Những nghiên cứu về cây đơn đất của PGS.TS. Phạm Thế Chính và cộng sự ở trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên đã cung cấp góc nhìn khoa học đầy đủ hơn về một loài thảo dược quý đang dần mai một – cây đơn đất. Sản phẩm được bào chế từ cây đơn đất đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế và sớm tìm được đối tác thương mại hóa.

PGS Phạm Thế Chính cùng cộng sự trong phòng thí nghiệm.

Gợi mở từ bài thuốc tắm dân gian

Từ nhiều năm nay, người dân ven biển đồng bằng Bắc Bộ vẫn có thói quen dùng các loại cây lá khác nhau để trị hăm da, chống mụn nhọt và làm lành các vết thương nhỏ trên da trẻ sơ sinh. Một trong những loài thảo dược đó là cây đơn đất (tên khoa học là Wedelia chinensis Merr) - loài cây hoang dại cùng chi Wedelia, họ cúc Asteraceae với cây sài đất (Wedelia calendulacea), được di thực từ Ấn Độ, Trung Quốc sang Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy, cây đơn đất có khả năng kháng khuẩn tốt nhưng vẫn dịu nhẹ, không làm ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm và sức khỏe trẻ nhỏ. Cũng có vài bài thuốc dân gian khác dùng cây đơn đất trị cảm, sốt và bệnh gan.

Tuy nhiên, giữa một bài thuốc “truyền miệng” dân gian và một phương thức được khoa học kiểm chứng vẫn còn khoảng cách rất lớn mà nhà nghiên cứu cần phải làm rõ, không chỉ để xác nhận sự an toàn mà còn góp phần nâng cao giá trị sử dụng của các loài thảo dược. Đó là điều PGS.TS. Phạm Thế Chính và cộng sự tại trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên suy nghĩ từ lâu.

Ngoài ra, do thương lái nước ngoài thu mua và khai thác quá mức nên cây đơn đất trong tự nhiên hiện nay không còn nhiều, chủ yếu chỉ còn trong một số vườn thuốc ở Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. PGS.TS. Phạm Thế Chính cho rằng, “cần phải có nghiên cứu để chứng minh giá trị và bảo tồn cây đơn đất. Cách tốt nhất vẫn là tìm một phương thức đơn giản, hiệu quả cao để thương mại hóa cây dược liệu này, giúp người dân có thu nhập từ chính cây thuốc bản địa”.

Từ suy nghĩ trên, kết hợp với những kinh nghiệm dân gian, anh và PGS.TS. Phạm Thị Thắm (Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã quyết định nghiên cứu về bột tắm dược liệu từ cây đơn đất.

Qua quá trình tìm đọc các tài liệu liên quan về cây đơn đất, anh nhận thấy, “hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về cây này, trong khi trên thế giới có Trung Quốc, Ấn Độ nghiên cứu rất kỹ. Tuy nhiên, hầu hết các công trình của họ đều tập trung vào tác dụng bảo vệ gan là chính”. Bởi vậy, kể từ năm 2010, anh và cộng sự bắt đầu nghiên cứu hoạt tính sinh học của tinh dầu đơn đất để tìm ra cơ sở khoa học của các bài thuốc tắm dân gian chứa đơn đất.

Khi bắt tay vào việc, có rất nhiều vấn đề nảy sinh, có những vấn đề tưởng chừng đơn giản như định danh khoa học cây đơn đất. “Chúng tôi gửi mẫu định danh khoa học nhưng kết quả lại cho ra các tên khoa học khác nhau, cuối cùng phải căn cứ theo cách định danh của một nhóm Ấn Độ đã công bố về cây này”, PGS. TS Phạm Thế Chính nhắc đến những tỉ mỉ cần thiết của người làm nghiên cứu về dược liệu. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề mà các nhà nghiên cứu trẻ cần giải quyết. “Đầu tiên là thiếu mẫu nghiên cứu. Chúng tôi phải mượn đất của người dân để nhân giống. Thứ hai là thiếu kinh phí và trang thiết bị, nhóm nghiên cứu phải đi mượn hoặc tự góp kinh phí mua dần”, PGS.TS. Phạm Thế Chính kể lại về những điều mà anh và cộng sự gặp phải trong giai đoạn đầu nghiên cứu.

Sự chủ động xoay xở, tìm kiếm giải pháp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn đã giúp các nhà nghiên cứu gặt hái được nhiều kết quả sau một quá trình dài nghiên cứu về cây đơn đất: bắt đầu từ đề tài cơ sở năm 2010 cho tới đề tài cấp trường năm 2015. Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Thế Chính và PGS.TS Phạm Thị Thắm đã phát hiện ra dịch chiết, tinh dầu từ toàn bộ thân, rễ cây đơn đất đều có khả năng kháng khuẩn rất mạnh, đặc biệt là với các chủng vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm nguy hiểm với trẻ nhỏ như S. aureus và B. subtilis, trong đó, tinh dầu cây đơn đất có hoạt tính mạnh với chủng vi khuẩn B. Subtilis với giá trị IC50=17,34 (mg/ml). Thậm chí, ngay cả các cặn chiết cũng có khả năng ức chế mạnh trực khuẩn S. arenus ở nồng độ IC50=52,7μg/ml và B. subtililis ở nồng độ IC50=159,1 μg/ml. Hơn nữa, cặn chiết và tinh dầu của các bộ phận cây đơn đất đều có tính chống oxy hóa ở nồng độ IC50=198,6 μg/ml. “Chúng tôi đã phân lập và xác định cấu trúc của nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học mạnh làm cơ sở xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá và kiểm nghiệm hoạt tính của bột tắm sau này”, anh nói.

Những thông tin thú vị đó đã giúp nhóm nghiên cứu có được những công trình đầu tiên về cây đơn đất từ Việt Nam với một công bố trên tạp chí ISI và ba 3 công bố trên tạp chí trong nước (PGS.TS. Phạm Thị Thắm đồng tác giả với nhóm của Viện Hóa sinh biển, VAST).

Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu đã sớm tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo có căn cứ pháp lý khai thác thương mại kết quả nghiên cứu của mình.

Nhóm nghiên cứu ký kết chuyển giao công nghệ để sản xuất bột tắm dược liệu.

Hành trình từ bảo hộ đến thương mại hóa sáng chế

Dựa trên những dữ liệu thu được sau gần 6 năm nghiên cứu (2010-2016), PGS.TS. Phạm Thế Chính và cộng sự đã đề xuất một quy trình sản xuất bột tắm từ cây đơn đất tối ưu, đảm bảo giữ được các hoạt chất quý: sau khi được thu hoạch và xử lý sạch sẽ, cây đơn đất được phơi khô từng bộ phận rễ, thân, lá và hoa trong 18 tiếng (mỗi ngày 6 tiếng từ 9-15h) dưới điều kiện ánh nắng liên tục hoặc sấy ở nhiệt 45°C - mức nhiệt phù hợp để sản phẩm không bị mốc hoặc bay hơi tinh dầu. Các bộ phận cây sẽ được nghiền, trộn với tốc độ nghiền từ 4000 - 4500 vòng/phút và theo tỉ lệ khối lượng 5% bột rễ cây, 0,5% bột hoa cây và 94,5% bột thân và lá cây đơn đất; bước cuối cùng là đóng gói vào túi lọc.

Thoạt nhìn, quy trình trên có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, để tìm ra những điều kiện cụ thể từ khâu sơ chế tới phối trộn sao cho sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất, anh và cộng sự đã phải thực hiện rất nhiều nghiên cứu đánh giá hoạt tính theo thời gian thu hái, điều kiện bào chế như tốc độ nghiền, nhiệt độ nghiền, độ ẩm,... Đơn cử như thời gian phơi sấy dược liệu, nếu không đủ lâu theo công thức trên sẽ không đảm bảo được độ khô của dược liệu, nhưng nếu lâu hơn sẽ làm bay hơi tinh dầu có trong cây đơn đất và oxy hóa một số hoạt chất, làm giảm chất lượng sản phẩm.

