Tháng 10/2018, chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 mới toanh mang số hiệu Lion Air Flight 610 của Indonesia bị rơi không lâu sau khi cất cánh. Đến tháng 3/2019, chiếc máy bay cùng loại mang số hiệu Ethiopian Airlines Flight 302 cũng chịu số phận rơi tương tự. Số người thiệt mạng trong cả hai vụ tai nạn lên tới hơn 300 người.
Trong hai tai nạn trên, hệ thống lái tự động đều chiếm quyền điều khiển của phi công, khiến máy bay rơi vào thảm họa. Phi công có khoảng thời gian rất ngắn để phản ứng với Hệ thống tăng cường chức năng điều khiển bay (MCAS) mà họ hầu như không hiểu gì về nó.
Thêm vào đó, sự cố của máy bay Ethiopia không chỉ phơi bày sai lầm trong chế độ lái tự động, mà còn chỉ ra hậu quả của việc cơ quan quản lý an toàn hàng không Hoa Kỳ ngày càng nhường nhiều quyền hạn cho Boeing.
Có thể nói, chính sự kết hợp giữa một hệ thống tự động hóa can thiệp quá mức và việc thiếu tập huấn cho phi công đã gây ra hậu quả chết người. Tính đến nay, thiệt hại của Boeing lên tới hàng tỷ USD. Toàn bộ phi đội máy bay Boeing 737 Max đang bị cấm cất cánh.
Hộp thủy canh AI rởm
Trong một cuộc thuyết trình tại TED Talk 2015 thu hút hơn 1,8 triệu lượt xem, kiến trúc sư Caleb Harper tại phòng thí nghiệm MIT Media Lab đã giới thiệu một loại hộp thủy canh gắn thiết bị điện tử và AI, mà theo ông có thể đo lường hàng triệu kiểu kết hợp ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Harper cho rằng dự án Nông nghiệp Mở của mình sẽ tiên phong cho “nền nông nghiệp tự động” (cyber agriculture).
Hộp thủy cảnh ứng dụng AI thực chất chỉ là hộp trồng trọt chẳng mấy hiệu quả.
Hóa ra, máy tính sản xuất thực phẩm này chỉ là một chiếc hộp trồng trọt được tâng bốc lên tận trời nhưng chẳng mấy hiệu quả. Bằng cách dùng những thuật ngữ "nguy hiểm" kiểu như "climate hacking,” “open source,” “microbiome…, phòng thí nghiệm MIT Media Lab đã không ngừng giành được sự chú ý và nguồn tài trợ. Việc phóng đại lên đến đỉnh điểm vô lý khi vào tháng 4/2019, Harper nói rằng đã sử dụng “học máy” để trồng ra những cây húng quế “ngon hơn bất kì loại nào từ trước tới nay” – theo thông cáo báo chí của MIT News.
Nhưng đến tháng 9/2019, những người làm việc ở đây đã đứng ra
tố cáo với truyền thông về việc sử dụng ảnh chụp giả (chụp cây được mua từ ngoài vào), các thủ thuật đánh lừa đã áp dụng và những vi phạm về môi trường. Vào tháng 10/2019, dự án Nông nghiệp Mở đã bị “tạm dừng hầu hết hoạt động”.
Vi khuẩn bò
Tầm những năm 2015, khi một công ty có tên Recombinetics (Mỹ) tạo ra bò sữa không sừng nhờ công nghệ chỉnh sửa hệ gene, họ khẳng định rằng chúng không phải là những sinh vật biến đổi gene (GMO) nên không cần kiểm soát. Nhờ hoạt động chỉnh sửa gene, người ta có thể tạo ra điều kì diệu: Tất cả bò đều không có sừng.
"Kết quả tương tự cũng có thể đạt được bằng cách chọn tạo giống trong các trang trại", CEO của công ty này vào năm 2017 đã tuyên bố, "Chúng tôi biết chính xác gene nào sẽ ở đâu và gắn chính xác nó vào vị trí ấy. Chúng tôi có tất cả các dữ liệu khoa học chứng minh rằng không có hiệu ứng ngoài mục tiêu (off-target effects) nào cả."
Tuy nhiên, việc chỉnh sửa hệ gene không hề dễ dàng dự đoán hay đáng tin cậy như những gì được quảng cáo. Quy trình chỉnh sửa gene vẫn có thể dẫn đến những thay đổi bất ngờ mà không ai nhận ra. Cho đến khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét DNA của một con bò đực tên là Buri (đã sinh ra thêm 17 con bò con) và phát hiện một đoạn gene vi khuẩn mà công ty đã vô tình chèn vào. Do vậy, bò và một số động vật không sừng khác được xác định là chuyển đổi gene (transgenic) và mặc định trở thành GMO.
