Cô sinh viên khoa Môi trường đam mê tìm tòi những sản phẩm khoa học đời sống hữu ích tận dụng phế thải trong sản xuất boxit để lọc nước bẩn.

Tại Diễn đàn Khoa học - Công nghệ lần 2, sản phẩm lọc nước từ vật liệu phế thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất bô- xít trộn cùng rác thải hữu cơ đã nhận được phản ứng tốt của các nhà đầu tư và các bạn trẻ yêu khoa học.

Đây là sản phẩm sáng tạo của sinh viên Nguyễn Hoàng Hai Trà, Khoa Môi trường, ĐH Hoa Sen.

Nói về ý tưởng dùng chất phế thải sau sản xuất công nghiệp để lọc nước, Trà cho hay, đây là điều mà sinh viên này đã ấp ủ từ lâu, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống người dân tại khu vực miền Trung và ĐBSCL hiện đang thiếu nước ngọt để uống và sinh hoạt.

Sang che bun do loc nuoc lu thanh nuoc uong duoc
Nguyễn Hoàng Hai Trà giới thiệu sản phẩm của mình tại Diễn đàn Khoa học - Công nghệ lần 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Em rất sốt ruột khi xem tivi, báo đài và thấy những cảnh đời rất khó khăn vì thiếu nước ngọt để uống và sinh hoạt, đặc biệt là sau những trận lũ. Là sinh viên của khoa môi trường nên em càng mong muốn có thể làm một điều gì đó có ích", nữ sinh viên tâm sự.

Điều đặc biệt, nguyên liệu chính để làm nên các ống lọc này là bùn đỏ, một loại phế thải sau quá trình sản xuất bô- xít. Ngoài ra, bùn đỏ cần được trộn với đá ong, bã mía, đất sét. Bã mía, đá ong và bùn đỏ phải được nghiền nhuyễn thành bột để nhào trộn với đất sét thật đều.

Từ hỗn hợp này nặn thành hình ống lọc phơi khô từ khoảng 2- 3 ngày dưới ánh nắng mặt trời, sau đó nung ở nhiệt độ cao khoảng hơn 1000 độ C tạo độ cứng chắc nhất định. Sau quá trình này, nhóm của Trà tráng qua một lớp bạc nitrat. Cuối cùng, sản phẩm được cho than hoạt tính vào trong ống góp phần xử lý mùi và màu nước cần lọc.

Sang che bun do loc nuoc lu thanh nuoc uong duoc
Sản phẩm bộ lọc nước của Hai Trà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyên tắc hoạt động của sản phẩm đơn giản này là đổ nước ngập các ống lọc này. Nước sẽ thẩm thấu ban đầu qua lớp màng bạc nitrat của ống lọc. Lớp màng này có thể ngăn các o-xit kim loại, xử lý được các kim loại nặng như Asen và các vi khuẩn gây bệnh như Ecoli, Coliform..

Sau khi qua lớp màng, đến lớp than hoạt tính, lớp than này có chức năng xử lý mùi và màu, sau cùng nước này được đi qua tiếp một lớp bông lọc nữa và có được nước sạch. Nước lọc sạch có thể uống được luôn ngay khi quá trình hoàn tất.

Các sản phẩm của Trà hiện được thực hiện thành công trong phòng thí nghiệm. Nước cần lọc được lấy nước mặt từ kênh Nhiêu Lộc. Sản phẩm đã lọc cũng được đưa kiểm nghiệm tại Công ty TNHH Khoa học Công nghệ và Phân tích Môi trường Phương Nam.

Sang che bun do loc nuoc lu thanh nuoc uong duoc
Sáng chế khoa học giản đơn nhưng hiệu quả của Hai Trà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong vòng 2,5 tiếng, sản phẩm lọc được 15l nước sạch. Trà tự nhận xét, đây là con số hiệu quả còn thấp song nếu được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp thì sản phẩm có thể lược bỏ vài bước và bớt đi chi phí.

"Sản phẩm của em được dùng từ các nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên và có thể tái sử dụng được. Bùn đỏ là chất thải trong công nghiệp, đất sét và đá ong khá sẵn trong khi bã mía là sản phẩm trong nông nghiệp cũng được tận dụng. Khi đó, các rác thải trong 2 lĩnh vực trên không bị bỏ phí mà được tận dụng hoàn toàn".

Điều khiến Trà vẫn còn băn khoăn, đó là nước đã lọc vẫn còn vị lợ. Vì vậy, phương hướng tiếp theo của sản phẩm là khắc phục được điểm yếu này, sau đó là khả năng lọc nước nhiễm mặn.

Thầy Phạm Văn Tất, phụ trách Khoa Môi trường, của Đại học Hoa Sen, người hướng dẫn nhóm sinh viên của Trà thực hiện sản phẩm trên, đánh giá: "Sản phẩm của các em sau khi lọc nước có thể uống được. Nước này phù hợp tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đây cũng là sản phẩm được đánh giá cao tại Diễn đàn Khoa học- Công nghệ lần 2 được tổ chức tại Đại học Bách Khoa TPHCM.

Chỉ trong khoảng thời gian hơn 3 tuần nhưng các em, đặc biệt là Trà cũng đã nỗ lực tìm tòi nhiệt tình trong việc cố gắng tạo được thành phẩm tốt nhất để tham dự Diễn đàn".