Trong một hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận
Nước.Solutions (từ Silicon Valley, Mỹ), Đại học Fulbright Việt Nam đã nhận được tài trợ quốc tế cho sáng kiến xây dựng chatbot "NướcGPT" kết hợp các công cụ AI với giao diện người dùng bằng tiếng Việt để hỗ trợ quản lý nước, đặc biệt là xâm nhập mặn.
Nhóm dự án sẽ huấn luyện các mô hình GPT3.5 và GPT4 bằng cách sử dụng dữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau - gồm các tài liệu tổng quan, báo cáo địa phương, nghiên cứu thực địa và các giải pháp công nghệ. Người dùng có thể hỏi đáp với chatbot để có được câu trả lời liên quan đến các giải pháp về nước và xâm nhập mặn.
Phiên bản đầu tiên của chatbot sẽ tập trung vào xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
"Điều này giống như có một cố vấn cá nhân là chuyên gia trong lĩnh vực phức tạp này. Nếu bạn là nông dân đang đối phó với xâm nhập mặn trên cánh đồng của mình, bạn có thể nhờ NướcGPT tư vấn. Chatbot sẽ phân tích dữ liệu mà nó có, xem xét các chi tiết cụ thể về tình huống của bạn và cung cấp cho bạn giải pháp tốt nhất dựa trên kiến thức và thực trạng hiện tại." Võ Thành Minh Tuệ, cố vấn kỹ thuật của dự án NướcGPT, chia sẻ.
Chẳng hạn, nông dân ở ấp Trà Niên, tỉnh Sóc Trăng có thể hỏi hiện nay độ mặn có phủ hợp để nuôi tôm hay trồng lúa. NướcGPT sẽ phân tích dữ liệu đo độ mặn, độ kiểm, độ trong v.v. ở trạm quan trắc gần nhất trong khoảng thời gian gần đây, so sánh với dữ liệu ngập mặn của trạm vào các năm trước cùng thời điểm để đưa ra dự đoán về độ mặn trong thời gian tới, từ đó gợi ý người nông dân có thể trồng lúa hay phải chuyển qua nuôi tôm.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch làm việc với các bên liên quan trong chính phủ để thu thập dữ liệu về độ mặn dựa trên các vùng. Nếu dữ liệu cho AI được đưa vào liên tục thì các phân tích có thể chính xác theo thời gian thực”, anh nói thêm.
Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các kiến thức khoa học phức tạp với việc ra quyết định thực tế. Nó sẽ trao quyền cho người dùng, giúp họ đưa ra các lựa chọn sáng suốt.
Các nhà nghiên cứu cũng sẽ xây dựng một trang web để lưu trữ chatbot và thử nghiệm NướcGPT với các bên liên quan, bao gồm các lãnh đạo địa phương cũng như nông dân, để đánh giá khả năng sử dụng, độ chính xác và khả năng hỗ trợ các quy trình ra quyết định.
Dự án rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Cục Quản lý tài nguyên nước (DWRM).