Với tính sáng tạo và giá trị ứng dụng cao, quy trình sản xuất bột tắm dược liệu từ cây đơn đất của PGS.TS. Phạm Thế Chính và PGS.TS. Phạm Thị Thắm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2020. Để kiểm soát chất lượng và tránh hàng giả, nhóm nghiên cứu cũng công bố một tiêu chuẩn cơ sở TCCS 02:2016/ĐHKH về gia công và bào chế sản phẩm bột tắm từ cây đơn đất.

Tưởng chừng bằng sáng chế là yếu tố bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, song thực tế “những ngày đầu tìm doanh nghiệp nhận chuyển giao rất vất vả, vì đây là sản phẩm mới, đối tượng khách hàng hẹp nên không nhiều công ty mặn mà”, PGS.TS. Phạm Thế Chính kể lại. “Mọi người thường thích các sản phẩm nhanh như sữa tắm, còn bột tắm thì phải đun nước, nhắc đến đun là mọi người ngại rồi”, PGS.TS. Phạm Thị Thắm nói. Vậy làm thế nào để hai bên “bắt tay” với nhau? Hiệu quả của sản phẩm và sự nhạy bén với thị trường của nhóm nghiên cứu là yếu tố quan trọng để thuyết phục doanh nghiệp. “Mình nói thẳng luôn với họ, sản phẩm có phản hồi tốt nhưng giá đầu vào cao, khó phân phối lớn, chỉ làm vừa phải thì ổn, làm lớn sẽ thua lỗ”, chị nói.

Sau những nỗ lực như thế, đến năm 2017, sản phẩm bột tắm dược liệu từ cây đơn đất đã được chuyển giao cho công ty TNHH TM và DV XNK An Đức và hiện đang được phân phối ở các hiệu thuốc và một số địa chỉ trên facebook, các website bán hàng trực tuyến như Shopee, Sendo. Rất nhiều bình luận phản hồi của người dùng bột tắm này cho con nhỏ cho biết “đã sạch hết các nốt mẩn ngứa”, “tắm xong mùa hè cũng không bị rôm sảy”, thậm chí có người bị viêm da cơ địa lâu năm, sau khi dùng “đã khỏi hoàn toàn, tay không còn bị nứt nẻ”.

Sản phẩm bột tắm dược liệu đơn đất của PGS.TS. Phạm Thế Chính và PGS.TS. Phạm Thị Thắm đã được thương mại hóa trên thị trường.

Thành công của bột tắm dược liệu không chỉ là cơ sở để PGS.TS. Phạm Thế Chính tạo ra những sản phẩm mới như mặt nạ dưỡng da từ bột đơn đất, “hiện đã được thương mại hóa và cũng nhận được phản hồi rất tốt từ người tiêu dùng”. Để có được sự thành công từ nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩm, nhóm tác giả đã sử dụng hữu hiệu công cụ sở hữu trí tuệ để tạo nguồn vốn tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu. Trên hết, “những kết quả ứng dụng giúp chúng tôi ‘nuôi’ nghiên cứu cơ bản, có điều kiện thực hiện nhiều nghiên cứu bài bản hơn về cây đơn đất trong lúc kinh phí đầu tư còn eo hẹp”, anh nói về giá trị mà những sản phẩm ứng dụng như bột tắm từ cây đơn đất đem lại cho mình và cộng sự.

Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn thông điệp kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới là “Innovate for a Green Future - Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh" với mục tiêu tạo ra một chiến dịch lấy đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo làm trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Báo KH&PT trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách phát triển tài sản SHTT, giới thiệu các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ và ứng dụng vào thực tiễn nhằm góp phần phát triển bền vững và mở ra con đường dẫn đến tương lai xanh cho đất nước.