Các nhà khoa học tại ĐH ETH Zurich (Thụy Sĩ) cho biết đã hack gen của một tế bào người rồi sử dụng kỹ thuật CRISPR để biến nó thành máy tính sinh học siêu nhỏ và hoàn chỉnh, nhờ vào sự tương tác với tế bào của bộ xử lý lõi kép.
Những CPU nhỏ yếu này cuối cùng cũng đã có thể được kết hợp với nhau để tạo nên cỗ máy điện toán mạnh mẽ – và đặt hoàn toàn bên trong tế bào, hứa hẹn sẽ làm nên một cuộc cách mạng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến di truyền.
Theo những mô tả trong công bố trên Tạp chí PNAS, loại máy tính sinh học này có khả năng mô phỏng tiến trình xử lý và biến thông tin di truyền thành các protein cho những nhiệm vụ chuyên biệt ngay bên trong tế bào của cơ thể sinh vật. Ở đây, máy tính sẽ được lập trình để lấy các đoạn mã di truyền khác nhau, rồi thực hiện tính toán cho việc sản xuất một loại protein cụ thể. Như vậy, thay vì chỉ tuân theo mã di truyền (DNA) như một tế bào thuần túy, máy tính sẽ nhận được hai đầu vào và kết hợp chúng, rồi xử lý để tạo ra loại protein chính xác.
Ngoài ra, các tác giả còn cho biết, họ đã có thể lập trình để máy tính quét một số dấu ấn sinh học nhất định – biểu thị sự hiện diện của bệnh, và nếu thỏa mãn tất cả các điều kiện phù hợp thì sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt phân tử hoặc protein hỗ trợ điều trị.
Trao đổi với New Atlas, nhà khoa học Martin Fussalanger của Học viện công nghệ MIT, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Hãy tưởng tượng về một mô siêu nhỏ với hàng tỷ tế bào, và từng tế bào lại được trang bị bộ xử lý lõi kép của riêng nó. Các thiết bị điện toán như vậy, về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể đạt được sức mạnh vượt xa so với nhiều siêu máy tính kỹ thuật số nhưng chỉ tiêu thụ năng lượng bằng một phần nhỏ.”
Nguồn:
Hải Đăng (theo New Atlas)