Đề tài “Nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải điện tử gia dụng” thuộc đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” do Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Huỳnh Trung Hải - ĐH Bách khoa Hà Nội - làm chủ nhiệm.

Bản mạch điện tử - bộ phận có giá trị nhất của chiếc máy tính nằm ngồn ngang trong đống phế liệu của một cơ sở thu mua ở Hoàng Cầu - Đống Đa - Hà Nội. Ảnh: Trịnh Điệp
Bản mạch điện tử - bộ phận có giá trị nhất của chiếc máy tính nằm ngồn ngang trong đống phế liệu của một cơ sở thu mua ở Hoàng Cầu - Đống Đa - Hà Nội. Ảnh: Trịnh Điệp

Mục tiêu của đề tài là xây dựng và phát triển công nghệ tái chế, thu hồi các vật liệu có giá trị từ chất thải điện tử gia dụng thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam; hiệu chỉnh và đánh giá hiệu quả công nghệ tái chế, thu hồi kim loại có giá trị; xây dựng công nghệ xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình thu hồi vật liệu, xử lý chất thải điện tử gia dụng.


Các tác giả đã xây dựng được báo cáo tổng quan về mô hình thu gom, phân loại, tái chế chất thải điện tử gia dụng trong và ngoài nước, thực trạng và dự báo về nhu cầu xử lý loại chất thải này ở Việt Nam đến năm 2020; đề xuất mô hình thu gom và tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng quy trình tiền xử lý, tháo dỡ đối với tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, máy vi tính - quy trình dễ thao tác, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu cũng đã thiết kế, chế tạo thành công mô hình thí điểm tách và thu hồi kim loại có giá trị từ bản mạch, công suất 1 tấn thiết bị/ngày, áp dụng tách và thu hồi được đồng kim loại, muối chì clorrua và hợp chất ôxít thiếc.