Nhóm tác giả Lê Tấn Đức, Nguyễn Trung Hướng, Lương Thành Đạt – sinh viên Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM - đã sáng chế ra robot với mục đích phục vụ nhu cầu quản lý, hỗ trợ, giải trí … trong gia đình.

Robot có 3 phần chính, gồm đầu, thân và đế. Phần thân được thiết kế nhỏ gọn bên trong là các module, driver, board mạch điều khiển. Đế gồm 2 bánh xe điều hướng và một bánh tự lượn giúp robot di chuyển linh hoạt hơn. Màn hình cảm ứng hiển thị và tương tác với người dùng được đặt trên đầu robot với 2 trục quay ở cổ, tạo điều kiện phù hợp khi giao tiếp với người dùng ở các vị trí và chiều cao khác nhau.

Tốc độ tối đa của robot là 0,9 km/giờ. Robot có khả năng nhận diện khuôn mặt người, được thiết kế với phía trước mặt là camera xử lý hình ảnh và nhận diện được người đối diện là ai dựa trên thuật toán do nhóm lập trình. Với tính năng này, robot sẽ biết được người dùng có phải là người trong gia đình hay không, từ đó có thể giới hạn được người sử dụng (vì chỉ có người trong gia đình mới điều khiển được robot). Ngoài ra robot có thể đi học thay cho các bạn học sinh bị bệnh nặng, không có khả năng đến lớp. Theo đó, robot sẽ đến lớp học và truyền âm thanh, hình ảnh tại lớp học về cho người bệnh.

Đặc biệt hơn là robot có khả năng phát hiện trượt ngã cho người cao tuổi thông qua thiết bị nhỏ gắn trên người. Khi người nhà gặp sự cố té ngã, thiết bị sẽ truyền tín hiệu về robot. Từ đó, robot phát ra tiếng động cảnh báo đồng thời gọi điện báo cho người thân, họ có thể điều khiển robot di chuyển thông qua internet và quan sát trạng thái người gặp sự cố nhờ camera gắn trên robot để biết tình trạng cũng như vị trí, từ đó đưa ra cách xử lý thích hợp.

Nhóm tác giả bên robot đã hoàn thiện. Ảnh: Tấn Đức

Ngoài ra, robot còn có chức năng kể truyện thông qua các một danh sách truyện cổ tích đã được nhóm lưu sẵn trong robot. “Tụi em thấy trẻ em rất thích nghe kể truyện trước khi ngủ, robot sẽ thay phụ huynh kể truyện một cách sinh động hơn cho trẻ để phụ huynh có thời gian làm những công việc khác”, theo chia sẻ hào hứng của bạn Lê Tấn Đức, đại diện nhóm tác giả. Bên cạnh những tính năng trên, robot này còn có thể làm được nhiều việc khác như dự báo thời tiết, các công việc lặt vặt khác trong nhà ...

Với mong muốn sản phẩm sẽ phục vụ cho cuộc sống con người ngày càng thoải mái và hiện đại hơn, nhóm vẫn tiếp tục nâng cấp thêm nhiều tính năng cho sản phẩm. Cụ thể như phát triển nhiều ngôn ngữ để người dùng có thể lựa chọn, thiết kế phần vỏ robot thẩm mỹ hơn, tăng thời gian hoạt động cũng như thêm một số tính năng theo yêu cầu của từng gia đình.

Được đánh giá là ứng dụng tốt trong các gia đình nhiều thế hệ vì robot có các tính năng phù hợp với trẻ em và cả người cao tuổi. Với giá thành từ 8 – 10 triệu cùng với những tiện ích từ nhiều chức năng mang lại, theo đánh giá là phù hợp để có thể thương mại. Thời gian tới, robot sẽ được thử nghiệm tại một số gia đình để tiếp tục hoàn thiện thêm.

Đề tài đã đạt giải nhì giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2017.