Tôn Đông Á chi vài chục tỷ đồng mua phần mềm hoạch định nguồn nhân lực, Tomeco trích 15% doanh thu cho đổi mới công nghệ… Hành động “mạnh tay” này là cách DN trả lời câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” trước bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Không đơn giản là danh hiệu, với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp Việt Nam đều tham gia vào hành trình gian nan hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn và chất lượng, để tăng cơ hội thắng trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Chi mạnh tay cho công nghệ
Sự cạnh tranh khốc liệt, những khó khăn và thuận lợi trong sân chơi toàn cầu giúp doanh nghiệp học hỏi, tìm được cách tồn tại và lớn mạnh, đó là điều ông Nguyễn Thanh Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á, giải Vàng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015- rút ra từ câu chuyện của chính mình: “Muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhiều thứ, trong đó có việc sử dụng hiệu quả công nghệ sản xuất và quản trị để tạo ra sản phẩm chất lượng cao”.
Cụ thể, Tôn Đông Á đã nhập khẩu các công nghệ sản xuất, quản lý chất lượng hàng đầu thế giới từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Từ năm 2012, doanh nghiệp này đã “dám” chi trên 1 triệu USD (hơn 22 tỷ đồng) cho phần mềm hoạch định nguồn nhân lực doanh nghiệp (ERP) và liên tục cập nhật, hoàn thiện hệ thống này.
Bà Vũ Thị Quỳnh - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần cơ điện toàn cầu Tomeco - giải Bạc Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2015 - cho biết, là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất xuất khẩu quạt, mỗi năm Tomeco đầu tư 15% doanh thu để đổi mới công nghệ sản xuất. Nhờ thiết bị và quy trình tân tiến, 99% số doanh nghiệp nước ngoài khi đến khảo sát đều sẵn sàng hợp tác.
Ngay cả ở lĩnh vực “cũ kỹ” như y - dược cổ truyền, công nghệ cũng là chuyện sống còn. Ông Phạm Văn Đông - Giám đốc Công ty TNHH Nam Dược - doanh nghiệp đoạt Giải thưởng Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương 2015 - nói: “Dù kế thừa các bài thuốc dân gian thì vẫn phải nhờ khoa học mới chỉ ra trong từng dược liệu chất nào có tác dụng chính, chất nào gây tác dụng phụ…”.
Quả ngọt từ bài toán đầu tư
Cựu Tổng thống Mỹ George Bush từng nói, tham gia giải thưởng chất lượng là cơ hội để các công ty nhìn lại mình bằng con mắt của người tiêu dùng và thị trường. Điều này cũng đúng ở Việt Nam. Với việc đầu tư công nghệ, các doanh nghiệp Việt tự nâng mình lên để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, với mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Mỹ Malcolm Baldrige Award (được hơn 90 nước coi là mô hình chuẩn). Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã đạt chuẩn chung của quốc tế, mà minh chứng rõ nhất là sự chấp nhận của khách hàng trong và ngoài nước.
Bà Vũ Thị Quỳnh chia sẻ: “Năm ngoái, khi chúng tôi hoàn thiện hệ thống quản lý và trang bị các công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn quốc tế, lập tức đã có doanh nghiệp ở Anh đặt hàng sản xuất vòi đốt. Trong năm 2016, chúng tôi đã ký 2-3 hợp đồng có tổng trị giá 3,8 tỷ đồng”.
Các công nghệ hiện đại cũng giúp sản phẩm Tôn Đông Á vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm thép lá mạ đã vào được các thị trường khắt khe như Mỹ, Úc, Nhật Bản. Với phần mềm triệu đô ERP, lãnh đạo công ty quản lý hiệu quả công việc của từng người lao động và xử lý kịp thời những số liệu được cập nhật trực tuyến liên tục, nhận ra và khắc phục kịp thời các vấn đề.
Nói về việc đầu tư đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp có chung quan điểm: Đây là chiến lược đầu tư không bao giờ lỗ.
Chiến lược hướng đến sự bền vững
Trong việc xây dựng chiến lược - một tiêu chí quan trọng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, nhiều doanh nghiệp phải tính đến thử thách lớn về nguồn nguyên liệu.Với doanh nghiệp sản xuất thuốc như Nam Dược, nguyên liệu có nguồn gốc Trung Quốc là vấn đề không nhỏ. Cách giải quyết của họ là xây dựng vùng trồng nguyên liệu sạch. Hiện công ty sử dụng mô hình sản xuất chuẩn quốc tế VACB. Mô hình này đòi hỏi có chiến lược hoạch định để nguyên liệu đầu vào đủ và sạch.
Ông Đông cho hay: “Chúng tôi xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, hướng dẫn bà con quy trình trồng, thu hoạch và kiểm tra chất lượng đầu vào. Hiện chúng tôi có 12 mô hình như vậy, khai thác khoảng 200 loại cây dược liệu”.
Tuy nhiên theo ông, để tối ưu các nguồn lực khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp rất cần sự giúp đỡ của giới khoa học. Chẳng hạn với ngành dược, khoa học không chỉ giúp hiện đại hóa công nghệ bào chế mà còn đánh giá, kiểm soát các tác dụng phụ, tăng hiệu quả điều trị. Đây là vấn đề cốt lõi mà doanh nghiệp cần khắc phục để giành lợi thế trước sản phẩn quốc tế.