Công ty đầu tư mạo hiểm Miyako Capital trực thuộc Đại học Kyoto vừa thành lập một quỹ mới, dự kiến sẽ huy động khoảng 20 tỷ yên (141 triệu USD) để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp liên quan đến công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.

Miyako Capital đã đầu tư vào hơn 50 công ty, bao gồm cả công ty khởi nghiệp y học tái tạo StemRIM. (Ảnh: StemRIM)
Miyako Capital đã đầu tư vào hơn 50 công ty, bao gồm cả công ty khởi nghiệp y học tái tạo StemRIM. (Ảnh: StemRIM)

Đây sẽ là một trong những quỹ mạo hiểm lớn nhất thuộc loại này ở Nhật Bản, bơm từ 500 triệu đến 1 tỷ yên vào mỗi công ty khởi nghiệp.

Quỹ của Miyako Capital và Đại học Kyoto dự kiến sẽ dành một nửa nguồn lực cho các công ty khởi nghiệp về sinh học và khoa học sự sống, nửa còn lại cho các công ty AI và điện tử.

Miyako Capital sẽ thuê thêm nhân viên có kinh nghiệm để đánh giá các công nghệ tiên tiến này.

Công ty cũng sẽ hợp tác với các trường đại học khác để săn lùng startup tương tự trên cả nước.

Một nửa số tiền huy động được lần này của Miyako Capital đến từ hai quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn là Tập đoàn Đầu tư Nhật Bản và Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản. Nửa còn lại đến từ các nhà đầu tư khác như Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản và Ngân hàng Shiga.

Theo Miyako, các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu thường có đặc điểm là phải theo đuổi các nghiên cứu cơ bản, nghĩa là họ cần có thời gian để phát triển và các nhà đầu tư sẵn sàng đi một chặng đường dài với họ.

Kể từ khi thành lập vào năm 2013, Miyako Capital đã hỗ trợ hơn 50 công ty, chủ yếu là những công ty sử dụng nghiên cứu do Đại học Kyoto thực hiện. Quỹ đã thành công trong việc thu hồi vốn từ 5 trong số 50 dự án trên, trong đó có công ty y học tái tạo StemRIM.

Khoảng 30% quỹ của Miyako Capital hiện đang được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nghiên cứu bên ngoài Đại học Kyoto.

Ngoài Đại học Kyoto, Nhật Bản cũng có một công ty đầu tư mạo hiểm khác liên kết với Đại học Tokyo mang tên Tokyo Edge Capital Partners. Công ty này đã ra mắt một quỹ trị giá hơn 30 tỷ yên vào năm 2021 để đầu tư vào các công nghệ dựa trên những thách thức khoa học hoặc kỹ thuật quan trọng (công nghệ sâu).

Nhật Bản đưa ra mục tiêu thúc đẩy các công ty khởi nghiệp công nghệ sâu trong kế hoạch 5 năm của mình. Các nhà lãnh đạo nhận thấy một trong những thách thức chính của tiến trình này là tạo ra một khuôn khổ cho phép các công ty khởi nghiệp hợp tác với các tập đoàn lớn, bao gồm cả hợp tác về sản xuất và phân phối.

Nguồn: