậy theo bà, những thách thức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cụ thể là những gì và các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận chúng ra sao?

Khi tham gia TPP, chúng ta mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của nước ngoài và ngược lại, tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường các nước trong khu vực TPP. Cơ hội và thách thức cần được nhìn nhận một cách tổng thể trong toàn bộ hiệp định. Nếu chỉ xét riêng cam kết về sở hữu trí tuệ thì thách thức nhiều hơn cơ hội.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - người trực tiếp tham gia vòng đàm phán về sở hữu trí tuệ trong TPP. Ảnh: Loan Lê

Tuy nhiên, chúng ta chấp nhận những thách thức này như là luật chơi, để đổi lấy những cơ hội khác, có được từ các cam kết ngoài lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Ở cuộc chơi này, yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất cao, đồng thời yêu cầu thực thi quyền sở hữu trí tuệ rất hà khắc. Chúng ta là nước đang phát triển ở trình độ thấp, có rất ít sản phẩm của chính mình, mà đa phần hàng hóa phải nhập khẩu hoặc sản xuất theo công nghệ nhập khẩu, cho nên các yêu cầu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng cao đồng nghĩa với việc giá sản phẩm, giá công nghệ của nước ngoài càng lớn.

Thêm nữa, các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ nghiêm khắc thì khó tránh khỏi sự phiền hà và tốn kém nếu bị tranh chấp về xâm phạm quyền khi các doanh nghiệp chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để tránh xâm phạm và tự bảo vệ mình.

Yêu cầu xử lý hình sự trong chương Sở hữu trí tuệ là một cam kết khó khăn đối với ta, bởi vì điều này không phù hợp với hệ thống pháp luật hai lớp hành chính - hình sự của ta, trong đó những hành vi gây tác động xã hội chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị xử phạt hành chính. Thế nhưng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản cũng như ở hầu hết các nước trên thế giới, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực thi tại tòa án, tòa dân sự và tòa hình sự. Tức là đối với thực thi công, hầu như các nước này chỉ xử lý hình sự mà không có xử lý hành chính.

Vì vậy, họ yêu cầu các hành vi xâm phạm quyền gây tác hại lớn cho chủ sở hữu phải bị xử lý hình sự.. Ví dụ, theo quy định trong TPP, hành vi sao chép lậu bản quyền ở “quy mô thương mại” phải bị xử lý hình sự là những hành vi nhằm thu lợi về tài chính hoặc nhằm đạt lợi thế thương mại, và cả những hành vi không nhằm các mục đích đó nhưng gây thiệt hại đáng kể đối với lợi ích trên thị trường của chủ sở hữu trí tuệ.

Nói như vậy để thấy các quy định này là rất khắt khe, vì thế các doanh nghiệp của chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ và thực hiện một cách nghiêm túc quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vì những doanh nghiệp ở các nước phát triển rất coi trọng việc bảo vệ tài sản trí tuệ của họ. Khi các quy định của TPP có hiệu lực, hàng loạt hành vi vốn từ trước đến nay chỉ đang bị xử phạt hành chính ở Việt Nam sẽ bị chuyển sang xử lý hình sự.

Thưa bà, tại sao việc thực thi nghiêm ngặt các quy định về sở hữu trí tuệ lại được cho là thách thức với doanh nghiệp trong nước?
Chế độ bảo hộ sở hữu trí tuệ cao đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng tiếp cận sản phẩm trí tuệ được bảo hộ đối với xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Thời gian bảo hộ càng dài thì thời điểm xã hội được tự do sử dụng sản phẩm càng muộn và trong thời hạn bảo hộ, giá sản phẩm đương nhiên là rất đắt. Đối với doanh nghiệp, giá công nghệ - kể cả phần mềm máy tính và bí quyết kỹ thuật - là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh
của sản phẩm.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải mua của nước ngoài vì công nghệ nội sinh của ta chưa có nhiều và còn rất xa mức cạnh tranh. Hơn nữa, chế độ thực thi nghiêm khắc khiến doanh nghiệp của ta cũng phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. Đó chính là thách thức.

Vậy để giảm bớt các thách thức đó, những người tham gia quá trình đàm phán về sở hữu trí tuệ trong TPP đã can thiệp như thế nào?

Không chỉ Việt Nam, ngay cả những nước nhập khẩu công nghệ, sản phẩm văn hóa, mặc dù có thu nhập quốc dân theo đầu người cao như New Zealand cũng không muốn bảo hộ cao đối với sáng chế, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Trong quá trình đàm phán, những nước như New Zealand, Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác đều cố gắng để các yêu cầu bảo hộ cao về sở hữu trí tuệ được giảm xuống. Mục đích là để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với công nghệ tiên tiến, người dân được sử dụng các sản phẩm tiên tiến với chi phí hợp lý nhất, thay vì phải trả với giá rất đắt, thậm chí không có khả năng mua được.

Các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng bị xử lý triệt để và nghiêm khắc theo các quy định chung. Ảnh chụp một cuộc tiêu hủy hàng nhái tại Manila, Philippines. Ảnh: Romeo Ronoco/Reuters

Đơn cử như với mặt hàng thuốc, đối với những loại thuốc được bảo hộ độc quyền sáng chế, hiện nay trên thị trường Việt Nam chỉ có khoảng một phần tư số người dân có điều kiện để mua vì giá quá đắt. Số còn lại dùng thuốc generic giá rẻ, là thuốc đã hết thời hạn bảo hộ (thường là sau 20 năm).

