Lars Berglund và các cộng sự tại Học viện Công nghệ Hoàng gia KTH (Thụy Điển) đã chế tạo thành công loại gỗ trong suốt có khả năng hấp thụ và giải phóng nhiệt.
Vật liệu mới nếu dùng làm cửa sổ có thể cho ánh sáng truyền qua giống thủy tinh, giúp ngôi nhà được chiếu sáng và sưởi ấm. Gỗ trong suốt hứa hẹn sẽ được sử dụng trong ngành xây dựng để giảm mức năng lượng tiêu thụ trong các tòa nhà tương lai. Kết quả nghiên cứu của họ vừa được trình bày tại Hội nghị & Triển lãm Quốc gia Mùa xuân 2019 do Hiệp hội Hóa học Mỹ tổ chức.
Để chế tạo gỗ trong suốt, nhóm nghiên cứu đã loại bỏ linin [thành phần hấp thụ ánh sáng] ra khỏi thành tế bào, sau đó họ bổ sung thêm polyethylen glycol (PEG) để giúp vật liệu có khả năng lưu trữ nhiệt.
“Vào ngày nắng, gỗ trong suốt sẽ hấp thụ nhiệt trước khi ánh sáng chiếu vào không gian trong nhà. Do đó, nhiệt độ trong nhà sẽ mát hơn bên ngoài. Vào ban đêm, điều ngược lại xảy ra. PEG giải phóng nhiệt để duy trì nhiệt độ không đổi trong nhà”, Céline Montanari, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Ngoài ra, gỗ và PEG đều có khả năng phân hủy sinh học nên loại vật liệu mới rất thân thiện với môi trường.
Quốc Hùng (Theo Techtimes)