Quân lực Hoa Kỳ vừa thử nghiệm một hệ thống chỉ huy và kiểm soát mới trong nhận diện và đánh chặn một vụ tấn công bằng tên lửa hành trình [mô phỏng] nhắm vào lãnh thổ nước Mỹ.
Trong ba ngày từ 16 – 18/12/2019, các đơn vị trực thuộc Không quân, Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ đã sử dụng Advanced Battle Management System (ABMS) hay Hệ thống kiểm soát giao tranh tiên tiến, để thu thập, phân tích và chia sẻ lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực trong một chiến dịch kết hợp air – sea – land (không chiến – hải chiến – tác chiến mặt đất).
Việc nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu – không kém gì đạn – đang là xu hướng mới trong chiến lược phòng thủ của các quốc gia. Bằng cách chuyển thông tin của mọi thứ, từ những siêu tàu sân bay cho tới từng khẩu súng trường của lính đặc nhiệm vào cùng một nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu, các chỉ huy sẽ có trong tay năng lực nhiều lớp – thứ mang lại những lợi thế không ngờ.
Cuộc tập trận chung sử dụng hệ thống ABMS vừa qua được xem như một phần của những nỗ lực trong vòng 5 năm tới nhằm hiện thực hóa, phát triển và hoàn thiện ý tưởng (concept) Joint All-Domain Command and Control hay JADC2 – chỉ huy và kiểm soát chung [trên tất cả mọi lĩnh vực] nhờ chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực cho các hoạt động tác chiến trên biển, đất liền, không trung và cả không gian mạng.
Theo mô tả diễn biến chi tiết, các máy bay của hải quân và không lực, một tàu khu trục hải quân, một số hệ thống cảm biến phòng không được bố trí trên mặt đất, không gian cùng hỏa lực, và một đơn vị đặc nhiệm đã cùng dõi theo mục tiêu là một máy bay QF-16 với kích thước đầy đủ – mô phỏng tên lửa của kẻ thù. Ngay lập tức, hệ thống đã nhận diện được mục tiêu và truyền dữ liệu tới tàu khu trục USS Thomas Hudner trên Vịnh Mexico, 2 máy bay F-35 và 2 chiếc F-22 khác (chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 hoàn chỉnh và duy nhất trên thế giới hiện nay) của không quân, 2 máy bay F-35 của hải quân, các chỉ huy tại căn cứ không quân Elgin, một số đơn vị đặc nhiệm mặt đất và một tổ hợp tên lửa lưu động. Tất cả những cập nhật theo thời gian thực đều được cung cấp đầy đủ và tức thời, bất chấp nền tảng gửi và nhận dữ liệu trên các trang thiết bị.
Theo kỳ vọng, những cuộc diễn tập tương tự sẽ được tổ chức sau mỗi 4 tháng như là một phần của chương trình phát triển nền tảng JADC2, bao gồm cả cải thiện tốc độ lẫn năng lực đáp trả nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), học máy cùng nhiều công nghệ tiến bộ khác. Ngoài ra, quân đội cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu suất phần cứng, khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn nhiều so với hiện nay.
Hải Đăng (theo US Air Force)