Đồng thường được biết đến là có khả năng diệt khuẩn. Khi tiếp xúc với vi khuẩn, nguyên tử đồng sẽ giải phóng các ion và phá vỡ màng tế bào vi khuẩn.

Nhưng hiệu quả này sẽ còn được tăng cường hơn nữa, nhờ vào phương pháp xử lý bề mặt [kim loại] bằng laser không quá phức tạp. Đó là kết quả của một nghiên cứu tại Đại học Purdue, tiểu bang Indiana (Mỹ), do giáo sư trợ lý (assistant professor) Rahim Rahimi dẫn đầu. Công trình được công bố trên Tạp chí Advanced Materials Interfaces.

Sử dụng laser để khắc các mẫu hoa văn siêu nhỏ lên miếng đồng có thể giúp tăng cường khả năng tiếp xúc lẫn diệt khuẩn của nó. Ảnh: Purdue University.

Khắc các mẫu hoa văn siêu nhỏ bằng laser lên miếng đồng có thể giúp tăng cường khả năng tiếp xúc lẫn diệt khuẩn của nó. Ảnh: Purdue University.

Trở ngại lớn nhất kìm hãm khả năng diệt khuẩn của đồng là do nó có kết cấu bề mặt khá mịn, cung cấp rất ít điểm tiếp xúc với vi khuẩn. Kết quả là, phải mất hàng giờ để một lượng ion vừa đủ từ đồng xâm nhập sang tế bào vi khuẩn.

Trong nghiên cứu của mình, GS. Rahimi cùng các cộng sự đã sử dụng kỹ thuật khắc hoa văn (pattern) bằng laser, ở kích thước nano, lên những miếng đồng. Bằng cách này, họ đã tạo cho miếng kim loại một kết cấu chắc chắn, với diện tích bề mặt lớn hơn đáng kể, làm tăng cường khả năng tiếp xúc với vi khuẩn lẫn tốc độ hoạt động của luồng ion.

Khi đối chiếu với các mẫu (control sample) khác chưa qua xử lý, những miếng đồng có bề mặt khắc bằng laser đã cho khả năng diệt khuẩn vượt trội, khi loại bỏ hoàn toàn các tác nhân gây hại như E. coli (gây tiêu chảy, bệnh đường ruột) và MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin, gây viêm nhiễm và các bệnh ngoài da) chỉ sau 40 phút.

Ngoài ra, quy trình xử lý 1 bước (single-step) này không hề làm ảnh hưởng đến phần mặt dưới của miếng đồng, do đó đảm bảo giữ lại tất cả các thuộc tính cơ học. Bên cạnh đó, việc sử dụng thêm chất diệt khuẩn chuyên dụng – có nguy cơ rò rỉ ra môi trường theo thời gian – là không cần thiết.

Thêm một lợi ích nữa, đó là kỹ thuật này còn giúp cho bề mặt kim loại (không chỉ riêng đồng) trở nên ưa nước (hydrophilic) hoặc hút nước hơn. Điều này rất có ý nghĩa nếu kỹ thuật được áp dụng trong cấy ghép chỉnh hình, khi các tế bào xương sẽ tiếp xúc và gắn kết với bề mặt của phần ghép nhanh hơn. Vì thế, các nhà khoa học tin tưởng công nghệ của họ hoàn toàn có thể được nhân rộng, khá dễ dàng và không tốn kém, ra nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất thiết bị y tế.

Xem video:



Nguồn: