Điều kiện IPO chưa hợp lý làm cho rất ít startup có khả năng thực hiện IPO. Nhà đầu tư mất đi một trong các phương án thoái vốn và trở nên do dự hơn khi quyết định rót vốn vào startup.
Gọi vốn là một trong những khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư trước khi rót vốn luôn mong đợi các trường hợp thoái vốn thành công, bao gồm việc startup kinh doanh có lời, được mua lại với giá cao hoặc IPO thành công. IPO là hoạt động phát hành cổ phiếu hay niêm yết cổ phiếu ra thị
trường mở lần đầu tiên để doanh nghiệp có thể huy động thêm vốn cho các
hoạt động kinh doanh. Ở Việt Nam, điều kiện IPO chưa hợp lý đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đã làm nhà đầu tư mất đi một trong các phương án thoái vốn, do dự hơn khi đầu tư và kéo theo đó là việc các startup gặp khó khăn hơn nữa khi gọi vốn.
Điều kiện IPO chưa hợp lý ở Việt Nam là một trong những nút thắt lớn nhất mà các startup nhắc đến tại hội thảo chuyên đề khởi nghiệp,
Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, khai mạc sáng nay, 2/5. Sự kiện được tổ chức để các thành phần của kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, đưa ra các kiến nghị nhằm “phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Toàn cảnh hội thảo chuyên đề về các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: BTC.
Tại phiên hội thảo chuyên đề về các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các startup, trong đó có cả một “unicorn” như Tiki, đã rất quan tâm đến việc chỉnh sửa các điều kiện IPO ở Việt Nam sao cho phù hợp hơn với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.
Cụ thể, hiện nay một trong các điều kiện để doanh nghiệp được IPO tại Việt Nam là hoạt động có lợi nhuận, không được thua lỗ. Điều này có thể phù hợp với các mô hình kinh doanh truyền thống, tuy nhiên đối với mô hình kinh doanh mới thì phải tính đến các yếu tố tốc độ tăng trưởng, khả năng mở rộng, thị trường, lợi thế công nghệ, v.v…
“Làm sao thoái vốn khi thị trường không lớn, IPO khó?”, anh Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki, đặt vấn đề từ góc độ của nhà đầu tư muốn rót vốn vào thị trường Việt Nam. Anh cũng cho biết các nước Nhật, Trung Quốc, Mỹ hay cả Hàn Quốc, một thị trường tương đối “bảo thủ”, cũng không yêu cầu doanh nghiệp phải kinh doanh có lời thì mới được IPO.
Trần Ngọc Thái Sơn, CEO trang thương mại điện tử Tiki.vn
CEO của Tiki cũng cho rằng nếu không tạo điều kiện cho startup IPO, nhà đầu tư không có đường thoái vốn thì sẽ rất khó có để có nguồn vốn cho các startup, trong khi hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cần nguồn vốn đầu tư để tiếp tục phát triển. Việc khuyến khích IPO sẽ giúp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Tiki là một bằng chứng rất rõ ràng rằng “có lời” không phải tiêu chí đánh giá thành công của startup, mà là khả năng mở rộng (scale-up), vị trí trên thị trường, lượng khách hàng tiềm năng, lợi thế công nghệ.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Vintech City, cũng cho rằng startup ở Việt Nam hiện nay, cho dù nhiều khả năng phát triển, cũng khó đạt được điều kiện IPO.
Phiên toàn thể sẽ có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng gần 2.500 doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các tổ chức quốc tế.