Đầu thập kỷ 1990, Nhật Bản đã có những bước đi quyết liệt nhằm giải quyết vấn đề rác thải điện tử. Nhờ vậy, chẳng những loại rác thải này không còn là nỗi lo của Nhật mà họ còn đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ tái chế ra thế giới, thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Hành động sớm và quyết liệt

Khu vực Đông Á nói chung và Nhật Bản nói riêng là một trong những thị trường tiêu thụ thiết bị điện tử lớn. Hằng năm, sau mỗi một đợt người dùng nâng cấp thiết bị, hàng triệu máy móc đời cũ sẽ bị loại bỏ. Khu vực này cũng chính là nơi nhập khẩu và xuất khẩu hàng điện tử lớn của thế giới, nên cũng dễ hiểu khi hoạt động buôn bán chất thải điện tử bùng nổ trong thời gần đây. Mối quan ngại về tác động môi trường tiềm ẩn của dòng rác thải này khiến Nhật Bản thực hiện một số bước quan trọng để giải quyết, sớm hơn hầu hết các nước phát triển khác.

Nhật Bản bắt đầu xem xét bức tranh toàn cảnh về xử lý chất thải điện tử vào đầu những năm 1990 khi trở thành quốc gia đầu tiên ban hành một đạo luật liên quan đến chất thải điện tử, với 4 nội dung đáng chú ý nhất: Thừa nhận sự khó khăn trong việc xử lý chất thải điện tử so với các loại chất thải khác; thừa nhận sự thiếu hụt nghiêm trọng các bãi chôn lấp và nguy cơ ô nhiễm đất, nước ngầm và các nguồn tài nguyên khác; thừa nhận sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức về lợi ích của việc thu hồi, sử dụng các nguồn tài nguyên trong chất thải điện tử; sẵn sàng tạo điều kiện và phát triển các công ty tái chế, biến chất thải rắn công nghiệp thành nguyên liệu thô để tái sử dụng.

Luật Tái chế đồ gia dụng cũng được Nhật Bản áp dụng vào năm 1991 nhằm mục đích kiểm soát việc bán phá giá bất hợp pháp các mặt hàng như tivi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí và máy giặt; giúp nước này xác định được các sản phẩm chủ chốt để tái chế bắt buộc.

Những con chip bằng nhôm từ các loại đồ điện tử gia dụng được thu gom tại Tokyo. Ảnh: CGTN
Những con chip bằng nhôm từ các loại đồ điện tử gia dụng được thu gom tại Tokyo.
Ảnh: CGTN

Nhật Bản cũng có những quy định về trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc tái chế. Cách người tiêu dùng hợp tác với các nhà bán lẻ và chính quyền địa phương để tái chế rác thải điện tử cũng được xác định rõ ràng.

Gần đây, Nhật Bản xây dựng và bổ sung nhiều quy định mới về vấn đề rác thải điện tử. Điển hình như năm 2001, nước này áp dụng Luật Khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên, đòi hỏi các nhà sản xuất tái chế hàng hóa và giảm việc tạo ra chất thải.

Theo Hiệp hội Thiết bị gia dụng điện (AEHA), trong năm 2013 có khoảng 556.000 tấn rác điện tử (24% tổng lượng chất thải điện tử) đã được thu gom và xử lý chính thức tại Nhật nhờ tác dụng của các luật về rác thải điện tử. Hàng loạt công nghệ tái chế hiện đại ra đời và được áp dụng, đóng vai trò lớn trong thành công của Nhật Bản trong lĩnh vực này. Hiện nước này có khoảng 100 cơ sở xử lý chất thải điện tử lớn cũng như các cơ sở thu gom và xử lý nhỏ ở địa phương.


Xuất khẩu công nghệ tái chế

Không chỉ thực hiện tốt việc tái chế rác thải trong nước, giờ đây Nhật Bản còn quyết định hướng ra thế giới. Theo Channel News Asia, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã và đang đẩy nhanh quá trình xuất khẩu và chuyển giao công nghệ tái chế rác thải của Nhật Bản.

Năm 2016, Tập đoàn Mitsubishi của Nhật tuyên bố mở trung tâm tái chế rác thải tại thị trấn Moerdijk, Hà Lan. Nhà máy trị giá 30,8 triệu USD này được trang bị để nhận chất thải điện tử từ khắp châu Âu. Giải thích việc chọn châu Âu để đặt trung tâm tái chế, Mitsubishi cho biết châu Âu là một trong những nguồn rác điện tử lớn nhất thế giới, chẳng hạn như bảng mạch in.

Chất thải điện tử bao gồm bất kỳ thiết bị điện tử nào mà khách hàng muốn tiêu hủy, chẳng hạn như máy tính để bàn, máy tính xách tay, tivi và điện thoại di động... Mitsubishi cho biết họ sẽ thu gom, xử lý các bảng mạch in để thu hồi các kim loại quý như đồng, vàng, bạc, bạch kim và palladium. Bất kỳ quốc gia châu Âu nào cũng có thể gửi chất thải điện tử tới trung tâm để được xử lý.

Ông Hideyuki Umeda - Phó Vụ trưởng Vụ Xúc tiến tái chế thương mại của Bộ Kinh tế Nhật Bản - cho biết vào năm 2016: "Hiện việc xuất khẩu công nghệ tái chế rác thải của Nhật Bản đạt 300 tỷ yên (khoảng 2,7 tỷ USD). Mục tiêu của chúng tôi là đạt mức 1.000 tỷ yên vào năm 2020".