Sản xuất tại Trung Quốc với quy mô lớn và giá thành rẻ từng là thế mạnh của Apple, nhưng tình hình nay đã khác - do dịch bệnh và do cả căng thẳng Mỹ - Trung.

Mỗi năm, những tính năng ấn tượng và hình ảnh đẹp mắt nhất về thế hệ iPhone mới được đưa ra thế giới từ "mặt tiền" của Apple là Apple Park tại Thung lũng Silicon. Cùng lúc đó, hàng chục triệu chiếc iPhone sẽ đến tay người tiêu dùng được lắp ráp tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Apple đã trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất trong thời đại toàn cầu hóa bằng cách tích hợp liền mạch hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng năm nay, iPhone 14 ra mắt không suôn sẻ. Đây là hậu quả mới nhất của việc gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách "không Covid-19 bằng mọi giá" của Trung Quốc và căng thẳng Mỹ - Trung. Tình hình này buộc Apple phải xem lại hoạt động kinh doanh.

Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu được mệnh danh là "thành phố iPhone" với sức chứa lên đến 350.000 công nhân. Ảnh: Globaltimes.

Đợt bùng phát COVID-19 ở khu vực lân cận Foxconn, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất của Apple ở Trịnh Châu, đã khiến các quan chức địa phương ra lệnh phong tỏa 7 ngày vào cuối tháng Mười. Kết quả, Foxconn cho biết sẽ không thể sản xuất đủ iPhone để đáp ứng nhu cầu của mùa nghỉ lễ như đặt hàng ban đầu của Apple.

Về phía Mỹ, Bộ Thương mại gần đây đã cấm các công ty Mỹ bán máy móc cho công ty sản xuất chip nhớ Yangtze Memory Technology Corporation (YMTC), ngay khi Apple vừa đàm phán với công ty này để mua linh kiện cho dòng sản phẩm iPhone 14. Apple từ chối bình luận khi được hỏi liệu công ty có hủy hợp tác với YMTC hay không.

Mối quan hệ chặt chẽ của Apple với Trung Quốc, từng được coi là thế mạnh kinh doanh, bây giờ đang gây ra một số gánh nặng. “Địa chính trị thúc đẩy các mô hình kinh doanh chứ không phải ngược lại. Những gì từng là lợi thế chuỗi cung ứng đang tạo ra gánh nặng cho Apple”, Matthew Turpin, nhà nghiên cứu Mỹ - Trung tại Viện Hoover, cho biết.

Trong vài thập kỷ trở lại đây, tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Nhưng đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng trước đã nói rõ rằng bây giờ các vấn đề an ninh và ý thức hệ sẽ được ưu tiên hơn kinh doanh.

Giá đắt của sự phụ thuộc

Chính sách “không Covid-19” đã làm chậm sản lượng và kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng chịu áp lực từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và thị trường, đòi hỏi nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Dù vậy, không có vẻ gì Trung Quốc sẽ đổi ý. Trong tình hình này, Apple chắc chắn sẽ bị giảm doanh thu trong mùa nghỉ lễ, theo Jeff Fieldhack, nhà phân tích của công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint Research, cho biết.

Sẽ rất khó để Apple tách rời khỏi Trung Quốc. Công ty đã dành hai thập kỷ làm việc với các đối tác sản xuất, xây dựng các nhà máy khổng lồ vận hành dựa trên một mạng lưới cung ứng rộng lớn ở đây. Theo thời gian, Apple thậm chí đã thêm nhiều bộ phận "made in China" vào các sản phẩm để giảm giá thành.

Chip bộ nhớ do YMTC sản xuất có thể giảm chi phí sản xuất iPhone của Apple. Ảnh: Nytimes.