Như vậy, các điều kiện bảo hộ sẽ đẩy lùi cơ hội tiếp cận với công nghệ mới của doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận với những sản phẩm tốt của người dân xa hơn. Do đó, quá trình đàm phán đã cố gắng thương thảo để giảm bớt được những ràng buộc và chúng ta đã đạt
được một số kết quả nhất định.

Hành trang cho doanh nghiệp là kho thông tin sáng chế

Là người trực tiếp tham gia quá trình đàm phán, bà có “mách nước” gì cho các doanh nghiệp Việt để có thể chuẩn bị hành trang vào cuộc chơi TPP này?

Tôi cho rằng đã tham gia vào cuộc chơi là phải tuân thủ luật chơi. Trong quá trình đàm phán, chúng ta cùng các nước đang phát triển và các nước nhỏ luôn muốn hạn chế cam kết bảo hộ sở hữu trí tuệ ở mức độ cao, còn các nước phát triển lại muốn bảo vệ các thành quả sáng tạo của họ một cách tốt nhất. Mong muốn của cả hai bên đều thỏa đáng.

Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, nếu có sản phẩm sáng tạo thì cũng mong muốn được bảo hộ cao khi xuất khẩu sản phẩm đó sang các nước khác. Nhưng nhìn ở góc độ của chúng ta, khi doanh nghiệp chưa có nhiều sản phẩm sáng tạo của mình thì phải tiếp thu công nghệ của nước ngoài.

Ngày nay, đổi mới công nghệ là nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp. Nếu cần sử dụng công nghệ có chủ thì doanh nghiệp sẽ phải chọn công nghệ thích hợp và đàm phán thông minh để đạt được giá cả hợp lý khi phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Muốn nắm được một cách tổng quát về tình trạng phát triển công nghệ trên thế giới để quá trình đàm phán được chủ động, doanh nghiệp cần tra cứu thông tin sáng chế. Qua tra cứu thông tin sáng chế, doanh nghiệp có thể biết được rằng đối với vấn đề kỹ thuật mà mình cần giải quyết thì trên thế giới đã có những giải pháp nào rồi để không phí công sức đầu tư trùng lặp, để từ đó quyết định sẽ nghiên cứu để tìm giải pháp khác hay đàm phán để mua công nghệ.

Kho thông tin sáng chế rất hữu ích cho xã hội này ở Việt Nam và các nước đều có sẵn, kể cả với những sáng chế đã được cấp bằng và những đơn sáng chế chưa được cấp bằng. Nếu doanh nghiêp chưa từng tra cứu sáng chế, sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ hướng dẫn hoặc cung cấp dịch vụ tra cứu…

Hiện các doanh nghiệp Việt đã có thói quen này chưa, thưa bà?

Phải thừa nhận một thực tế là hiện các doanh nghiệp chưa có thói quen tra cứu và kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế cũng còn hạn chế. Dịch vụ cung cấp thông tin sáng chế cũng chưa phát triển.

Tôi cho rằng đây là lúc Nhà nước cần đầu tư để không những bảo đảm có sẵn các nguồn thông tin sáng chế, mà còn phải phát triển dịch vụ thông tin để phục vụ mục tiêu phố biến công nghệ mới phục vụ hoạt động sản xuất. Cần xây dựng các cơ sở dữ liệu sáng chế và công cụ tra cứu để tạo ra các dịch vụ và sản phẩm thông tin sáng chế phục vụ các ngành với các nhu cầu khác nhau.

Muốn vậy, dịch vụ về thông tin sáng chế cần được từng bước xã hội hóa. Đồng thời, phải phổ biến kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế để doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu tình trạng công nghệ trên thế giới, từ đó có cơ sở định hướng nghiên cứu và quyết định lựa chọn công nghệ và tìm kiếm đối tác.

Hiện nay, khi chúng ta đã chọn tham gia TPP thì cũng không còn phải bàn luận thêm về vấn đề này. Cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp đều phải chuẩn bị hành trang cho mình, sẵn sàng cho cuộc chơi mới. Nếu không chủ động và sẵn sàng thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không nắm bắt được cơ hội để tiếp cận công nghệ phù hợp, nâng cao giá trị sản phẩm để cạnh tranh, đồng thời có nguy cơ rơi vào những rắc rối không đáng có khi vi phạm các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Xin cảm ơn bà!

Thời gian chuyển tiếp dành cho Việt Nam trong TPP

Là nước chịu nhiều tác động nhất trong TPP bởi các nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ, Việt Nam được hưởng thời gian chuyển tiếp để chuẩn bị điều kiện thi hành và thích ứng tốt hơn. Cụ thể, thời gian chuyển tiếp tính từ ngày Hiệp định TPP bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam (Điều 18.83.4 (f)) như sau:

- 3 năm đối với đa số các nghĩa vụ gây tác động đến pháp luật (cần sửa đổi pháp luật).

- 5 năm đối với một số nghĩa vụ có tác động xã hội (thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm và quyền liên quan đối với màn biểu diễn và bản ghi âm; bảo hộ độc quyền dữ liệu nông hóa phẩm; đền bù thời hạn độc quyền sáng chế do chậm trễ cấp bằng đối với dược phẩm và nông hóa phẩm).

- 12 năm (và có thể đề nghị gia hạn thêm 3 năm) đối với nghĩa vụ có tác động lớn nhất xã hội (bảo hộ độc quyền dữ liệu dược phẩm).