Với những vật liệu cũ như sắt, thép, lưỡi cày, nhíp cũ của xe ôtô, băng chuyền... nông dân Phạm Minh Thành (42 tuổi, ngụ thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã chế tạo ra chiếc máy đào khoai tây đa năng có thể hoạt động trên mọi địa hình.
Sáng chế hữu ích này góp phần giảm bớt khó khăn cho các nhà vườn Đà Lạt khi vào vụ thu hoạch khoai tây đặc sản.
Phạm Minh Thành sinh ra và lớn lên trong vùng chuyên sản xuất nông nghiệp thuộc phường 7, thành phố Đà Lạt. Kinh tế khó khăn cộng thêm gia đình đông anh em nên khi học đến lớp 8, Thành phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ trồng rau và hoa. Vừa làm vườn, Thành tranh thủ học thêm nghề cơ khí. Bén duyên với nghề, đến năm 1994, Thành lập gia đình và mở một xưởng cơ khí, sửa chữa máy móc nhỏ phục vụ cho bà con trong vùng.
Năm 2008, một lần tình cờ xem tivi, anh Phạm Minh Thành thấy ở nước ngoài người ta sử dụng máy đào củ trong sản xuất nông nghiệp rất hiện đại và tiện lợi. Anh Thành chợt nghĩ nếu nông dân Đà Lạt có cái máy như vậy để đào khoai tây thì sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí thuê lao động thời vụ.
Khi đã có ý tưởng, anh Thành gom những phụ kiện dễ tìm như sắt, thép, lưỡi cày, nhíp cũ của xe ôtô, băng chuyền… về nghiên cứu và chế tạo. Sau một tháng “ăn ngủ” trong xưởng cơ khí, chiếc máy đào đầu tiên ra đời. Cấu tạo của máy khá đơn giản với bộ phận quan trọng của cỗ máy là hệ thống lưỡi cày để xới đất và một băng chuyền rộng khoảng 1m (bằng với luống khoai) để sàng lọc củ khi đã được xới lên khỏi mặt đất.
Anh Phạm Minh Thành giải thích, tất cả bộ phận này được gắn với đầu máy cày nên có thể di chuyển dễ dàng ở mọi địa hình. Đặc biệt, khi hết mùa khoai, người dân có thể tháo bộ phận đào ra khỏi đầu máy cày và sử dụng làm xe chở hàng hóa.
Tuy nhiên khi bản thiết kế đầu tay hoàn thành và đưa ra thử nghiệm thực tế lại không được như mong muốn. Trái với ý tưởng ban đầu, những củ khoai tây bị băm nát bởi các lưỡi cày. Không nản chí, anh Thành tiếp tục đưa máy đào thử nghiệm một số vườn khoai tây khác để tìm hiểu, quan sát hoạt động của từng bộ phận. Tất cả cơ chế hoạt động của từng bộ phận được anh ghi chép tỉ mỉ rồi đem về nghiên cứu, điều chỉnh lại cho phù hợp.
Sau gần một năm miệt mài nghiên cứu, chiếc máy đào khoai tây đa năng của anh Thành đã hoàn thiện và hoạt động khá hoàn hảo. Điều đặc biệt, dù các lưỡi cày xới tung đất nhưng củ khoai được đào lên không bị trầy xước như trước đây. Tốc độ hoạt động của máy cũng khá nhanh, cứ ba giây đào được 1m đất.
Là một trong những người đầu tiên mua và sử dụng máy đào khoai tây đa năng, ông Trần Ngọc Lưu Long (khu Măng Lin, phường 7, thành phố Đà Lạt) cho biết chiếc máy này rất hữu ích cho việc làm vườn của gia đình. Nếu như trước đây, 1ha khoai tây phải mất 60-70 người để thu hoạch, với chiếc máy này chỉ cần một người điều khiển nên tiết kiệm được rất nhiều công lao động.
Năm 2013, máy đào khoai tây của nông dân Phạm Minh Thành được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Máy của anh còn được nhiều bà con đến xem và đặt mua.
Không chỉ tại Đà Lạt (Lâm Đồng), khách hàng ở một số tỉnh, thành phía Bắc cũng tìm đến đặt mua với giá từ 19-24 triệu đồng/máy.
Anh Thành chia sẻ, theo nhận xét của bà con, hiện nay máy của anh đã hoàn thiện khoảng 90% và hoạt động khá tốt. Thời gian tới, anh tiếp tục nghiên cứu, chế tạo để hoàn thiện máy theo hướng có lợi cho nông dân./.