Đó là chia sẻ của ông Vũ Tuấn Anh - Trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng Hoa Sen Group tại buổi tọa đàm “Mô hình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hướng đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 18/5.


Thay đổi nhận thức để sẵn sàng hành động

Ông Tuấn Anh cho rằng, đứng trước kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0, quan trọng nhất là vấn đề tâm thế, mà đầu tiên là phải ở cấp lãnh đạo. Phải thay đổi nhận thức từ sở hữu sang chia sẻ, vận hành sang đổi mới kiến tạo, từ phức tạp, bất định sang đơn giản, căn bản…

Chỉ ra 6 vấn đề sẽ làm lão hóa doanh nghiệp, ông Tuấn Anh phân tích: Khách hàng, tiếp cận khách hàng, sản phẩm - dịch vụ, triết lý kinh doanh, quy trình và nhân lực... là 6 vấn đề doanh nghiệp cần thường xuyên chẩn đoán

"Sáu mục này mà không thay đổi thì doanh nghiệp đang gặp vấn đề. Nếu thấy "lão hóa", doanh nghiệp phải tái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thì mới tồn tại được" - ông Tuấn Anh nói.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TPHCM phát biểu khai mạc
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - phát biểu khai mạc tọa đàm.

Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo từ Hàn Quốc, ông Kim Eung Jin - Công ty Nemo Partnes Innovation Consulting Group - cho biết, hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0, từ năm 2010, Hàn Quốc đã tập trung vào các ngành sản xuất. Các doanh nghiệp bắt đầu thay đổi chiến lược, công nghệ nên có bước phát triển mạnh mẽ. Chiến lược của Hàn Quốc là mở rộng các nhà máy thông minh để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 10.000 nhà máy thông minh đáp ứng được xu thế mới.

Là một nước được đánh giá hàng đầu về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và hiện có 18 trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đắc lực cho các dự án khởi nghiệp về ý tưởng, thị trường, tài chính và chiến lược marketing toàn cầu.

"Sự hỗ trợ của Chính phủ, các tập đoàn lớn cho các ý tưởng sáng tạo đang được thực hiện khá tốt và có hiệu quả tại Hàn Quốc - ông Kim chia sẻ.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Theo ông Nguyễn Tuấn Thành - Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn, đổi mới sáng tạo phụ thuộc chính vào doanh nghiệp, nhưng cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Ông Thành cho biết, Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn thành lập Quỹ Phát triển KH&CN từ năm 2013 với tỉ lệ trích quỹ từ 3-10% lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ chỉ thực sự bắt đầu từ nửa cuối năm 2016, hiện còn tồn tới 60 tỷđồng. Nguyên nhân của tình trạng này là do còn nhiều vướng mắc trong thủ tục tài chính.

Ông Vũ Tuấn Anh chia sẻ ý kiến về chuẩn bị tâm thế cho cách mạng công nghiệp 4.0
Ông Vũ Tuấn Anh chia sẻ ý kiến về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để phát triển mô hình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, ông Ngô Mạnh Dũng – Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật thương mại Nhất Tinh - cho rằng, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và viện, trường cũng rất quan trọng nhưng hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một thực tế là các nghiên cứu của viện, trường còn khá xa rời thực tế hoặc tính ứng dụng không cao do mức độ hoàn thiện để tạo ra sản phẩm còn thấp. Vì vậy doanh nghiệp khó có thể ứng dụng các kết quả nghiên cứu này.

Ông Dũng cho rằng, ngoài những chính sách khuyến khích mở rộng mô hình hợp tác doanh nghiệp, trường, viện, Nhà nước cần xác định và định hướng một cách cụ thể hơn những sản phẩm và thị trường mục tiêu; tập trung vào những ngành KH&CN nền tảng để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong nước, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tập trung.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, 70% ngân sách khoa học của thành phố được tập trung đầu tư cho các ngành trọng điểm. Doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, hợp tác, chia sẻ với nhau, với các viện, trường và tìm ra hướng đi riêng để tạo ra những sản phẩm mới, công nghệ mới.