Thông thường, FDA phân loại động vật chỉnh sửa gen như các loại thuốc mới, cần phải được thử nghiệm rộng rãi và phê duyệt. Recombinetics, một phần do không đồng tình với FDA, nên chưa từng làm các thủ tục chính thức để gia súc không sừng được công nhận ở Mỹ. Tuy vậy, công ty đã hợp tác với ĐH California để mở một hồ sơ động vật với FDA vào năm ngoái. Họ đã hỏi cơ quan thẩm quyền này về việc đưa những con bò thí nghiệm trở thành thực phẩm. Vì lẽ đó, FDA đã phát hiện ra gene vi khuẩn trong gene bò.
Có thể việc bổ sung DNA của vi khuẩn vào gene bò là vô hại, nhưng điều tai hại thực sự nằm ở chỗ những người điều chỉnh hệ gene bò đã tuyên bố hoạt động của họ “chính xác ở cấp độ phân tử.” Sai phạm này làm dấy lên những lo ngại về các nguyên tắc trong chỉnh sửa gene có thể gây hậu quả không lường trước được, nhất là sau vụ chỉnh sửa gene người đình đám ở Trung Quốc hồi năm 2018. Các con bò này hiện đã bị thiêu hủy gần hết.
Gaydar di truyền
Chỉ trong vòng vài tuần sau khi một nghiên cứu lớn xác định các gene liên quan đến hành vi đồng tính được công bố, một lập trình viên đã ra mắt một ứng dụng có tên là “How Gay Are You?” (Bạn gay đến mức nào?).
Với giá 5,50 USD, ứng dụng này dường như có ý sử dụng kết quả nghiên cứu trên để tính toán mức độ đồng tính của bất kỳ ai, bằng việc dùng kết quả từ một xét nghiệm DNA giống như loại đang được cung cấp bởi công ty phân tích dữ liệu di truyền 23andMe.
Và rồi tranh cãi đã nổ ra. Liệu ứng dụng này có phải là “sự hiểu nhầm nguy hiểm” của khoa học, hay nó đã nhấn mạnh chính xác thông điệp của nghiên cứu này rằng không có bất kì gene nào quy định ai đó là người đồng tính? Hoặc, liệu nó có cho thấy rằng dự án nghiên cứu ban đầu nhằm giải thích hành vi đồng tính đã bị hiểu sai?
Ứng dụng gaydar đã bị xóa, nhưng những lời hứa hẹn - hay những rắc rối - về dự đoán di truyền không biến mất. Giờ đây, các nhà khoa học về gene có nhiều cách thức mới để liên hệ những khác biệt di truyền nhỏ với không chỉ những nguy cơ mắc bệnh mà còn tới cả những đặc điểm như chiều cao, trí thông minh hoặc khả năng kiếm tiền.
Đi lậu tàu vũ trụ
Tháng 2/2019, SpaceIL, một công ty tư nhân ở Israel đã ra mắt tàu vũ trụ đổ bộ mặt trăng đầu tiên của nước này mang tên Beresheet. Đáng tiếc, chiếc tàu đã đâm xuống mặt trăng vào hồi tháng tư. Điều may mắn là không có ai trên tàu, nhưng điều không may là có thứ gì đó đã ở trên tàu.
Hóa ra, một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ tên là Arch Mission Foundation đã bí mật thêm vào chuyến tàu một khoang nang chứa đầy loài sinh vật cổ xưa tám chân gọi là tardigrades (gấu nước). Các sinh vật siêu nhỏ này chỉ dài khoảng 1 mm, có thể sống sót trong trạng thái không hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt như mặt trăng.
Con người đã đặt ra khái niệm “bảo vệ hành tinh” để chỉ việc không nên làm ô nhiễm hành tinh khác bằng sinh vật sống từ Trái Đất. Điều này cũng liên quan đến những lo lắng về nhiễm bẩn không gian, rằng nếu con người khám phá ra sự sống ngoài quỹ đạo thì chúng ta muốn chắc chắn đó không phải là những sinh vật mà ta đã thả ra từ trước. Mặc dù loài tardigrades của tàu Israel này sẽ không có khả năng tái sinh và lan rộng nếu không có nước, nhưng vụ việc này cho thấy hệ thống của chúng ta hiện nay không đủ tôn trọng việc “bảo vệ hành tinh”.
Nhiệm vụ của Arch Mission Foundation là tạo ra một bản sao lưu (backup) cho Trái Đất, do đó họ thử nghiệm nhiều công nghệ lưu trữ lâu dài như bảo mật thông tin trong các chuỗi DNA hoặc bọc côn trùng trong hổ phách nhân tạo. Họ đã chất lên tàu không gian của Israel một loạt tấm niken ghi lại 60.000 trang Wikipedia và các văn bản khác ở kích cỡ nano. Vào phút bàn giao cuối, tổ chức này quyết định bổ sung sợi tóc người, tế bào máu người và hàng ngàn con tardigrades lên tàu. Nova Spivack, nhà đồng sáng lập của Arch Mission Foundation, cho biết: “Chúng tôi đã không nói với họ việc đặt sinh vật sống vào chuyến tàu này, chúng tôi đã quyết định chấp nhận mạo hiểm.”
