Với giá thành chỉ bằng 1/3 so với nhập ngoại, hệ thống phần mềm khai thác dữ liệu hình ảnh y tế phục vụ hội chẩn y tế qua thiết bị Mobile và Smart Tivi do các nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện đã góp phần giảm chi phí đáng kể cho các bệnh viện và bệnh nhân.
DICOM hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện, phòng khám và trở thành định dạng ảnh phổ biến nhất hiện nay trong lĩnh vực y tế. Khác với các định dạng ảnh khác, ngoài dữ liệu hình ảnh, một tập tin DICOM còn chứa những thông tin về bệnh nhân, loại máy tạo ra bức ảnh,… DICOM còn giúp cho việc tích hợp dễ dàng các máy thu nhận hình ảnh, máy chủ, trạm làm việc, máy in và các thiết bị phần cứng khác có nối mạng của các nhà sản xuất khác nhau vào trong hệ thống PACS (Picture Archiving and Communication System) hay hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh, được phát triển nhằm cung cấp khả năng truy xuất nhanh chóng và lưu trữ kinh tế nhất, ứng dụng trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y khoa.
Tại Việt Nam, đã có những phần mềm PACS của nước ngoài, nhưng chỉ được ứng dụng hạn chế tại một số bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108, Chợ Rẫy,… do giá thành còn cao (5.000 – 10.000 USD cho một trạm máy làm việc của bác sĩ gồm cấu hình CPU mạnh, chi phí bản quyền hệ điều hành sử dụng, phần mềm chẩn đoán).
Trước tình trạng quá tải ở các bệnh viện trong nước hiện nay, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia của Công ty Cổ phần thông minh Ưu Việt và Đại học Bách khoa TPHCM đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế hệ thống phần mềm khai thác dữ liệu DICOM trên nền Web phục vụ hội chẩn y tế qua thiết bị Mobile và Smart Tivi”.
Theo TS Nguyễn Chí Ngọc, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, do mang những quy định đặc thù riêng của ngành y tế cùng với tính mới và công nghệ cao nên đề tài nghiên cứu bị đặt trước nhiều thách thức, không chỉ riêng tại Việt Nam và còn trên cả thế giới. Do tình trạng quá tải ở các bệnh viện Việt Nam, số lượng luân chuyển dữ liệu ảnh DICOM đến hệ thống PACS rất lớn; để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác, dữ liệu từ máy chẩn đoán hình ảnh về PACS và cung cấp đến các Mobile, Smart Tovi phải đúng và đầy đủ; xem ảnh DICOM qua các thiết bị này không chỉ phục vụ nhu cầu hội chẩn mà phải đáp ứng được khả năng chẩn đoán từ thiết bị mobile cá nhân cho các chuyên gia, bác sĩ trong và ngoài bệnh viện;…
Để giải quyết những thách thức trên, trong hơn một năm, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện công nghệ nén dữ liệu của hệ thống PACS để đảm bảo việc lưu trữ dữ liệu trực tuyến được thực hiện liên tục trong thời gian dài của bệnh viện; nghiên cứu thiết kế web trên thiết bị Mobile và Smart Tivi cho ứng dụng Web DICOM Viewer; hoàn thiện phần mềm khai thác dữ liệu DICOM của hệ thống PACS qua web, đảm bảo hoạt động được trên thiết bị Mobile và Smart Tivi; hoàn thiện công nghệ cân bằng tải của hệ thống PACS đề có thể cung cấp cho 20 trạm làm việc có thể hoạt động cùng lúc và xem hình ảnh DICOM tại bệnh viện;…
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm BKPACS tại một số bệnh viện như Medic Hòa Hảo, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM,... Kết quả, qua 6 tháng, hình ảnh đều được hiển thị đầy đủ và đúng các hình ảnh số từ tất cả các thiết bị chẩn đoán hình ảnh tại bệnh viện triển khai thử nghiệm.
Đối với phim truyền thống, bác sĩ phải đợi ra phim mới có thể chẩn đoán bệnh. Trong khi trên Mobile hoặc Smart Tivi, bác sĩ có thể truy cập và xem ảnh ngay khi vừa được chụp xong từ các máy CT, MRI, X – quang,… Bác sĩ cũng có thể chỉnh các chức năng sáng, tối, đo đạc, zoom,… dễ dàng hơn so với dùng phim truyền thống. Nhờ đó, giúp giảm chi phí còn tương đương 1/3 chi phí in phim, tiết kiện thời gian chờ in phim và có thể hội chẩn hoặc chẩn đoán nhanh chóng bệnh tình cho người bệnh.
TS Ngọc cho biết, một bệnh viện như Bệnh viện 115 TPHCM tiêu tốn khoảng 10 tỷ đồng/năm cho cả quá trình vận hành in phim X-quang, nếu sử dụng hoàn toàn công nghệ dữ liệu DICOM thì sẽ tiết kiệm được khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống BKPACS có giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại do được nghiên cứu và thiết kế trong nước.