Hai vị bác sĩ, cách nhau hàng ngàn dặm, đã cùng thực hiện một ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân ung thư. Đó chỉ là một trong số hàng ngàn ca phẫu thuật đã được thực hiện từ xa thông qua nền tảng Proximie.

Vào đầu tháng tư năm 2020, ngay sau khi Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson lần đầu tiên tuyên bố phong tỏa Vương quốc Anh để phòng ngừa đại dịch, một bác sĩ tiết niệu tên là Archie Fernando đã gọi cho đồng nghiệp của mình, Nadine Hachach-Haram.

Hai bác sĩ cùng làm việc tại bệnh viện Guy’s and St Thomas, là một trong những Bệnh viện quá tải nhất cả nước khi có đến gần một nghìn ca tử vong vì COVID-19 mỗi tuần. Hầu hết các ca phẫu thuật đều bị hoãn lại, ngoại trừ các ca cấp cứu hoặc phẫu thuật ung thư nguy cấp.
Hachach-Haram đồng thời là CEO sáng lập của một công ty khởi nghiệp công nghệ y tế tên là Proximie. Công ty đã phát triển một nền tảng thực tế tăng cường giúp các bác sĩ phẫu thuật phối hợp từ xa. Thông qua phần mềm, các bác sĩ phẫu thuật trò chuyện với nhau trong khi video về ca phẫu thuật được phát trực tiếp - với một số góc quay khác nhau, đồng thời các bác sĩ có thể “vẽ” các đường nét hướng dẫn trên màn hình chung được chia sẻ.

Fernando gọi cho Hachach-Haram vì muốn sử dụng Proximie trong một ca phẫu thuật nguy cấp và phức tạp. Bệnh nhân của cô là Mo Tajer, một người đàn ông 31 tuổi đã trải qua đợt hóa trị ung thư tinh hoàn. Căn bệnh ung thư đã lan khắp vùng bụng của anh ấy, có một khối u 5 cm bám quanh động mạch chủ và tĩnh mạch chủ dưới, hai trong số các mạch máu lớn nhất trong cơ thể, khiến cho việc phẫu thuật cắt bỏ khối u trở nên khó khăn.

Một ca phẫu thuật đang được phát trên nền tảng Proximie. Ảnh: BostonGlobe

Trong những trường hợp bình thường, Fernando sẽ thực hiện một cuộc phẫu thuật mở (thông qua một vết rạch đơn để tiếp cận vùng bụng), nhưng cách này đòi hỏi bệnh nhân sẽ phải nằm hai tuần trong khu chăm sóc đặc biệt để phục hồi sau phẫu thuật - đó không phải là ý kiến hay trong thời kỳ cao điểm của đại dịch. “Khu chăm sóc đặc biệt không phải là môi trường phù hợp với bệnh nhân bị ức chế miễn dịch”, Hachach-Haram giải thích. “Họ muốn anh ấy xuất viện càng sớm càng tốt”.

Giải pháp thay thế an toàn hơn là phẫu thuật bằng robot xâm lấn tối thiểu, nhưng Fernando không đủ kinh nghiệm để thực hiện quy trình đó. Tuy nhiên, thông qua Proximie, cô ấy sẽ có thể phẫu thuật với sự hướng dẫn của một đồng nghiệp, một bác sĩ phẫu thuật người Mỹ tên là Jim Porter. Porter, giám đốc y tế về phẫu thuật robot tại Trung tâm Y tế Thụy Điển ở Seattle, không chỉ đi tiên phong trong loại hình phẫu thuật này, ông còn là một trong những bác sĩ phẫu thuật nội soi giàu kinh nghiệm nhất hiện nay.

Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 21/5. Fernando mặc đầy đủ đồ bảo hộ cá nhân, vận hành bàn điều khiển robot phẫu thuật cách bệnh nhân 2 mét. Nhờ camera được gắn trên cánh tay robot, Porter đang ngồi tại nhà riêng ở Seattle, có thể nhìn thấy các thao tác phẫu thuật qua nền tảng Proximie trên máy tính xách tay của mình. Trong năm giờ đồng hồ, ông đã hướng dẫn Fernando từng bước trong cuộc phẫu thuật, trao đổi với cô ấy trong khi sử dụng một con trỏ để xác định các bộ phận giải phẫu và vẽ các chú thích nhằm xác định vị trí nên thực hiện các vết rạch.

Hachach-Haram, người đã góp phần tạo ra Proximie, cũng đăng nhập vào để theo dõi cuộc phẫu thuật, đã “không thốt nên lời”. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, cô ấy chứng kiến Proximie được sử dụng trong một ca phẫu thuật. Cô ấy nhận ra rằng, nếu không có Proximie, cuộc phẫu thuật cứu sống có thể không bao giờ diễn ra.

Cuộc phẫu thuật này đã mở đầu cho rất nhiều cuộc phẫu thuật từ xa khác xuyên suốt thời đại dịch.

Những ca phẫu thuật từ xa

Giống như hầu hết các bác sĩ phẫu thuật, con đường học hành của Nadine Hachach-Haram tuân theo một phương pháp sư phạm phổ biến trong giới y khoa là “thấy một, làm một, dạy một”. Cụ thể, các học viên sau khi đã quan sát một ca phẫu thuật hoặc cách sử dụng thiết bị cụ thể, sẽ cố gắng thực hiện theo, một vài lần đầu tiên dưới sự giám sát của bác sĩ có thâm niên, và sau đó là tự mình thực hiện. Sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm trực tiếp, các bác sĩ phẫu thuật lại tiếp tục hướng dẫn những kỹ năng đó cho thế hệ bác sĩ tiếp theo.

Năm 2006, Hachach-Haram bắt đầu làm tình nguyện viên cho các tổ chức từ thiện y tế toàn cầu, bay đến những nơi như Peru, Việt Nam và Lebanon để đào tạo về phẫu thuật chỉnh hình cho các bác sĩ địa phương. Trong một thời gian, cô ấy tin rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ truyền kiến thức của mình cho các bác sĩ khác.

Tháng 4/2015, Tạp chí y khoa Lancet công bố một báo cáo kết luận rằng cứ 10 người thì có 9 người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc phẫu thuật cơ bản. Theo cách nói của cô ấy, con số thống kê lạnh lùng đó “giống như một cái tát vào mặt”. Cô nhận ra rằng phương pháp sư phạm “thấy một, làm một, dạy một” đã lỗi thời, những người mà cô hướng dẫn chỉ gặp cô một lần duy nhất trong đời, và điều đó không đủ để giúp cải thiện tay nghề của họ. Cần phải có một giao diện kỹ thuật số có thể kết nối các bác sĩ phẫu thuật trong các ca phẫu thuật trực tiếp, theo cách mà họ có thể xem, học hỏi, cộng tác và chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn mà không bị hạn chế về mặt địa lý.

Với sự giúp đỡ của một kỹ sư phần mềm, vào cuối năm 2015, cô ấy đã phát triển Proximie - một ứng dụng giúp các bác sĩ phẫu thuật chia sẻ chế độ xem từ xa các ca phẫu thuật của họ, đính kèm hình minh họa và chú thích đơn giản bằng cách vẽ trên màn hình được chia sẻ. Để thử nghiệm ý tưởng này, cô đã mời một bác sĩ phẫu thuật ở California, người tình nguyện tham gia Quỹ Nụ cười Toàn cầu, tổ chức cung cấp dịch vụ phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ em. Trước đây, cứ ba tháng một lần, ông đến Trujillo, Peru để đào tạo một bác sĩ địa phương. Kể từ khi có Proximie, ông tổ chức các buổi đào tạo từ xa hằng tuần. “Trong năm đó, ông đã nâng cao đáng kể trình độ của một nữ bác sĩ người Peru. Tay nghề của nữ bác sĩ được nâng cao, và thời gian ra quyết định của cô ấy cũng nhanh hơn”, Hachach-Haram kể.

Tuy nhiên, Proximie lúc này vẫn chỉ là một công cụ thử nghiệm để đào tạo từ xa, chứ chưa bao giờ được sử dụng trong ca phẫu thuật trực tiếp. Bước ngoặt xảy đến vào vài tháng sau, khi Hachach-Haram nhận được cuộc gọi từ một đồng nghiệp đang làm việc ở Gaza. Ông ấy kể có rằng một thanh niên 18 tuổi đã bị thương ở tay trái khi cố gắng tháo gỡ một quả bom chưa nổ. Cậu bé đã trải qua sáu cuộc phẫu thuật không thành công với các bác sĩ phẫu thuật địa phương, và do bị Israel phong tỏa nên cậu không thể ra nước ngoài điều trị. Ngay lập tức, Hachach-Haram đã nhờ một bác sĩ phẫu thuật chấn thương ở Beirut hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật địa phương từ xa thông qua nền tảng Proximie.

Thành công của ca phẫu thuật đó đã khuyến khích Hachach-Haram biến dự án nghiên cứu của cô thành một startup. Cô thuê một nhóm để phát triển công nghệ và dành vài năm tiếp theo để đi khắp các hội nghị nhằm giới thiệu về Proximie. Năm 2019, Proximie đã sẵn sàng đưa vào ứng dụng thương mại.

Khi đại dịch COVID-19 lan đến Vương quốc Anh một năm sau đó, Proximie đã được sử dụng trong 1.200 ca phẫu thuật ở hơn 30 quốc gia - trong đó có ca phẫu thuật xâm lấn tối thiểu do hai bác sĩ Fernado và Porter thực hiện. “Tôi nhận ra rằng đây là lúc mọi người sẽ cần đến công nghệ của chúng tôi,” Hachach-Haram nói. Trong sáu tháng, số lượng người dùng tăng gấp 10 lần và số ca phẫu thuật tăng lên 5.500. Ngày nay, hơn 20% bệnh viện thuộc dịch vụ y tế quốc gia có quyền truy cập vào phần mềm.


Trở thành hệ thống lưu trữ học liệu

Đối với nhiều bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm, quãng nghỉ quá dài suốt đại dịch khiến họ lo lắng về việc tay nghề sẽ sụt giảm. Nỗi lo này càng trở nên nghiêm trọng đối với các bác sĩ mới vào nghề. Theo dữ liệu chính thức, các bác sĩ học việc tại những bệnh viện thuộc trung tâm y tế quốc gia đã mất 50% cơ hội nhận đào tạo về phẫu thuật. “Nhiều học viên đang trong giai đoạn đầu của quá trình học tập đã bỏ lỡ 18 tháng luyện tập tay nghề”, Hachach-Haram nhận định.

Đội ngũ phát triển Proximie mong muốn thay đổi điều đó. Họ đã phối hợp với Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật nội soi và tiêu hóa Hoa Kỳ để chuyển các mô hình lợn giải phẫu cho các học viên học tập tại nhà, để họ có thể thực hành điều trị thoát vị thành bụng trong khi được các chuyên gia hỗ trợ từ xa. Mặt khác, Hiệp hội Bảo vệ Hông đã thiết lập một chương trình giáo dục ảo thường xuyên bao gồm phẫu thuật trực tiếp - chẳng hạn như một quy trình tái tạo trong phòng thí nghiệm - được phát để hơn 500 người trên khắp thế giới cùng theo dõi. “Trước đây, chỉ có một vài học viên được tiếp cận với một quy trình phẫu thuât”, cô chia sẻ. “Bây giờ hàng trăm người có thể theo dõi một vài ca phẫu thuật đang diễn ra”.

Hiện tại, hơn 95% các phiên phẫu thuật sử dụng Proximie đã được lưu lại trên thư viện trực tuyến của nền tảng. Các bác sĩ phẫu thuật có thể chỉnh sửa và chú thích thông tin trong cảnh quay để sau này có thể sử dụng chúng vào việc đào tạo hoặc phỏng vấn. Thư viện Proximie hiện lưu trữ hơn 20.000 video về các ca phẫu thuật, khiến nó trở thành cơ sở dữ liệu lớn nhất trong lĩnh vực này.

Hachach-Haram thừa nhận rằng khi bắt đầu, đội ngũ công ty chỉ nghĩ đến tính năng phẫu thuật trực tiếp. “Nhưng sau đó chúng tôi nghĩ, nếu mọi người muốn đưa ra phản hồi sau phẫu thuật hoặc đánh giá hiệu suất của họ thì sao? Đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng thêm thư viện.” Chẳng hạn, khi lần đầu tiên xem đoạn phim về ca phẫu thuật của chính mình, Hachach-Haram nhận ra mình “hơi ôm đồm”. “Tôi thích tự mình thực hiện các thao tác, ngay cả khi có học viên trong phòng,” cô nói. Bây giờ, trong những tình huống tương tự, cô buộc mình thả các dụng cụ phẫu thuật xuống, cố tình chắp tay trước ngực và bước ra khỏi bàn mổ, trao cơ hội cho các bác sĩ trẻ được thể hiện mình.

Khi đại dịch đang dần qua đi, tháng 6/2022, Proximie thông báo đã huy động thành công 80 triệu USD trong vòng cấp vốn Series C. Proximie giờ đây đã hỗ trợ hơn 13.000 ca phẫu thuật và trao cơ hội học hỏi, rèn luyện tay nghề cho các bác sĩ ở hơn 100 quốc gia.