Năm 2011, một nam sinh 13 tuổi tại thành phố Otsu, tỉnh Saga (Nhật) đã nhảy lầu tự tử vì bị bạn học bắt nạt suốt một thời gian dài.
Vụ việc trên đã phản ánh một thực trạng đáng báo động trong học đường ở Nhật Bản, khiến nhà chức trách ngay sau đó phải ban hành luật yêu cầu các hội đồng nhà trường phải xây dựng những quy tắc hướng dẫn và giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ. Trong đó, sáng kiến triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận biết các trường hợp có khả năng diễn biến thành nghiêm trọng của Ủy ban giáo dục Otsu được xem là đột phá hơn cả.
The Japan Times đưa tin, hội đồng các trường trung và tiểu học tại Otsu sẽ cung cấp cho hệ thống AI dữ liệu về 9000 vụ tình nghi ngược đãi học đường trong giai đoạn 2012 – 2018, bao gồm những thông tin chi tiết liên quan đến các đối tượng tham gia, tuổi tác, giới tính, hồ sơ chuyên cần và thành tích học tập, cũng như thời gian và địa điểm xảy ra hành vi ngược đãi. Thị trưởng Otsu, ông Naomi Koshi cho biết: “Thông qua dữ liệu được phân tích, chúng ta có thể phản ứng kịp thời hơn đối với các vụ việc, thay vì chỉ trông chờ vào trách nhiệm của giáo viên”.
AI được kỳ vọng sẽ giúp các nhà chức trách học đường nhận diện đúng những trường hợp ngược đãi bị tình nghi có khả năng diễn tiến thành trầm trọng, để từ đó can thiệp và tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức trước khi quá trễ. “Hành vi ngược đãi thường bắt nguồn từ những rạn nứt nhỏ trong mối quan hệ, nhưng có thể sẽ trở nên ngày càng tồi tệ. Do đó, việc nhận biết trước chiều hướng nghiêm trọng của một vụ việc là điều cực kỳ cần thiết” - The Japan Times trích lời một quan chức Ủy ban giáo dục Otsu.
Nếu như hệ thống AI mà thành phố Otsu đang triển khai có thể chứng minh được hiệu quả trong việc cứu giúp các học sinh khỏi lựa chọn thương tâm như trường hợp của cậu bé năm 2011, thì sáng kiến này sẽ hoàn toàn xứng đáng để được nhiều trường học trên toàn thế giới học tập và áp dụng để bảo vệ học sinh của mình.
Nhật Phạm (theo Futurism)