Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) đang là lợi thế cho Việt Nam, cần phải tận dụng triệt để cơ hội này. Vì thế, các tư vấn của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) Quốc gia cần đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động thời gian tới.
Góp ý này được nhiều đại biểu nêu trong phiên họp tổng kết nhiệm kỳ 2012-2016 của Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia ngày 16/6 tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc, GS Hoàng Văn Phong - Chủ tịch Hội đồng - cho rằng đây là dịp để các thành viên đánh giá lại quá trình hoạt động để thấy rõ những kết quả đã đạt được, những điều đã làm và chưa kịp làm, từ đó cùng góp ý để đưa ra những giải pháp, xây dựng kế hoạch để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Báo cáo kết quả giai đoạn 2012- 2016, TS Nguyễn Đình Minh – Tổng Thư ký Hội đồng - cho biết các hoạt động của hội đồng luôn được lên kế hoạch rõ ràng, được chuẩn bị nội dung cụ thể, chu đáo, nhiều sáng tạo và đổi mới, đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, xác đáng, phù hợp với tình hình phát triển KH&CN, kinh tế - xã hội.
“Đặc biệt, theo chức năng nhiệm vụ, hội đồng đã tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cấp bách đang được xã hội quan tâm, hay những vấn đề mang tính chiến lược, dài hạn nhằm thúc đẩy phát triển KH&CN, gắn trực tiếp KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội theo chiều rộng và chiều sâu… Hoạt động tư vấn theo yêu cầu cũng được thực hiện với hình thức đa dạng hơn, trong đó có tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ thông qua các văn bản xin ý kiến của các bộ, ngành…” – TS Minh cho biết.
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chung về KH&CN, hội đồng cũng có nhiều đóng góp theo chuyên đề cụ thể đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhân lực KH&CN, bảo vệ và phát triển kinh tế biển đảo, biến đổi khí hậu, phát triển khoa học sự sống, đổi mới công nghệ…
Tại phiên họp, các thành viên hội đồng đồng tình với những kết quả được nêu trong báo cáo, đồng thời đưa ra nhiều góp ý. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng trong kế hoạch hoạt động của hội đồng thời gian tới, các tư vấn, góp ý cần tập trung vào việc tham mưu, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Industry 4.0, năng lượng tái tạo...
Cho rằng những kết quả hội đồng đã đạt được rất đáng trân trọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chỉ ra nhiều bằng chứng thực tiễn. Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc định hình chính sách, hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế về KH&CN, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển KH&CN. Cụ thể, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ đều thể hiện vai trò, sứ mệnh phát triển KH&CN đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Bộ trưởng, những kết quả này thể hiện vai trò tham mưu của Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia.
Trong bối cảnh phát triển giai đoạn tới, khi đất nước bước vào hội nhập sâu cùng với cuộc cách mạng 4.0, đổi mới mô hình tăng trưởng, vai trò của KH&CN có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các thành viên hội đồng trong việc định hướng, điều chỉnh chính sách để đẩy nhanh việc đưa các kết quả nghiên cứu KH&CN đi vào cuộc sống.
Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia hiện có 39 thành viên được chia thành 6 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - khoa học chính trị, kinh tế - tài chính, khoa học - kỹ thuật, y sinh. Ngoài ra hội đồng đã mời một số nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm từng tham gia quản lý nhà nước, doanh nghiệp... làm chuyên gia cao cấp.
Trong 4 năm qua, hội đồng đã đóng góp ý kiến đối với gần 30 văn bản, từ chủ trương, đường lối của Đảng đến các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trong quản lý điều hành của Chính phủ, các thông tư, quyết định hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương...
Hội đồng đã tổ chức 21 đoàn đi khảo sát thực tiễn hoạt động KH&CN tại nhiều địa phương nhằm trao đổi, bàn bạc, đóng góp các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy quá trình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
|