Vì sao xe đạp lại bùng nổ?
Xe đạp là một phương tiện khá tiện dụng khi di chuyển trong những quãng đường ngắn, đồng thời cũng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và tiện thể rèn luyện sức khoẻ.
Thực ra ý tưởng chia sẻ xe đạp đã xuất hiện từ rất lâu, có lẽ bắt đầu từ mùa hè năm 1965, trong kế hoạch xe đạp trắng của thành phố Amsterdam (White Bicycle Plan). Trong đó, cho phép một người có thể sử dụng xe đạp của hệ thống sau đó có thể trả lại ở bất cứ đâu mà không cần khoá, điều này đã tăng tính cơ động cho người dân khi di chuyển nhiều. Nhưng dịch vụ này chỉ bắt đầu nở rộ khi có sức mạnh của công nghệ thông tin.
Năm 2015 đã ghi nhận số lượng xe đạp chia sẻ cán mốc 1 triệu chiếc, và sơ bộ có đến hơn 900 hệ thống chia sẻ xe đạp đang được vận hành trên toàn thế giới. Và hiện tại, 3/4 số lượng xe đạp chia sẻ là tại Trung Quốc.
Có thể thấy, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 này, công nghệ được ứng dụng mọi nơi. Chưa nói đến cao siêu như trí tuệ nhân tạo, robot, hay in 3D, hoặc thấp hơn như xe cộ hiện đại, phương tiện không người lái, trực thăng... mà ngay cả xe đạp, một phương tiện thô sơ, cũng trở thành đối tượng của cuộc chiến giữa các cường quốc công nghệ.
Năm 2015 đã ghi nhận số lượng xe đạp chia sẻ cán mốc 1 triệu xe, và sơ bộ có đến hơn 900 hệ thống chia sẻ xe đạp đang được vận hành trên toàn thế giới. Ảnh: TL
Trung Quốc lấn sân công nghệ ngay tại Mỹ
Trung Quốc trước đây được biết đến là quốc gia sản xuất hàng giá rẻ, thì nay đã nổi lên thành một quốc gia sáng tạo công nghệ lớn. Gần đây quốc gia này đã đưa ra kế hoạch trở thành một siêu cường trí tuệ nhân tạo vào năm 2030, với những ưu đãi đặc biệt từ chính phủ và mức tài trợ rất lớn cho ngành trí tuệ nhân tạo.
Chính những chính sách cho vay cởi mở của Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc phát triển, như một nhà đầu tư mạo hiểm đã phải thốt lên rằng: “Đã từng không có nhiều vốn vay cho các công ty khởi nghiệp. Nhưng bây giờ thì rất nhiều, thậm chí dư thừa”. Chính điều này đã khiến các công ty công nghệ cao của Trung Quốc tự tin ra mặt cạnh tranh với nhiều đối thủ như Mỹ và Liên minh châu Âu, ngay tại trên chính sân nhà của đối thủ trong kỷ nguyên thông tin.
Một mặt, chính quyền Trung Quốc bảo hộ các công ty công nghệ tại thị trường nội địa. Mặt khác, lại khuyến khích các ông lớn về công nghệ của Trung Quốc thâm nhập và gia tăng sự hiện diện tại nước ngoài, trong đó có Mỹ, thông qua việc rót tiền đầu tư hoặc mua lại các công ty công nghệ của Mỹ, nhằm mở rộng chân trời của họ, lôi kéo các tài năng hàng đầu và đạt được lợi thế cạnh tranh.
Năm ngoái, theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu Rhodium Group, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 45,6 tỷ USD vào các công ty Mỹ, tăng gấp ba lần so với năm 2015.
Hy vọng Việt Nam!
Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, không tính đến các quốc gia đã phát triển và có nền tảng công nghệ trên thế giới, ngay tại ASEAN, chính phủ các nước như Singapore với chương trình Go Digital, hay Malaysia với Digital Hub, và Malaysia Tech Entrepreneur Programme… đều cố gắng đưa ra các chương trình hỗ trợ cộng đồng công ty công nghệ nội địa, để qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp cũng đã bắt đầu nở rộ những năm gần đây. Không thiếu các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, các chương trình, đưa tin của báo, đài.
Tuy nhiên, cái cốt lõi là các hỗ trợ từ chính phủ, việc cập nhật các hành lang pháp lý cho khởi nghiệp, có lẽ lại là điều Việt Nam đang thiếu. Các mô hình kinh doanh của công ty khởi nghiệp công nghệ hầu hết là đều rất mới, các hình thức đầu tư, huy động vốn cũng có những thay đổi, tuy nhiên khung pháp lý cho các mô hình này lại chưa được cập nhật.
Thế nên, các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay phải làm nhiều cách, thậm chí phải “lách luật” để huy động vốn, huy động nguồn lực. Với những chuyển động từ cấp vĩ mô gần đây, doanh nghiệp hy vọng một không gian đủ thuận lợi cho sáng tạo Việt Nam, bắt đầu từ năm 2018!