"Người làm sản phẩm giáo dục, công nghệ giáo dục phải là người có tâm, có đam mê và tình yêu ở trong đấy thì mới theo được vì quá trình nó rất là dài, nhiều khó khăn nhiều thứ mình không biết được, vì thế chỉ nhảy vào kiếm tiền thì đây không phải lĩnh vực tốt để lao vào", theo TS.Trần Việt Hùng, sáng lập viên của Got It.
Nhân buổi chia sẻ về công nghệ, giáo dục, góp ý cho thí sinh của Ban cố vấn của cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth - cuộc thi do Tổ chức Các nhà Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSEGlobal) tổ chức, tiến sĩ Trần Việt Hùng, sáng lập viên của Got It là thành viên trẻ nhất của Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021 và thành viên Ban cố vấn Hack4Growth đã trao đổi với tiến sĩ Lưu Vĩnh Toàn, chuyên gia công nghệ Tìm kiếm thông tin tại Thụy Sĩ, một trong các hướng dẫn viên (Mentor) của cuộc thi.
Trước tiên, anh có thể chia sẻ một chút những sự kiện đáng nhớ với anh và Got It trong 3 tháng vừa qua khi Covid-19 càn quét qua rất nhiều nơi trên thế giới?
Như mọi người biết Covid-19 ảnh hưởng mọi nơi, một doanh nghiệp trên thế giới dù ít hay nhiều.
Về mặt kinh doanh, đối với Got It là một nhà cung cấp các dịch vụ chia sẻ kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau thì một số mảng hoạt động rất là tốt. Ví dụ lĩnh vực giáo dục trong đợt Covid số lượng sử dụng tăng lên đến 5 lần. Tuy nhiên những mảng khác liên quan đến B2B Sale (hình thức buôn bán, kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) bị chậm lại do không có cơ hội gặp trực tiếp với khách hàng để mình chốt được hợp đồng. Một số khách hàng cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 chuyển sang chế độ “thắt lưng buộc bụng”, tạm dừng hợp đồng hay các dự án không phục vụ cho mục tiêu sống sót của họ.
Về mặt team, tình trạng đóng cửa diễn ra ở rất nhiều nơi và toàn bộ team phải làm việc ở nhà. Thực ra Got It là công ty toàn cầu, từ trước đến giờ có team ở Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ. Ở Mỹ cũng có nhiều nhóm ở các thành phố khác nhau nên hình thức làm việc phân tán và online cũng đã diễn ra. Tuy nhiên Covid-19 khiến mọi chuyện thay đổi hoàn toàn và lần đầu làm việc online ở mức độ toàn công ty. Thời gian đầu cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu suất, sau đó công ty nghĩ ra các sáng kiến để làm sao làm việc cho hiệu quả hơn.
Team ở Việt Nam cũng tương tự, làm việc ở nhà từ sau khi nghỉ tết đến tận tuần trước (giữa tháng 5) mới quay lại làm việc ở văn phòng với quy mô rất nhỏ, khoảng 25% để tuân theo quy trình 3 bước để quản trị rủi ro và chỉ làm việc thực sự bình thường nếu các chuyến bay quốc tế trở lại bình thường. Kỷ niệm, không biết là vui hay buồn, là ‘bị nhốt’ trong nhà 3 tháng mà vẫn sống sót.
Mặc dù đợt đại dịch để lại những hậu quả đáng tiếc nhưng cũng giúp chúng ta có một trải nghiệm mới về tầm quan trọng của công nghệ trong giáo dục, ví dụ việc học trực tuyến được áp dụng hầu hết ở mọi nơi trên thế giới. Chính Got It cũng thấy lượng sử dụng tăng lên gấp 5 lần. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực phát triển công nghệ và lại là thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, theo anh những công nghệ gì có thể giúp cải tiến việc đào tạo, giáo dục ở Việt Nam và thế giới sau giai đoạn này?
Thực tế thì đại dịch Covid-19 này như một đòn bẩy chưa từng có trong lịch sử giúp cho thế giới nhận ra được là thế giới chưa thực sự sẵn sàng về trải nghiệm công nghệ trong giáo dục. Mình nghĩ là mình biết nhiều thứ, kiểm soát nhiều thứ nhưng hóa ra đây là bài kiểm tra cho thấy mình chưa biết nhiều những gì đang diễn ra. Nên thế giới gọi là ‘nhanh tay dập lửa’ thôi chứ không phải là có kế hoạch, có công nghệ hay công cụ hiệu quả. Nó khiến mọi người, đặc biệt là giới công nghệ phải nghĩ lại nhiều thứ.
Chẳng hạn như sử dụng những công nghệ giáo dục online vừa qua thực sự là vì không có lựa chọn nào khác. Hoặc là học hoặc là nghỉ nên nó rơi và tình trạng ép buộc. Các công cụ công nghệ hiện tại thiết kế ra là để bổ trợ cho giáo dục truyền thống, không phải là công cụ thay thế hoàn toàn. Có những công cụ mình thấy được dùng rất nhiều nhưng thực sự nó là “giật gấu vá vai”. Còn mô hình truyền thống vẫn nằm trong đó. Các công cụ này chỉ chứng minh một điều là từ trước đến giờ mọi người có thể nghi ngờ, phản đối nó nhưng giờ nó vẫn diễn ra trong thời gian đủ dài để mọi người thấy nó có khả năng. Nhưng khi đại dịch hết thì nó sẽ hết theo.
Cái đọng lại cho những người muốn tạo hay tận dụng công nghệ mới cho giáo dục trong đợt dịch vừa qua là “có thể” làm được nhưng phải đưa ra mô hình khác biệt để xem có tốt hay không. Sản phẩm giáo dục là rất đặc biệt vì nó tạo ra một con người. Nếu sản phẩm giáo dục tốt thì một con người nếu có đủ phần giáo dục cơ bản sẽ thành con người độc lập, có thể tạo giá trị cho xã hội, không là gánh nặng cho xã hội. Vì thế một sản phẩm giáo dục không thể làm bừa, không thể nhanh chóng được, cần thời gian để cho thấy một con người là “ổn” sau khi có phần giáo dục cơ bản.
Thực tế mọi người vẫn tin vào giáo dục truyền thống vì nó được đúc kết trong cả ngàn năm, nhưng bây giờ có cơ hội không có nghĩa là mình cứ làm ào ào. Người làm sản phẩm giáo dục, công nghệ giáo dục phải là người có tâm, có đam mê và tình yêu ở trong đấy thì mới theo được vì quá trình nó rất là dài, nhiều khó khăn nhiều thứ mình không biết được, vì thế chỉ nhảy vào kiếm tiền thì đây không phải lĩnh vực tốt để lao vào.
Anh có thể nói cụ thể hơn những sản phẩm anh cho là “giật gấu vá vai”. Chúng ta có thể cải thiện nó ở điều gì?
Bây giờ nếu anh nhìn thấy các thầy cô giáo dùng các công cụ video conferencing như Zooms, Team, Google Classroom,.. để cô trò có thể trao đổi với nhau thì mới giải quyết được vấn đề thứ nhất của giáo dục là “truyền tải được nội dung” về bài giảng, bài học. Tuy nhiên anh thấy nội dung giáo dục nhiều thứ mình tự học được. Trong giáo dục còn khía cạnh nữa là “social aspect”, đó là khía cạnh xã hội, tâm lý. Không chỉ kiến thức mà còn phải có nhu cầu giao tiếp, gặp gỡ, nói chuyện. Bây giờ công nghệ thay thế nào khía cạnh đó thì chưa biết.
Một ví dụ là chương trình phổ thông 12 năm, mình có thể dùng công nghệ giáo dục “cá nhân hoá”, “nén” nó lại, thay vì 12 năm để có kiến thức phổ thông cơ bản có khi chỉ mất một nửa thôi là hoàn toàn có thể.
Mỗi học sinh có một khả năng học, cách học khác nhau. Có những người mà thầy giáo nói xong không hiểu bài ngày, chưa được điểm cao không phải người kém. Có thể cách giảng bài của thầy chưa phù hợp với học sinh này nhưng phù hợp với học sinh khác. Anh cứ thử nhìn lại trong quá trình anh đi học chắc chắn sẽ có thầy giáo mình rất là thích, có cảm giác mình học bài thầy này sao dễ thế bởi vì cách giảng của thầy hợp với mình. Hoặc có môn hợp với học sinh khác nhưng mình thấy nó rất khó khăn với mình.
Những cái này công nghệ có thể giúp được rất nhanh chóng, đó là xem kiến thức người học sẽ tiếp thu thế nào, tối ưu hóa để rút ngắn thời gian học lại. Thời gian còn lại mình sẽ suy nghĩ tận dụng thế nào cho tốt hơn.
Thế nên tôi nói “giật gấu vá vai” chỉ là cái công cụ truyền tải bài giảng vì mình không đến lớp được, gặp nhau được, thực sự nó chưa có gì sâu hơn một cái công cụ để nói chuyện với nhau.
Cuộc thi Hack4Growth do AVSEGlobal tổ chức có một số bài dự thi trong lĩnh vực giáo dục. Là một người đã xem chấm các bài thuộc lĩnh vực này, anh thấy các bài dự thi này có những nét tích cực gì? Theo anh, những hồ sơ dự thi nên chú ý cải tiến các điểm gì?
Tôi có may mắn là được đọc và duyệt qua hồ sơ giai đoạn một của các đội dự thi ở trong mục giáo dục. Phần đánh giá chi tiết tôi đã gửi lại ban tổ chức. Tôi có thể phân loại qua 3 nhận xét sau:
Thứ nhất như tôi đã trao đổi làm giáo dục nó phải là sản phẩm dài hơi. Phải là người có cái tâm, tình yêu và đam mê (passion) thì mới làm giáo dục. Chứ nếu mình nghĩ ở Việt Nam bố mẹ trả rất nhiều tiền cho con đi học nên mình làm sản phẩm giáo dục để kiếm tiền thì có thể là suy nghĩ chưa chính xác, giáo dục chưa chắc là cách kiếm tiền nhanh nếu muốn đào tạo những con người có khả năng tự lập và năng suất lao động cao.
Thứ hai có một số đội còn quá “trẻ” (junior), có bạn vẫn đang ở trường nên các bạn đưa ra bài dự thi còn khá lý thuyết. Lời khuyên cho các bạn là mình phải dành thời gian cụ thể xem nhu cầu bài toán mình giải quyết như thế nào. Ví dụ mình có mở một trung tâm tiếng Anh nữa thì dù cách dạy mình có thay đổi một chút thì cũng không thay đổi cách nhìn của thị trường và xã hội về sản phẩm đó và mình phát triển nhanh, mạnh (scale-up) nó lên rất là khó vì mình tận dụng được công nghệ rất ít ở trong đó.
Thứ ba là có một số đội thi sản xuất phần cứng hay phần mềm, nhưng vẫn mang tính chất bổ trợ cho giáo dục truyền thống. Người ta hay có câu “Don’t reinvent the wheels” (đừng cải tiến lại cái bánh xe). Ở đây tôi không hoài nghi gì về khả năng các bạn có thể làm được công cụ như thế nhưng cần phải xem thị trường có cần hay không và một thông số chính là thời gian đưa sản phẩm ra thị trường vì mình phải đưa sản phẩm ra thị trường càng nhanh càng tốt, nên phải có prototype (mẫu thử) thật nhanh để thử thị trường. Đây không chỉ là cuộc đua công nghệ chứng minh mình làm được cái này cái kia mà quan trọng là thị trường người ta cần mình như thế nào.
Cảm ơn anh về những chia sẻ và hy vọng sẽ tiếp tục nhận được các các chia sẻ hữu ích của anh với vai trò cố vấn cuộc thi Hack4Growth.
Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu - AVSE Global có trụ sở tại Paris nhằm tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp vào quá trình phát triển cho Việt Nam. AVSE Global có đại diện trên 20 quốc gia, với hơn 300 hội viên và là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu.
Hack4Growth là một cuộc thi về ý tưởng, giải pháp, sản phẩm đối mới sáng tạo tổ chức bởi AVSE Global bao gồm 2 đợt:
Đợt 1: Kiến tạo nền tảng và Văn hóa đổi mới, sáng tạo vì Việt Nam
Đợt 2: Chung tay tìm ra giải pháp, và truyền cảm hứng, niềm tin hành động vượt qua khó khăn kinh tế, xã hội trong và hậu Covid. Thời hạn nộp hồ sơ sự thi 15/6/2020.
Thông tin chi tiết về cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth - Covid Endgame
Website: https://www.hack4growth.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/VILinks.AVSEGlobal
Email: hack4growth@vietnaminnovationlinks.org |