Bài viết được đăng tải trên CNN cho biết, dù các nhãn hiệu quốc tế đang thống trị thị trường làm đẹp cao cấp của Việt Nam thì điều đó cũng không thể cản bước Đỗ Duy Khánh và Đinh Phương Anh tạo ra một phân khúc riêng cho thương hiệu của họ - Skinlosophy.

Đỗ Duy Khánh chia sẻ, một thập kỷ trước, thị trường làm đẹp ở Việt Nam hoạt động theo hai thái cực. Một thái cực là "các sản phẩm công phu, dựa trên khoa học, được thiết kế tốt, đóng gói rồi bán ra thị trường" của các thương hiệu nước ngoài. Và thái cực còn lại là các sản phẩm "thô sơ, không tinh chế" của Việt Nam.

Nhiệm vụ của Skinlosophy là kết hợp những điểm mạnh của cả hai phong cách: sử dụng các quy trình khoa học, như lên men, chưng cất và đông đặc, để tinh chế các thành phần thảo dược cổ truyền được trồng ở châu Á.

Những túi thảo dược đang được các nhân viên Skinlosophy kiểm tra. Ảnh: Skinlosophy

Cả Đỗ Duy Khánh và Đinh Phương Anh đều xuất thân từ những gia đình có truyền thống trong lĩnh vực làm đẹp: Gia đình của Khánh chuyên nhập khẩu mỹ phẩm và điều hành một spa, trong khi gia đình của Phương Anh sở hữu một phòng khám Đông Y.

Xác định được một khoảng trống trên thị trường, hai doanh nhân trẻ (Duy Khánh 28 tuổi, Phương Anh 30 tuổi) đã bắt tay cùng nhau kinh doanh. Họ quyết định triển khai những bước đầu tiên bằng việc pha chế các công thức trong một căn phòng nhỏ ở nhà Phương Anh. Duy Khánh cho biết, các sản phẩm của họ được thiết kế để phù hợp với đặc điểm khí hậu nóng ẩm của Việt Nam – “chúng khô ráo, không làm tắc nghẽn lỗ chân lông và mang lại cảm giác dịu nhẹ trên da."

Và sản phẩm của họ đã trở thành hiện tượng. Năm 2016, nhu cầu của khách hàng đã vượt quá khả năng sản xuất của họ. Duy Khánh và Phương Anh quyết định rút toàn bộ tài khoản tiết kiệm, vay tiền, thiết lập một cơ sở được trang bị đầy đủ máy móc và vật dụng – cách trung tâm TP Hồ Chí Minh một giờ lái xe, và cho ra mắt thương hiệu Skinlosophy. Hiện tại, thương hiệu có 20 nhân viên và bán ra thị trường trung bình 1.000 sản phẩm mỗi tuần.

Sùng Thi May, một phụ nữ dân tộc H'Mông, thu hoạch các loại thảo mộc dùng để pha chế dầu gội Skinlosophy. Ảnh: Skinlosophy

Skinlosophy không phải là thương hiệu Việt Nam duy nhất trên thị trường hướng đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Naunau chuyên về nước hoa và nến thơm, họ tổ chức những buổi workshop tự-làm (DIY) nơi khách hàng học cách pha trộn dầu thơm và nước hoa, và tự chế bom tắm. Stone Hill là một doanh nghiệp chuyên cung cấp socola hữu cơ và các loại thực phẩm khác; họ còn làm xà phòng, đường tẩy tế bào chết và bơ dưỡng thể làm từ cacao.

Sự tăng trưởng của các công ty này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy doanh số các sản phẩm cao cấp trong chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân tại Việt Nam đã tăng hơn hai lần kể từ năm 2013. Thị trường này trị giá hơn nửa tỷ đô la vào năm ngoái và ước tính sẽ tăng lên 850 triệu đô la vào năm 2023.

Quá trình mở rộng này diễn ra vô cùng nhanh chóng, nhờ sự phát triển không ngừng của Việt Nam và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Theo Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm 13% trong tổng số 97 triệu dân và dự kiến sẽ đạt 26% vào năm 2026.

Sản phẩm của Skinlosophy có thành phần từ các nguyên liệu truyền thống như trà xanh, hồng sâm, tơ tằm và nấm linh chi. Ảnh: Skinlosophy.

Duy Khánh cho biết thêm, đối tượng khách hàng của anh phần lớn là phụ nữ đang đi làm trong độ tuổi từ 22 đến 30 - và 80% doanh số của Skinlosophy đến từ kênh bán hàng trực tuyến.

Nguyễn Thị Như Ngọc, giám đốc marketing của cơ quan nghiên cứu thị trường Kantar, cho biết Internet là nhân tố chính thúc đẩy thị trường mỹ phẩm của Việt Nam. Theo nghiên cứu của Kantar, 88% hộ gia đình thành thị và 38% hộ gia đình nông thôn hiện có thể truy cập Internet; với con số tương ứng sở hữu điện thoại thông minh là 95% và 69%.

Sản phẩm của Skinlosophy có thành phần từ các nguyên liệu truyền thống, bao gồm trà xanh, hồng sâm, tơ tằm và nấm linh chi.

“Các sản phẩm phổ biến nhất là sữa rửa mặt, thuốc trị mụn và các sản phẩm có công thức giúp cho da căng bóng và sáng mịn hơn", Duy Khánh cho biết.

Xu hướng ưu tiên các sản phẩm nước ngoài của người dân hiện nay là một trong những thách thức mà bộ đôi này phải đối mặt trong quá trình mở rộng thị trường. “Các thương hiệu nước ngoài chiếm hơn 90% thị phần trong lĩnh vực chăm sóc và làm đẹp tại Việt Nam", bà Ngọc nói và cho biết thêm, người tiêu dùng có xu hướng tin rằng các sản phẩm nhập khẩu có chất lượng tốt hơn.

“Rất khó để đương đầu với những gã khổng lồ trong việc giành lấy sự chú ý và tin tưởng từ công chúng”, Duy Khánh nói. Nhưng với một lượng khách hàng trung thành như hiện nay, anh hi vọng rằng Skinlosophy sẽ tiếp tục phát triển.

Nguồn: