Bài toán lúc này đối với ngành dệt - may là nâng cao năng suất lao động cá nhân và nhóm. Để đạt điều đó, công nghệ thông tin đóng vai trò quyết định với việc xây dựng quy trình lao động chuẩn xác, giảm thao tác thừa, bất hợp lý.

Đối với mọi ngành kinh tế, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 luôn là một ảnh hưởng kép với cơ hội và thách thức. Với ngành dệt - may, đã có không ít cảnh báo về nguy cơ như dôi dư lao động, mất vai trò “công xưởng” của thế giới do lao động giá rẻ không còn là lợi thế quan trọng... Tuy nhiên, với chuyên đề này, chúng tôi muốn nói đến cơ hội của ngành dệt - may, bởi nếu kịp thời nắm bắt, cơ hội đó không hề nhỏ.


Về tổng giá trị xuất khẩu dệt - may, Việt Nam đứng thứ tư thế giới - chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt - may đạt 28,3 tỷ USD, đóng góp 15% vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngành này mang lại 2,5 triệu việc làm tại 5.000 doanh nghiệp.

Nhấn mạnh ví trị của ngành trong nền kinh tế, Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giày và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội - kể: “Cách đây không lâu, một giáo sư Mỹ nói với tôi rằng tại sao Việt Nam không đầu tư mạnh vào dệt - may thay vì đầu tư quá nhiều vào điện tử, ôtô; trong khi trên bản đồ ngành dệt - may của thế giới, Việt Nam đã có chỗ đứng, còn về điện tử hay ôtô thì chúng ta không thể so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản? Theo ông, ngành dệt - may tuy lợi nhuận không cao nhưng nếu đầu tư tốt từ gốc đến ngọn, chắc chắn giá trị hưởng lợi không hề nhỏ. Tôi thấy quan điểm này rất chính xác!”.

Nhiều dự đoán về sự thay thế nhân công dệt - may bằng máy móc thời 4.0 đã được đưa ra, như dự đoán của Tổ chức Lao động quốc tế rằng sau 2 thập kỷ nữa, 86% nhân công dệt - may Việt Nam sẽ bị máy móc thay thế. Tuy nhiên, PGS Thảo lại cho rằng, nhu cầu may mặc sẽ tiếp tục tăng và định hướng của ngành dệt - may Việt Nam sẽ kết hợp giữa đặc thù nguồn lao động dồi dào với trình độ phát triển công nghệ của thế giới.

Bài toán lúc này là nâng cao năng suất lao động cá nhân và nhóm. Để đạt điều đó, công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò quyết định với việc xây dựng quy trình lao động chuẩn xác, giảm thao tác thừa, bất hợp lý.


Còn PGS Kim Eui Hwa - khoa Kỹ thuật vật liệu dệt - may, Đại học Shinhan, Hàn Quốc - khẳng định, việc áp dụng sản xuất thông minh, tối ưu quy trình sản xuất bằng giải pháp CNTT sẽ tạo ra sự thay đổi ngoạn mục cho những xưởng may vẫn sử dụng nhiều nhân công mà năng suất lao động chỉ đạt khoảng 70%. Điều đó có nghĩa là dư địa tăng năng suất của dệt - may Việt Nam sẽ rất lớn bởi theo các chuyên gia, năng suất lao động trung bình của ngành hiện là 50-60%.

Để không bỏ lỡ cơ hội đó, ngành dệt - may rất cần các công cụ, giải pháp về CNTT. Tuy nhiên theo PGS Thảo, hiện các chuyên gia CNTT chưa mấy quan tâm đến việc xây dựng phần mềm phục vụ may mặc bởi coi đây là nghề lao động chân tay: “Ngay cả Tập đoàn công nghệ CMC - đơn vị đang cung cấp giải pháp “mây hóa” (áp dụng điện toán đám mây trong quản lý, vận hành doanh nghiệp) cho ngành dệt - may - cũng từng rơi vào tình trạng quan tâm đến mọi ngành, trừ ngành này. Vậy là doanh nghiệp phải mua của nước ngoài với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đôla. Giá đắt nhưng phần mềm không tương thích 100% do sự khác biệt về thao tác, hành động, sức khỏe của người lao động Việt Nam”.

Thực tế này đòi hỏi sự kết nối tốt hơn giữa các doanh nghiệp dệt - may và doanh nghiệp CNTT, bởi nhu cầu của ngành dệt - may về những công cụ giúp tận dụng cơ hội mà cách mạng 4.0 đem lại cũng chính là cơ hội để ngành CNTT phát triển thêm sản phẩm, mở rộng khách hàng.