Bảng xếp hạng 30 Under 30 (30 nhân vật nổi bật nhất dưới 30 tuổi ở Việt Nam) của Forbes Việt Nam hồi tháng 2 vừa qua đã thu hút nhiều sự chú ý. Một trong những cái tên nổi bật nhất là Nguyễn Tuấn Cường, đồng sáng lập startup Amanotes.

Không giống như một số “ngôi sao” nổi bật khác trong danh sách của Forbes, trước đó Amanotes chưa được nhiều người biết đến ở Việt Nam. Tuy nhiên, startup này đã đạt được nhiều thành tích “đáng gờm” trong thầm lặng.

Năm 2019, App Annie và SensorTower - những công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu thị trường di động nổi tiếng thế giới đã xếp Amanotes vào danh sách 20 nhà phát triển ứng dụng trên điện thoại di động hàng đầu thế giới, bên cạnh những gã khổng lồ về công nghệ như Facebook hoặc Bytedance.

Amanotes là một startup về công nghệ âm nhạc do Nguyễn Tuấn Cường và Võ Tuấn Bình sáng lập vào năm 2015, có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, Amanotes là cái tên quen thuộc với những người chơi trò chơi âm nhạc hyper casual (những trò chơi có nội dung đơn giản, không cần hướng dẫn) trên điện thoại di động.

Sản phẩm tiêu biểu của Amanotes là trò chơi Magic Tiles 3, mô phỏng cách chơi piano, guitar và trống qua những bài hát nổi tiếng. Kể từ lúc phát hành vào năm 2016, đã có hơn 275 triệu lượt tải trò chơi Magic Tiles 3.

Những “tư tưởng lớn” gặp nhau

Năm 2012, hai nhà sáng lập của Amanotes lần đầu gặp nhau thông qua một bài đăng trên Launch - một nhóm trên Facebook về mạng lưới doanh nghiệp và công nghệ ở Việt Nam. Lúc đó, Cường là sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và đang tìm việc làm. Còn Võ Tuấn Bình trước đây từng thành lập startup âm nhạc MusicKing nhưng đã thất bại vào năm 2009. Là người chơi piano, sáo trúc, guitar và có nền tảng về công nghệ, Bình muốn thực hiện một dự án kết hợp giữa âm nhạc với công nghệ.

Nguyễn Tuấn Cường, đồng sáng lập startup Amanotes. Nguồn: techinasia

Ý tưởng này đã thu hút Nguyễn Tuấn Cường, cả hai bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu những khái niệm mới để thành lập startup Amanotes. Trong giai đoạn đầu, họ đã làm công việc thiết kế website để có kinh phí duy trì hoạt động cho Amanotes.

Thành công kì diệu của Magic Tiles 3

Magic Tiles 3 được lấy cảm hứng từ thành công của Piano Tiles, một trò chơi do Hu Wen Zeng ở Trung Quốc phát triển năm 2014. Trò chơi này phổ biến tới mức rất nhiều nhà phát triển khác đã bắt chước theo.

Cường và Bình thích hình thức của trò chơi Piano Tiles, nhưng họ vẫn muốn tạo ra sự khác biệt. “Chúng tôi muốn người dùng, bao gồm cả những người không có nền tảng gì về âm nhạc, có thể chơi một tác phẩm trọn vẹn”, Cường cho biết. “Bởi vậy, chúng tôi tìm cách làm âm nhạc trở nên sống động nhất có thể”.

Xuất phát từ ý tưởng trên, ngay từ đầu, Amanotes đã tập trung vào một phân khúc nhỏ - trò chơi âm nhạc hyper casual trên điện thoại di động - những trò chơi chỉ cần một vài thao tác đơn giản.

Vấn đề lớn nhất mà các nhà phát triển trò chơi âm nhạc phải đối mặt là phí li-xăng để sử dụng các bài hát, cũng như chi phí marketing để thu hút sự chú ý của người dùng, cạnh tranh với vô số trò chơi khác tương tự.

Mặc dù được coi là nước đi mạo hiểm với một startup non trẻ, song Cường và Bình vẫn quyết định dành tiền mua phí sử dụng nhiều bài hát. Sự kết hợp giữa âm nhạc chất lượng cao cùng công nghệ giúp tạo ra một trải nghiệm âm nhạc sống động là chìa khóa thành công của Magic Tiles.

Điểm khác biệt của Amanotes là cho phép người dùng chơi toàn bộ bài hát thay vì những giai điệu lặp đi lặp lại hay những âm thanh đơn lẻ.

Ra mắt vào năm 2016, mặc dù không bỏ ra nhiều kinh phí cho marketing song Magic Tiles vẫn giúp Amanotes trở thành một trong những nhà phát hành trò chơi trên điện thoại di động lớn nhất thế giới.

“Mọi người đều có thể chơi nhạc”

“Phương châm của chúng tôi là ‘mọi người đều có thể chơi nhạc’, Cường nói. “Phần lớn mọi người chỉ đơn giản là nghe nhạc, nhưng chúng tôi có thể giúp họ tương tác với âm nhạc”.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh (entrepreneurship) ở Đại học Amsterdam, giờ đây Cường là Giám đốc sản xuất của Amanotes, chịu trách nhiệm giám sát phát triển sản phẩm và các chiến lược cho một loạt tựa trò chơi thu hút hơn 700 triệu lượt tải trên toàn thế giới.

Dù không tiết lộ chi tiết về tình hình tài chính của Amanotes song Cường cho biết doanh thu của họ đến từ quảng cáo và mua hàng trong ứng dụng. Amanotes cũng thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với các nhà phát triển độc lập phát hành trò chơi trên nền tảng của Amanotes.

Tham vọng toàn cầu

Amanotes đã đăng ký kinh doanh tại Singapore và hiện có 140 thành viên đến từ 10 quốc gia khác nhau đang làm việc tại TP HCM. Bên cạnh văn phòng ở Singapore, Amanotes dự định sẽ mở thêm một văn phòng mới ở Mỹ - nơi có lượng người dùng đông đảo.

Đội ngũ nhân viên của Amanotes. Nguồn: techinasia

Mới đây, công ty đã tuyển dụng Bryan Teo - người từng có kinh nghiệm làm CEO ở các nền tảng mua sắm trực tuyến như Chợ Tốt và 701Search - làm giám đốc điều hành,.

Cường cho biết, trong tương lai, hoạt động của Amanotes không chỉ dừng lại ở phát triển các ứng dụng mới. Họ mong muốn xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc hoàn chỉnh cho các nhà phát hành, nhà phát triển, ca sĩ, người dùng và những người muốn học chơi nhạc.

Amanotes là một trường hợp đặc biệt trong cộng đồng startup do chưa nhận tài trợ từ bất kì tổ chức nào kể từ lúc mới thành lập năm 2015. “Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đang xem xét vấn đề này. Mục tiêu của chúng tôi là có kinh phí để phát triển những startup khác, nâng tầm nhìn ‘mọi người đều có thể chơi nhạc’ lên cấp độ tiếp theo”, Cường nói.

Nguồn: