Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM vừa nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình bào chế viên nang từ cao hỗn hợp trái mướp đắng, cây râu mèo và cây mắc cỡ (xấu hổ), có tác dụng hạ đường huyết.
Hiện nay, để điều trị bệnh tiểu đường, người bệnh sử dụng phổ biến các loại dược phẩm tây y đắt tiền như diamicron, glucophase, insulin,... Ngoài việc tiêu tốn kém, dùng thuốc tây y dài ngày thường để lại tác dụng phụ, đặc biệt là tổn hại đến gan và thận. Vì thế, xu hướng tìm kiếm nguồn thảo dược thay thế thuốc tây y đang được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu.
Râu mèo, mướp đắng, mắc cỡ là những loại cây thích hợp thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và có nhiều ở nước ta. Râu mèo vị đắng nhẹ, có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp,... Hai hợp chất có hàm lượng cao nhất trong cây râu mèo - rosmarinic acid và ursolic acid - ngoài tác dụng ức chế tiểu đường, còn có khả năng chống oxy hóa, kháng nhiều dòng tế bào ung thư.
Trái mướp đắng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, axit amino, protein, các chất oxy hóa,.. giúp điều hòa lượng đường trong máu, kháng khuẩn, diệt tế bào ung thư,...
Cây mắc cỡ vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng an thần, dịu cơn đau, long đờm, chống ho, hạ nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu. Cây chứa nhiều chất như mimosin, selen, flavonoid, acol, axit amin,... có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, giảm đau, giải độc, kháng khuẩn,…
Từ năm 2016, Ths Dương Thị Mộng Ngọc và cộng sự Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chiết xuất và thử tác dụng hạ đường huyết của cao râu mèo, mướp đắng và mắc cỡ”, cho thấy khả năng hạ đường huyết và an toàn khi sử dụng dài ngày. Để kế thừa kết quả nghiên cứu nói trên và với mong muốn có thể cung cấp sản phẩm mới từ dược liệu, hỗ trợ phòng bệnh tiểu đường, nhóm tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng công thức và quy trình bào chế viên nang cứng từ cao hỗn hợp râu mèo, mướp đắng và mắc cỡ”.
Hỗn hợp dược liệu khô gồm trái mướp đắng, toàn cây râu mèo và mắc cỡ được các nhà nghiên cứu chiết xuất cao toàn phần, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm nghiệm cơ sở. Từ đó, nhóm xây dựng thành công quy trình bào chế viên nang cứng quy mô 10.000 viên/lô. Viên nang được xây dựng tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của Dược điển Việt Nam V, có hạn dùng thực tế khoảng 43 tháng.
Nhóm cũng đã khảo sát tác dụng hạ đường huyết của viên nang trên chuột. Kết quả, viên nang thể hiện tác động hạ đường huyết ở liều 0,5g/kg và 1g/kg tương đương nhau và tương đương với đối chứng gilbenlamid 5mg/kg sau 5 và 10 ngày điều trị. Thử nghiệm tính an toàn của chế phẩm cho thấy, viên nang không thể hiện độc tính hay tác dụng phụ khi sử dụng.
Theo ThS Ngọc, do quy trình chiết xuất là nước, trang thiết bị đơn giản nên có thể áp dụng cho quy mô sản xuất lớn, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở sản xuất dược phẩm trong nước.