Những tiến bộ công nghệ đang dần giúp binh sĩ tránh xa khỏi thương vong trên chiến trường. Chẳng hạn, phi công Mỹ sắp sửa có thể ngồi trong văn phòng tại quê nhà, điều khiển máy bay oanh tạc Trung Đông, mà chỉ cần sử dụng tâm trí chứ không phải phiền đến tay.
Cơ quan nghiên cứu cấp cao của Lầu Năm Góc (DARPA) vừa hé lộ về một dự án mà họ đã bắt đầu triển khai từ năm 2015 – công nghệ cho phép một người có khả năng điều khiển nhiều máy bay hoặc drone (máy bay không người lái) cùng lúc, bằng trí não. Tạp chí Defense Onedẫn lời Justin Sanchez – Giám đốc bộ phận Công nghệ sinh học của DARPA, rằng: “Ngày nay, tín hiệu sóng não hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích chỉ huy và kiểm soát … đối với không chỉ một, mà thậm chí cả ba loại máy bay cùng lúc”.
Năm 2016, nhóm của Sanchez đã trang bị giao diện đồ họa não - máy tính (brain - computer interface hay BCI) cho một tình nguyện viên, giúp người này điều khiển một máy bay bằng chế độ mô phỏng, trong khi vẫn duy trì được sự kiểm soát đối với hai chiếc khác cũng trong đội hình, tất cả chỉ bằng ý nghĩ. Đến năm 2017, Copeland (người tình nguyện viên) đã có thể thao tác với máy bay, cũng thông qua một mô phỏng khác, nhưng lần này là dựa trên cơ chế phản hồi xúc giác; Chẳng hạn, khi cần chuyển hướng bay, một mô cấy thần kinh trong não bộ của Copeland sẽ gây nên cảm giác ngứa ran trong tay.
Mặc dù vậy, người phát ngôn của DARPA cho biết, họ vẫn đang gặp phải một số vướng mắc, bởi công nghệ BCI sử dụng điện cực – được cấy vào bên trong và bên trên vùng vỏ não phụ trách chức năng cảm giác và vận động, cho nên thí nghiệm chỉ được giới hạn trên các tình nguyện viên bị mất cảm giác (hay bị liệt ở những cấp độ khác nhau). Để khắc phục hạn chế này, và nhằm đưa công nghệ trở nên dễ tiếp cận hơn, cũng như không cần đòi hỏi phải đặt một đầu dò kim loại vào não bộ con người, DARPA đang khởi động chương trình Next-Generation Nonsurgical Neurotechnology (hay N3, Tạm dịch: Công nghệ thần kinh không qua phẫu thuật thế hệ mới). Mục tiêu của các nhà nghiên cứu là sẽ tìm cách tạo ra một thiết bị mới với những khả năng tương tự, nhưng trông giống như chiếc mũ EEG mà các phi công vẫn hay sử dụng mỗi khi cất cánh để thực hiện nhiệm vụ.
“Có thể hình dung N3 giống như một công cụ mà người dùng có thể sử dụng trong suốt thời gian bắt đầu tới khi hoàn thành sứ mạng, rồi sau đó cất đi” – Al Emondi, người lãnh đạo dự án, cho biết. “Tôi không muốn so sánh sản phẩm này với cần điều khiển hoặc bàn phím, bởi chúng không thể phản ánh đầy đủ được hết các tiềm năng của công nghệ N3, mặc dù vẫn tỏ ra hữu ích cho việc giúp truyền tải các khái niệm cơ bản về giao tiếp máy tính.”
Hải Đăng (Theo Futurism)