Hành trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể kéo dài hơn 10 năm và không thể trông vào vận may như mua tờ vé số.

Tại hội thảo "Con đường tiến tới IPO: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ", do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TPHCM (SIHUB) tổ chức ngày 17/6, các chuyên gia chứng khoán, tài chính cho rằng, thực hiện IPO là một cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư, dễ bán hàng. Tuy nhiên, tiến tới và thực hiện được IPO là một chặng đường dài và nhiều thách thức với các doanh nghệp nhỏ và vừa (SMEs) và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chia sẻ con đường đến IPO của Yeah1 Ảnh: KA

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông Yeah1, cho biết, Yeah1 phải chuẩn bị đến 12 năm để thực hiện mục tiêu IPO. Trước khi IPO 5 năm, Yeah1 phải thuê công ty kiểm toán chuẩn bị hồ sơ pháp lý tài chính để tiến tới IPO.

“Việc thực hiện IPO không thể trông chờ vào vận may như mua tờ vé số mà là thành tựu đạt được do một quá trình kiên trì phấn đấu theo đuổi mục tiêu lâu dài” – ông Tống nói và nhấn mạnh, IPO là giấc mơ mà Yeah1 không bao giờ từ bỏ vì bất kỳ lý do gì nên mỗi khi gặp khó khăn phải tìm động lực để tiếp tục cố gắng.

Ông Tống cũng chia sẻ kinh nghiệm, muốn IPO thành công, doanh nghiệp phải xác định rõ ai là người mua cổ phiếu của mình và tạo được sự tin tưởng, kỳ vọng về doanh nghiệp của mình với người mua. Các startup, SMEs có thể chọn con đường tắt, ngắn hơn để IPO là sáp nhập với một doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, doanh nghiệp phải đảm bảo bản thân hoạt động thật tốt.

Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUniC, cũng cho rằng, chỉ khi chuẩn bị chắc chắn để có tiềm lực tốt, lợi nhuận tốt, sẵn sàng đối mặt với những căng thẳng, áp lực thì các doanh nghiệp mới nên thực hiện IPO. Còn không, doanh nghiệp nên hoạt động như hiện tại hoặc lựa chọn con đường kêu gọi vốn ở các quỹ đầu tư hoặc kết hợp với các doanh nghiệp lớn cùng phát triển.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB. Ảnh: KA

Bà Nguyễn Hồng Mai, Tổng Giám đốc Công ty tài chính Tâm Anh, thì lưu ý một khía cạnh khác, muốn "lên sàn", doanh nghiệp trước tiên phải xem đã sẵn sàng minh bạch các thông tin của mình chưa, như sự minh bạch về công nghệ, nhân sự, báo cáo tài chính… Theo bà Mai, khi IPO, những nhân sự chủ chốt, công nghệ, điểm yếu tài chính có thể bị lộ và đây là cơ hội để đối thủ khai thác. Ngoài ra, doanh nghiệp phải xác định được khả năng tăng giá của cổ phiếu, đó là điều kiện để nhà đầu tư chú ý, bởi họ muốn cổ phiếu phải có khả năng tăng đột phá mới đầu tư, hơn là trông chờ vào việc chia cổ tức.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, kết luận, việc thực hiện IPO là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp theo đuổi với mong muốn mở rộng quy mô và tăng giá trị. IPO mang lại cho doanh nghiệp kênh tiếp cận vốn rẻ hơn nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp SMEs và startup hướng tới thực hiện IPO, SIHUB đã lên kế hoạch trong ba năm tới sẽ xây dựng một học viện chuyên đào tạo cho các startup tiến tới IPO.