Apple đã bắt đầu sản xuất một lượng nhỏ dòng iPhone mới nhất ở Ấn Độ. Một số sản phẩm khác thì được hãng chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Nhưng cả hai thị trường này chỉ có các nhà máy với khoảng vài chục nghìn công nhân, không thể so sánh quy mô khoảng 3 triệu công nhân mà Apple đang sử dụng ở Trung Quốc.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Apple cần các nhà máy như Foxconn ở Trịnh Châu. Khi bị phong tỏa, Foxconn đã bố trí khoảng 200.000 công nhân ăn nghỉ và làm việc tại chỗ. Khi hoạt động ở công suất tối đa, nhà máy này có thể sản xuất khoảng 85% iPhone trên toàn thế giới, theo Counterpoint Research. Không lâu sau khi COVID-19 bắt đầu lây lan, Foxconn gặp khó khăn trong việc cân bằng sản xuất với chính sách kiểm dịch cực kỳ nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Khi những câu chuyện về tình trạng bất ổn và thiếu lương thực tràn ngập trên mạng xã hội Trung Quốc, người lao động bắt đầu lo sợ cho tính mạng của mình. Hàng trăm người bỏ việc. Foxconn ban đầu trả cho công nhân thêm 14 USD/ngày để tiếp tục làm việc. Sau đó, con số này lên đến 55 USD/ngày nhưng vẫn không thuê được đủ người. Hệ quả là “công suất giảm đáng kể”, Apple cho biết. Không rõ khi nào nhà máy mới có thể hoạt động hết công suất trở lại.

Tình trạng gián đoạn ở Trịnh Châu buộc Apple phải cảnh báo các nhà đầu tư lần thứ ba trong 3 năm rằng doanh số bán hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình Covid-19 ở Trung Quốc.

Chịu giám sát chặt chẽ từ Mỹ

Trong khi bị các chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh làm gián đoạn sản xuất, Apple vẫn bị Washington theo dõi từng linh kiện đi vào sản phẩm. Bộ nhớ là một trong những thành phần đắt nhất của chiếc iPhone, chiếm khoảng 25% chi phí. Apple tìm cách cắt giảm chi phí này bằng cách bắt tay với YMTC. Nhưng tầm quan trọng của YMTC đối với Trung Quốc đã khiến nó trở thành mục tiêu mà giới an ninh Mỹ nhắm đến.

YMTC được thành lập vào năm 2016 với khoản đầu tư 2,9 tỷ USD của chính phủ, với nhiệm vụ giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip nước ngoài.

Cuối năm 2020, một nhóm do James Mulvenon, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại nhà thầu quốc phòng Mỹ SOS International, đã "bóc mẽ" các mối liên hệ của YMTC với các tổ chức bán sản phẩm cho quân đội Trung Quốc, thông qua công ty mẹ Tsinghua Unigroup.

Trình bày với chính quyền Mỹ, Mulvenon cho rằng các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc là yếu tố giúp YMTC có lợi thế về giá cả so với các đối thủ cạnh tranh, và Apple không nên "tập hợp toàn bộ chuỗi cung ứng bên trong một quốc gia là mối đe dọa an ninh mạng lớn nhất đối với Mỹ".

Vì vậy, các nhà lập pháp Mỹ, gồm Thượng nghị sĩ Chuck Summer và Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã gửi thư thúc giục chính quyền của tổng thống Biden điều tra các kế hoạch hợp tác với YMTC của Apple, lo ngại rằng Apple đã hỗ trợ công ty này tuyển dụng kỹ sư từ phương Tây để cải thiện sản xuất.

Apple sau đó đã tìm cách trấn an các nhà lập pháp, nói rằng sẽ chỉ sử dụng bộ nhớ YMTC cho iPhone bán ở Trung Quốc. Nhưng mối lo ngại lớn hơn mà các nhà lập pháp Mỹ chỉ ra là bất kỳ giao dịch mua nào từ YMTC sẽ ảnh hưởng đến thị trường chip nhớ.

Cuối cùng YMTC đã bị Mỹ liệt vào danh sách hạn chế xuất khẩu, cùng với 30 công ty khác được cho là có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Lệnh cấm khiến YMTC không mua được các máy móc thiết yếu để xây nhà máy mới ở Vũ Hán như kế hoạch ban đầu, và khó làm việc với một công ty như Apple.

“Nếu Tim Cook hiểu được những rủi ro mà YMTC gây ra cho an ninh Mỹ, công ty của ông ta nên cam kết rõ ràng ngừng hợp tác với YMTC", Rubio tuyên bố với The New York Times sau khi Apple không trả lời có còn hợp tác với YMTC hay không.

Nguồn:

https://www.nytimes.com/2022/11/07/business/apple-china-ymtc.html

https://www.business-standard.com/article/technology/apple-built-its-empire-with-china-now-its-foundation-is-showing-cracks-122110801111_1.html