Điện thoại màn hình gập của Samsung
Các đánh giá về điện thoại Galaxy Fold cho thấy siêu phẩm này đã không đáp ứng được kì vọng của người tiêu dùng. Mark Gurman, cây bút đánh giá thiết bị của Bloomberg viết trên Twitter kèm ảnh minh họa hồi tháng 4/2019: “Sau một ngày sử dụng, nó hoàn toàn bị hỏng và không sử dụng được.”
Samsung lên kế hoạch cho ra đời khoảng 6 mẫu điện thoại gập trong năm tới. Nhưng việc giới thiệu một chiếc điện thoại màn hình gập 7,3 inch chưa chín muồi cho thấy việc tạo ra đột phá lớn với người tiêu dùng smartphone để họ phải mua mẫu mới và tránh xa những chiếc điện thoại giá rẻ từ Trung Quốc là vô cùng khó khăn.
Việc điện thoại mẫu cho dòng sản phẩm này bị rạn vỡ màn hình và bị rò rỉ chất lỏng đã khiến Samsung phải đột ngột hoãn việc ra mắt điện thoại vào mùa xuân năm sau. Samsung nói rằng họ sẽ “thực hiện các biện pháp” tăng cường màn hình. Công ty thừa nhận rằng những khiếm khuyết này “có thể liên quan” tới bản lề yếu cũng như “các chất được tìm thấy bên trong thiết bị”.
Giới hâm mộ thiết bị công nghệ có vẻ không thể chờ đợi hơn nữa, tuy nhiên những người đánh giá cho biết phiên bản thiết kế lại, hiện đang bán với giá 1.980 USD, vẫn còn khá “mong manh và mang tính thử nghiệm”. Có vẻ màn hình dẻo vẫn chưa sẵn sàng để tung ra thị trường.
Thẻ tín dụng thiên vị của Apple
Tại sao một người chồng là doanh nhân công nghệ giàu sang có giới hạn tín dụng cao gấp 10 lần người vợ khi sử dụng thẻ Apple Card mới, mặc dù cả hai có chung khối tài sản? Khi được hỏi như vậy, một đại diện của Apple trả lời: “Đó là do thuật toán.” Phải, do các thuật toán phân biệt giới tính. Hãng Apple và tổ chức chống lưng cho chiếc thẻ này - ngân hàng Goldman Sachs - đều không cung cấp bất kì thông tin gì. Và đó chính là vấn đề.
Sự thiên vị về điện toán vẫn tồn tại nhưng khó có bắt ai chịu trách nhiệm. Năm nay, Facebook đã đạt được một thỏa thuận ngừng cho phép các nhà quảng cáo cố tình phân biệt đối xử trong những quảng cáo nhà ở và việc làm, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy những thuật toán vô hình vẫn không ngừng làm sai lệch kết quả. Quảng cáo tuyển tài xế taxi trên Facebook vẫn tự động hiển thị thường xuyên hơn cho các nhóm thiểu số và quảng cáo việc làm tại siêu thị vẫn xuất hiện nhiều hơn cho chị em phụ nữ.
Cắt Internet
Dù Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới, khi nói đến dịch vụ internet thì "dân chủ" không hẳn là từ mô tả đúng. Thay vào đó, chính quyền liên bang và địa phương Ấn Độ đã phát hiện rằng khi gặp sự cố, giải pháp thuận tiện nhất chính là cắt quyền truy cập vào Facebook, WhatsApp và toàn bộ mạng Internet của người dân.
Vào tháng 12/2019, Ấn Độ đã cắt Internet của 60 triệu người. Vụ việc này diễn ra sau khi người dân ở miền bắc nước này bắt đầu phản đối luật nhập tịch sửa đổi gây bất lợi cho người Hồi giáo. Trong khu vực xung đột Kashmir, các dịch vụ Internat đã ngừng hoạt động kể từ tháng 8. Một số người phải đi hàng dặm chỉ để kiểm tra email. Trong cả năm 2019, chính quyền Ấn Độ có hơn 90 lần cắt kết nối mạng.
Trong khi Ấn Độ là nhà vô địch thế giới về điều chỉnh Internet thì việc cắt mạng tương tự cũng diễn ra ở Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Sudan và Benin, nơi các chính phủ đã học được rằng chỉ cần cắt mạng là có thể hạ nhiệt tất cả những bất đồng chính kiến, tránh các rắc rối và ngăn chặn tin tức về biểu tình lan ra thế giới.