Chúng ta vẫn hay nghe nói về điện toán đám mây (cloud computing), song không nhiều người biết đến điện toán ranh giới (edge computing).
Cho đến nay, chất lượng trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tăng cường (augmented reality hay AR) vẫn chưa thực sự tương xứng với những hứa hẹn trước đó. Chẳng hạn, mẫu tai nghe mới đây của Magic Leap đã khiến người dùng thực sự thất vọng. Vì vậy, hai sáng tạo mang tính đột phá là mạng 5G và điện toán ranh giới được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tất cả. Chí ít, đó cũng là những lời “phúc âm” mà hãng viễn thông AT&T “rao giảng” tại hội nghị công nghệ quốc tế Spark, diễn ra tại San Francisco hôm 10/09. Trong khi chúng ta đang ngày càng quen thuộc với thuật ngữ 5G – chỉ mạng viễn thông tốc độ cao thế hệ kế tiếp, thì không nhiều người thật sự biết về khái niệm edge computing. Điều này đã đến lúc cần được thay đổi.
Phần lớn dữ liệu của nhân loại hôm nay đều đang được xử lý trên “đám mây”, tức các trung tâm dữ liệu khổng lồ do Amazon, Microsoft và những nhà cung cấp giải pháp khác xây dựng, khai thác, hoàn toàn ở rất xa so với nguồn thiết bị. Tuy nhiên, vẫn cần một khoảng thời gian để thông tin đến được với các trung tâm này, và thường hay xuất hiện độ trễ. Vấn đề này chính là trở ngại lớn nhất đối với các thiết bị AR – vốn đòi hỏi khả năng xử lý dữ liệu theo thời gian thực rất lớn, nhằm mang lại những trải nghiệm đáng giá nhất.
Để khắc phục tình trạng trên, AT&T và các đối thủ khác đang xem xét chuyển sang điện toán ranh giới – giải pháp, về cơ bản là sẽ xây dựng những mạng lưới bao gồm các trung tâm dữ liệu (tức đám mây) nhỏ để xử lý một phần dữ liệu (gần với nguồn thiết bị), và chỉ khi cần mới phải gửi phần còn lại tới những trung tâm lớn hơn. Đối với các thiết bị AR, kết thu được hứa hẹn sẽ là những trải nghiệm tốt hơn trong khi chỉ mất rất ít thời gian chờ.
Trong một bản báo cáo của Fierce Telecom, tổ chức này có dẫn lại lời của Igal Elbaz (phó chủ tịch cấp cao phụ trách về công nghệ không dây của AT & T) tại Spark, rằng “chúng ta có thể nghĩ tới việc thiết lập độ trễ thấp trên các ứng dụng phức tạp cho khả năng tính toán ở khoảng cách gần hơn so với người dùng”. Đại diện của AT&T lạc quan, rằng “thông qua cải thiện chức năng lẫn trải nghiệm người dùng, chúng tôi thực sự muốn mở ra triển vọng với mô hình kinh doanh mới mà hầu hết tất cả chúng ta đều đã nghe nói đến, liên quan tới AR hay VR (virtual reality), xe tự lái, máy bay không người lái, game di động và các loại thiết bị khác.
Hiện tại, AT&T mới chỉ xây dựng một trung tâm thử nghiệm điện toán ranh giới tại Palo Alto (California), nhưng hãng đang lên kế hoạch mở rộng sang toàn bộ khu vực Vịnh San Francisco. Sau cùng, chỉ khi “đám mây” có thể phủ kín toàn bộ đất nước, những nhà phát triển mới có thể đảm bảo, rằng trải nghiệm AR trong tương lai sẽ không còn gây thất vọng như ngày hôm qua nữa.
Hải Đăng (Theo Futurism)